Trao tặng khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 03/11/2021 09:00

Chuyên gia tâm lý học lâm sàng- PGS.TS Trần Thành Nam bày tỏ: Tôi thấy rằng càng ở trong bối cảnh khó khăn, đối diện với khủng hoảng thì tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc Việt lại càng được phát huy mạnh mẽ.

Những sáng kiến ATM gạo, ATM oxy, ATM điện thoại cũng đã gợi mở cho những nhà chuyên môn tâm thần học và tâm lý học lâm sàng chúng tôi kết nối với nhau để có các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Hơn nữa, chính việc tham gia các chương trình cũng là một liều thuốc tinh thần đối với các thành viên của tổ chức. Bởi các nghiên cứu cho thấy, những hành động trao tặng người khác khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn…

PV:Thưa ông, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát nhưng những di chứng mà nó để lại vẫn khiến nhiều người lo lắng. Với kinh nghiệm của một chuyên gia tâm lý học lâm sàng, ông có thể chia sẻ về cách khắc phục căng thẳng tâm lý đang diễn ra với người dân, cụ thể hơn là với người già, nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân Covid-19… Cùng với đó là những tổn thương về thể chất, tinh thần đối với người lớn, trẻ em bị nhiễm bệnh hay khi người thân qua đời?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đại dịch kéo dài đã khiến nhiều người kiệt sức. Nỗi lo lắng ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực chăm sóc con cái, tương lai ngày càng lớn. Bên cạnh đó sự mất kết nối giữa người với người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng. Sự sợ hãi về thiếu hụt các nhu cầu cơ bản đã bào mòn sức chịu đựng của chúng ta...

Theo các số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cuối năm 2020, trong suốt đại dịch Covid-19, tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần trong cộng đồng đã tăng lên so với bình thường gấp từ 5 đến 7 lần. Và số liệu có thể không phản ánh hết bản chất vì có rất nhiều người bị tổn thương mà không được ghi nhận, cá nhân họ cũng không có khả năng tiếp cận với bất cứ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nào. Nếu chúng ta bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu như xáo trộn lịch ăn ngủ, cảm thấy không ai hiểu mình nên tự cô lập bản thân, không nghỉ giải lao theo lịch, cảm thấy chán ngán công việc của mình. Chúng ta dễ nổi cáu với những người xung quanh, cảm thấy vô cảm sau một cuộc làm việc trực tuyến, ít thông cảm và chu đáo với thành viên trong gia đình. Hay đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi thì có lẽ bạn đã bị tổn thương sức khỏe tâm thần và cần có sự hỗ trợ.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua, tại TPHCM đã trải qua những thiệt hại nặng nề với ca nhiễm lớn, số người tử vong cao, đặc biệt là nhiều trẻ em mồ côi cha, mẹ. Ông suy nghĩ về điều này ra sao?

- Tôi nghĩ đến những sang chấn tâm lý nặng nề có thể ảnh hưởng đến các em nhỏ. Các em cần có sự hỗ trợ của cộng đồng và những người thân khác trong gia đình lớn để cùng các em đương đầu với những cảm giác đau buồn này. Người lớn cần chú tâm đến các em, chia sẻ chân thành về sự kiện, cho phép các em đặt ra các câu hỏi và chấp nhận những cảm xúc đau buồn của các em trước nỗi mất mát này. Nhiều đứa trẻ trong bối cảnh dịch bệnh sẽ nảy sinh những cảm giác tội lỗi như chắc là vì con không ngoan, con học không giỏi, con không vâng lời nên bố mẹ mới bỏ con đi. Tất cả những suy nghĩ đó đều cần phải được điều chỉnh lại.

Để nỗi đau buồn có thể vơi đi, người lớn có thể gợi ý các em viết thư cho người đã khuất, ghi nhật ký một ngày làm việc như một cách thức tượng trưng báo công với người thân đã mất. Còn nếu các em có những biểu hiện nặng hơn của rối loạn stress sau sang chấn thì cần liên lạc với các chuyên gia tâm lý lâm sàng để có những can thiệp chuyên môn sâu hơn.

Với trẻ mồ côi trong đại dịch vừa qua, việc chăm sóc các con nên tiến hành ra sao? Liệu các con có thể sống trong môi trường tập trung hay tốt hơn là các con tiếp tục sống trong môi trường quen thuộc phù hợp, thưa ông?

- Với những trẻ mồ côi cha mẹ trong đại dịch, việc tìm kiếm một môi trường “gia đình” thay thế cho các em ngay lập tức là rất quan trọng.

