Tránh việc liên tục thay sách giáo khoa

M.Loan-H.Vũ 21/05/2019 23:50

Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông; sách giáo khoa, các quy định liên quan đến nhà giáo là những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH.

Tránh việc liên tục thay sách giáo khoa

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Liên thông đang có tình trạng dễ dãi

Trước việc có ý kiến đề nghị học sinh học hết THCS được học lên thẳng trình độ cao đẳng, theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiến niên và nhi đồng của Quốc hội, hiện nay theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, người học trình độ trung cấp có bằng tốt nghiệp THCS nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Tuy nhiên, để làm rõ hơn về cơ chế liên thông, tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra thì Dự thảo luật quy định người học được sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ khác cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng, trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10).

Đồng tình với việc hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức theo hướng mở, liên thông nhưng ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay hướng nghiệp phân luồng đang còn nhiều bất hợp lý. Theo ông Tạo, sử dụng cơ chế liên thông là điều cần thiết nhưng cần giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học sao cho phù hợp tránh những bất cập.

Theo đánh giá của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp,) học liên thông đang có tình trạng dễ dãi, không có học sinh nên tại một số trường cứ có học sinh là cho liên thông lên như tại một số trường cho liên thông dễ dàng như: Y, Dược, Kiến trúc. Do đó ông Hòa cho rằng cần quy định chặt chẽ để đào tạo liên thông có chất lượng hơn.

Sách giáo khoa cần ổn định, lâu dài

Vẫn theo ông Nguyễn Tạo, sách giáo khoa đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là hiện nay sách giáo khoa đang độc quyền trong in ấn, xuất bản, phát hành, dự kiến tăng giá trong thời gian tới. Do đó cần hết sức cân nhắc chương trình sách giáo khoa từ xuất bản. “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách nhưng lại quy định không rõ dễ dẫn đến tình trạng loạn sách giáo khoa, hoặc “học một đằng thi một nẻo” vì vậy cần quy định cụ thể về các tiêu chí, quá trình biên soạn, chỉnh sửa, lựa chọn sách giáo khoa”-ông Tạo nói.

“Chương trình, sách giáo khoa thống nhất trong cả nước là điều cần thiết”-ông Phạm Văn Hòa nhìn nhận, tuy nhiên trong quá trình làm sách giáo khoa cần mang tính ổn định, lâu dài, tránh việc mỗi năm phải thay sách khác gây lãng phí cho xã hội, đặc biệt sách tham khảo cũng cần được quy định rõ ràng để tránh việc giáo viên dạy theo sách tham khảo để học sinh phải đi học thêm, không học thêm thì không biết làm bài tập trong lớp gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.

Bà Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, về sách giáo khoa đã có những tiêu chuẩn, quy trình để lựa chọn sách giáo khoa phổ thông, việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tránh được việc độc quyền trong biên soạn sách giáo khoa tuy nhiên nhiều cử tri cảm thấy băn khoăn khi có nhiều sách giáo khoa sẽ gây xáo trộn trong quá trình thực hiện.

Tránh việc liên tục thay sách giáo khoa - 1

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quang Vinh.

Cần có chính sách đổi mới mạnh mẽ hơn

Theo ông Phạm Văn Hòa, cách thi mà “trúng gần hết” thì có thể nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Qua đó giảm ngân sách nhà nước dành cho kỳ thi để đỡ tốn kém cho xã hội, nhất là với những gia đình khó khăn. Nên chăng chỉ thi đại học để nâng cao chất lượng đầu vào đại học.

“Muốn nâng cao chất lượng giáo dục”, theo ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cần nâng cao chất lượng từ “đầu vào” – đó là nâng chất lượng các sinh viên sư phạm, cũng như những người công tác trong ngành Giáo dục. Cần có chính sách đổi mới mạnh mẽ hơn, tuyển sinh đầu vào sinh viên các trường sư phạm phải cao như các ngành: Công an, Quân đội, có trình độ hạnh kiểm, đạo đức và cần có chính sách đầu ra, tức là ra trường có việc làm. Như vậy mới thu hút được người tài giỏi vào ngành Sư phạm.

Đề cập đến vấn đề cần nâng chuẩn “đầu vào”, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, nâng chuẩn giáo viên là cần thiết, trong đó có giáo viên mầm non nhằm đảm bảo phù hợp với phát triển xã hội và bắt nhịp với xu thế của khu vực và thế giới. Vấn đề quan trọng là nâng chuẩn giáo viên có nâng chuẩn chất lượng đào tạo hay không? Bởi nâng chuẩn chất lượng là vấn đề quan trọng nhưng đi cùng với đó cần có một số chính sách kèm theo như vấn đề tuyển dụng, chế độ đãi ngộ.

* Trách nhiệm của nhà trường: Từ những vụ việc vừa qua như: Bạo lực học đường, an toàn thực phẩm, đạo đức nhà giáo, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị có quy định rõ ràng về trách nhiệm của nhà trường từ giải trình đến trách nhiệm giải quyết sự việc. Để có giáo viên giỏi thì cần có sinh viên giỏi, và để có sinh viên giỏi thì cần học sinh giỏi. Như vậy vấn đề quan trọng là cần có chế độ, chính sách và cơ chế để thu hút người giỏi vào học trường sư phạm.

* Cần quy định chi tiết về thực nghiệm: ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, Luật có 119 điều trong đó có 18 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung. Vì sao trong thời gian qua thực nghiệm, thí điểm có nhiều cái vướng trong khi không ai chịu trách nhiệm về thực nghiệm?. Thực nghiệm trong giáo dục là dùng học sinh làm phương tiện thí điểm, thực nghiệm do đó Chính phủ cần quy định chi tiết về thực nghiệm trước khi áp dụng vào thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh việc liên tục thay sách giáo khoa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO