Với thông điệp “Trao cần câu hơn trao xâu cá”, thay vì hỗ trợ người dân bằng các phần quà, tiền mặt…, Huyện đoàn Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) hướng đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng hộ dân, từ đó khơi dậy ý chí vươn lên, tiến tới thoát nghèo bền vững…
Thời gian qua, mô hình “Cần câu xanh” do Huyện đoàn Phú Lộc phát động đã lan tỏa đến khắp các xã, thị trấn của huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), nhằm chung tay cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là một trong những hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương, đầu tháng 3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Huệ (trú tại tổ dân phố 9, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) được Thị đoàn Phú Lộc hỗ trợ 15 con gà giống đang trong thời kỳ sinh sản để phát triển sinh kế.
Đón nhận những con gà giống từ Đoàn thanh niên, bà Huệ cảm ơn các cấp bộ Đoàn, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm đã quan tâm, hỗ trợ gia đình; đồng thời sẽ chăm sóc đàn gà thật tốt, từ đó giúp gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tương tự, gia đình bà Hứa Thị Yến (trú tại xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Yến, Xã đoàn Lộc Tiến hỗ trợ gia đình 50 con gà giống để phát triển sinh kế. “Gia đình chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc để đàn gà phát triển tốt, sớm sinh sôi nảy nở, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững” - bà Yến chia sẻ.
Theo Huyện đoàn Phú Lộc, từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình “Cần câu xanh” đã hỗ trợ sinh kế cho 28 hộ dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Qua đó, đã hỗ trợ khoảng 800 con gà giống, 30 con lợn giống, 20 con vịt giống với tổng trị giá khoảng 70 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, anh Hoàng Trần Quốc Phú - Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc cho biết, với mong muốn tạo ra một mô hình mới, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, mô hình “Cần câu xanh” đã ra đời từ đầu năm 2023, nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Các đối tượng được lựa chọn hỗ trợ đều là những hộ nghèo, cận nghèo thuộc kế hoạch thoát nghèo trong năm 2023 của địa phương. Huyện đoàn và các Xã đoàn phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn tiến hành rà soát, khảo sát và lựa chọn đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Sau đó, tiến hành ký cam kết với người dân trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương để thể hiện sự quyết tâm.
“Với thông điệp “Trao cần câu hơn trao xâu cá”, thay vì hỗ trợ bà con bằng các phần quà, tiền mặt,… Huyện đoàn hướng đến hỗ trợ những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng điều kiện cụ thể của các hộ dân. Đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ với bà con về cách thức nuôi trồng hiệu quả, từ đó khơi dậy cho bà con ý chí vươn lên, thoát nghèo bền vững….” - Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc nhấn mạnh.
Về kinh phí để triển khai mô hình “Cần câu xanh”, anh Hoàng Trần Quốc Phú cho biết, toàn bộ nguồn kinh phí được Huyện đoàn và các Xã đoàn, Thị đoàn huy động từ các nguồn xã hội hóa đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện.
“Với bước đầu đạt được một số hiệu quả nhất định, mô hình “Cần câu xanh” sẽ tiếp tục kêu gọi đa dạng nguồn hỗ trợ để có thể nhân rộng ra nhiều hơn nữa; góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Lộc thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” - anh Phú chia sẻ.