Đó là phương án tốt nhất để giúp các em vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn và đầy thử thách này. Giúp các em có được tình yêu thương và được quan tâm, cho dù không phải từ cha mẹ yêu quý của mình. Và với sự quan tâm chăm sóc đầy yêu thương này, các em có thể mạnh khỏe và phát triển hết tiềm năng của mình và hạn chế tối đa các tổn thương.

Dẫu là môi trường chăm sóc thay thế nào thì chúng phải trở thành một “gia đình” thực sự của trẻ phải giúp bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi trẻ em trong môi trường đó, giúp các em phát triển thể chất, tâm lý, xã hội và cảm xúc một cách toàn diện.

Theo các số liệu nghiên cứu của WHO công bố cuối năm 2020, trong suốt đại dịch Covid-19 tỉ lệ tổn thương sức khỏe tâm thần trong cộng đồng đã tăng lên so với bình thường gấp từ 5 đến 7 lần. Và số liệu có thể không phản ánh hết bản chất vì có rất nhiều người bị tổn thương mà không được ghi nhận, cá nhân họ cũng không có khả năng tiếp cận với bất cứ dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nào. Và nếu chúng ta bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu như xáo trộn lịch ăn ngủ, cảm thấy không ai hiểu mình nên tự cô lập bản thân, không nghỉ giải lao theo lịch, cảm thấy chán ngán công việc của mình. Chúng ta dễ nổi cáu với những người xung quanh, cảm thấy vô cảm sau một cuộc làm việc trực tuyến, ít thông cảm và chu đáo với thành viên trong gia đình. Hay đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi thì có lẽ bạn đã bị tổn thương sức khỏe tâm thần và cần có sự hỗ trợ.

Trẻ em vốn rất dễ tổn thương, ngay cả với người lớn, những ngày tháng qua cũng đã vượt quá sức chịu đựng, nhiều người đã bị trầm cảm, không ít người buộc phải vào viện điều trị tâm lý?

- Vâng, không chỉ trẻ em, stress cũng trở nên quá sức chịu đựng với nhiều nhóm người. Ví dụ như nhóm người già, trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc bệnh và bệnh diễn biến nặng khi có dịch Covid-19 xảy ra. Kể từ khi có dịch tất cả những hoạt động ưa thích rèn sức khỏe của người cao tuổi như đi bộ, tập dưỡng sinh ở công viên, khuôn viên ngoài trời là không an toàn dẫn đến ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài nên càng dễ cảm thấy cô đơn đặc biệt với những người sống một mình. Sự cô đơn có thể khiến người cao tuổi suy sụp về thể chất và tinh thần.

Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm qua những hoạt động chăm sóc cụ thể, phù hợp. Ngoài những yếu tố rất quan trọng là dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, được kiểm tra sức khỏe định kỳ, được an toàn… thì người cao tuổi cần được quan tâm chế độ vận động phù hợp để giúp họ có một cuộc sống có chất lượng, mạnh khỏe, thoải mái về thể chất và tinh thần. Có thể bao gồm các bài tập đứng lên ngồi xuống, tập thái cực quyền, đi bộ, tập thăng bằng đứng chụm chân... Với tình yêu thương của con cái và cộng đồng, hy vọng người già sẽ trở thành những “cây cổ thụ” vững vàng trong đại dịch Covid-19.

Hay ngay cả với các doanh nhân vốn được xem là những người đại diện cho sự kiên cường và quen chống chịu áp lực. Tuy nhiên, trong đại dịch, sinh kế và sức khỏe tinh thần của doanh nhân bị đã và đang bị ảnh hưởng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì họ có ít các nguồn lực hơn các doanh nghiệp lớn. Họ phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính làm tăng những tổn thương.

Với những người ở tuyến đầu phòng chống dịch cũng đang bị rất nhiều tổn thương. Ngoài việc họ đang phải làm việc vượt quá 200% sức lực trong thời gian dài, họ cũng chịu những nỗi lo về việc tiếp xúc và nhiễm bệnh, lo lắng đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình cũng như những người đồng nghiệp, đồng thời hàng ngày phải chứng kiến và đối diện với cảm giác bất lực khi mỗi một bệnh nhân của họ không thể qua khỏi.

Sẻ chia trong mùa dịch tại TP HCM.

Tôi cho rằng, để hỗ trợ giúp những nhân viên y tế duy trì sức khỏe tâm thần trong giai đoạn này thì cần đảm bảo: Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn như rửa tay, đeo khẩu trang, quần áo phòng hộ, chất khử trùng tay; có kiến thức và thực hiện quy trình rõ ràng để phòng ngừa lây nhiễm từ bệnh nhân. Tự chăm sóc bản thân bằng các hoạt động tập thể dục, trò chuyện, kết nối gia đình, tập thư giãn, yoga, tránh tự kỳ thị, tránh tiếp xúc quá nhiều tin về tỉ lệ mắc mới hoặc tử vong liên quan đến Covid-19, dành thời gian cho hoạt động yêu thích hàng ngày và nghỉ ngơi khi mệt. Tận dụng các cơ hội hỗ trợ từ đồng nghiệp, như thảo luận chuyên môn, hay trò chuyện xin lời khuyên, nói chuyện thân thiện, tôn trọng, tránh dãn nhãn và định kiến về khả năng nhiễm bệnh của họ. Và đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý.

Với những người nhiễm bệnh, họ gặp quá nhiều tổn thương từ sức khỏe đến tinh thần khi người thân nhiễm bệnh hoặc qua đời, làm thế nào để giúp đỡ họ vượt qua được sự khủng hoảng này?

- Với những người được chẩn đoán nhiễm bệnh, tâm lý của họ có thể đi qua các giai đoạn khác nhau. Ví dụ như có tâm lý hoang mang không biết có bị nhiễm không. Họ cố gắng tìm trong các ký ức về các hoạt động có khả năng gây lây nhiễm và tự trách bản thân tại sao rơi vào tình trạng này…Trong thời gian chờ đợi kết quả, cảm giác lo lắng xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt khi phải chờ kết quả qua một đêm. Có nhiều người khó đi vào giấc ngủ hoặc mất ngủ ban đêm.

Đến khi nhận thông báo nếu kết quả dương tính sẽ là một stress cấp đối với họ. Bùng phát nỗi lo lắng về tiến triển bệnh, nguy cơ lây nhiễm và sức khỏe người thân, lo lắng về cuộc sống sau này. Những cảm giác này dần dần dẫn đến cá nhân thu mình lại do sợ lây cho người khác. Họ trở nên quá nhạy cảm với các phản ứng của những người xung quanh và quan tâm quá mức đến các biểu hiện cơ thể mình. Và càng lo lắng, nhiều người càng xuất hiện những biểu hiện bệnh nặng nề hơn.

Khi chứng kiến hình ảnh trước ngày đầu tiên thành phố thực hiện Chỉ thị 18 nhằm khôi phục kinh tế, dòng người lao động rời bỏ thành phố để trở về quê hương, cảm xúc của ông ra sao?

- Hình ảnh những dòng người bỏ phố về quê làm cho bất cứ ai cũng phải quặn lòng... Người dân đã không còn gì để cầm cự và họ bắt buộc phải trở về. Cá nhân tôi nhìn thấy rất nhiều công việc chúng ta phải làm. Từ việc cần có chính sách tổng thể cho người lao động hồi gia thế nào cho an toàn. Cần tổ chức các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ khẩn cấp trên đường hồi gia ra sao, từ những nơi ở tạm, thức ăn, các vật tư khẩn cấp cho những người dương tính với Covid-19, đối tượng người yếu thế như trẻ em, người già, người có bệnh. Công tác hỗ trợ đón tiếp ở địa phương và đoàn tụ gia đình như thế nào để vừa đảm bảo an toàn phòng bệnh vừa đáp ứng các nhu cầu để cân bằng về mặt tâm lý xã hội.

Mặc dù rất bận rộn với lịch làm việc, vì sao anh quyết định tham gia các chương trình hỗ trợ tâm lý cho người dân trong hoàn cảnh hiện nay?

- Tôi thấy rằng càng ở trong bối cảnh khó khăn, đối diện với khủng hoảng thì tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc Việt lại càng được phát huy mạnh mẽ. Những sáng kiến ATM gạo, ATM oxy, ATM điện thoại cũng đã gợi mở cho những nhà chuyên môn tâm thần học và tâm lý học lâm sàng chúng tôi kết nối với nhau để có các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Trong cuộc chiến này, chúng ta không chỉ cần vaccine chống virus corona mà còn cần cả vaccine ý thức, vaccine tinh thần nữa.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 lấy đi quyền kiểm soát và tăng thêm tính bất định cho tương lai thì các hoạt động của chương trình vaccine tinh thần cũng là một cách để chúng ta dành lại quyền kiểm soát này.

Hơn nữa, chính việc tham gia các chương trình này cũng là một liều thuốc tinh thần đối với các thành viên của tổ chức. Các nghiên cứu cho thấy những hành động trao tặng người khác khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn là chỉ chi tiêu cho bản thân mình. Khi làm việc tốt, các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin được sản sinh, kích hoạt các vùng não liên quan đến niềm vui, sự tin cậy và kết nối xã hội. Những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng đã được chứng minh tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta và giúp từng cá nhân cân bằng hơn trước nghịch cảnh.

Ông có thể chia sẻ các công việc ông và các cộng sự đang thực hiện?

- Tôi tham gia trên nhiều lĩnh vực từ livestream miễn phí, các chương trình truyền thông chính thống nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần, cách nhận diện sớm các dấu hiệu và các chiến lược ứng phó với căng thẳng, cân bằng cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh đến việc sản xuất các tài liệu tập huấn chuyên môn, các khóa học miễn phí, đồng thời cũng trực tiếp nhận một số cuộc điện thoại tư vấn và sơ cứu tâm lý cho một số thân chủ...

Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua được các khó khăn hiện tại, nhất là sau giãn cách, với tinh thần tích cực?

- Để vượt qua giai đoạn khó khăn này trước hết cần thừa nhận những yếu tố như: căng thẳng, choáng ngợp, lo lắng là phản ứng bình thường của tất cả chúng ta. Thứ đến, chúng ta hãy dành thời gian để chăm sóc 4 trụ cột chính của cuộc sống mỗi cá nhân. Đó là:

Trụ cột thể chất: Duy trì một lịch tập luyện đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ.

Trụ cột cảm xúc: Hãy làm những thứ mình cảm thấy tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp với bạn, dành thời gian cho lo lắng, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương.

Trụ cột xã hội: Tích cực tăng cường kết nối và phát triển các mối quan hệ mới, củng cố những mối quan hệ hiện tại và giành lại những mối quan hệ đã mất.

Trụ cột nhận thức: Phân biệt tin giả, loại bỏ suy nghĩ lo lắng vô ích để tập trung vào những việc có thể kiểm soát được, loại bỏ tính cầu toàn...

Tiếp theo, hãy tìm những ý nghĩa mới của cuộc sống từ cuộc khủng hoảng này. Có thể bạn sẽ có cái nhìn mới về việc phải cân bằng công việc và gia đình. Rằng nếu chúng ta cứ xoay vần với những công việc như trước đây thì có rất nhiều thứ giá trị khác chúng ta sẽ chẳng thể nào có được trong cuộc sống.

Cuối cùng hãy tìm cho mình một tấm gương. Khi gặp khó khăn nghịch cảnh, cá nhân tôi thường hướng tới những người đã sống qua chiến tranh, qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh nhưng vẫn mạnh mẽ và lạc quan mỗi ngày. Và họ nhắc nhở chúng ta rằng mọi việc rồi đều sẽ qua đi và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn vì lẽ đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hãy tìm những ý nghĩa mới của cuộc sống từ cuộc khủng hoảng này. Có thể bạn sẽ có cái nhìn mới về việc phải cân bằng công việc và gia đình. Rằng nếu chúng ta cứ xoay vần với những công việc như trước đây thì có rất nhiều thứ giá trị khác chúng ta sẽ chẳng thể nào có được trong cuộc sống. Và cuối cùng hãy tìm cho mình một tấm gương. Khi gặp khó khăn nghịch cảnh, cá nhân tôi thường hướng tới những người đã sống qua chiến tranh, qua những giai đoạn khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh nhưng vẫn mạnh mẽ và lạc quan mỗi ngày. Và họ nhắc nhở chúng ta rằng mọi việc rồi đều sẽ qua đi và chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn vì lẽ đó.

PGS.TS Trần Thành Nam đã có kinh nghiệm hơn 15 năm giảng dạy bậc sau đại học các chuyên đề về Tâm bệnh học; Đánh giá tâm lý; Đánh giá năng lực trí tuệ; Lý thuyết can thiệp trị liệu; Thực hành can thiệp trị liệu những vấn đề hướng ngoại; Kỹ thuật can thiệp trị liệu tâm lý cho trẻ em. Các hướng nghiên cứu chính gồm thích nghi và định chuẩn các bộ công cụ đánh giá phát hiện sớm; thích nghi và phát triển các chương trình can thiệp phòng ngừa, cho trẻ em và vị thành niên có rối loạn phát triển, các vấn đề hành vi, lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn…

Bên cạnh đó, ông còn là một diễn giả tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em và cộng đồng trên báo chí và truyền hình. Hiện PGS.TS Trần Thành Nam là Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trao tặng khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO