Trật đường ray

Lê Anh Đức 16/08/2017 09:05

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến việc liên tiếp trật bánh tàu hỏa trong thời gian ngắn tại ga Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Theo đó, việc trật bánh của đoàn tàu SP2 trong 2 ngày liên tiếp (6, 7-8) đều do lỗi chủ quan của con người, chứ không phải sự cố kỹ thuật. Việc đoàn tàu mang theo tính mạng hàng trăm con người nhưng vì sự cẩu thả của một số cá nhân, đơn vị dẫn đến trật bánh khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Khắc phục sự cố vụ trật đường ray ở ga Yên Viên (ngày 7/8).

Kết quả kiểm tra của Hội đồng phân tích tai nạn cho thấy, sự cố xảy ra ngày 6/8 xuất phát từ 2 yếu tố. Đó là, khu vực ghi N110 tại ga Yên Viên đang trong thời gian thực hiện công tác duy tu, sửa chữa trong điều kiện vừa thi công, đồng thời vẫn tiếp tục khai thác các tuyến tàu khách, tàu hàng. Trong quá trình tác nghiệp duy tu, sửa chữa, đơn vị thi công chưa đảm bảo một số thông số kỹ thuật của tiêu chuẩn nghiệm thu theo quy định. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố.

“Cộng hưởng” với nguyên nhân chính dẫn đến việc đoàn tàu SP2 trật bánh còn có nguyên nhân lái tàu đã điều khiển tàu chạy vượt tốc độ quy định khi một số toa xe cuối cùng của đoàn tàu chưa qua hết khu vực hạn chế tốc độ (tốc độ cho phép tại khu vực qua ghi N110 là 15km/h, tốc độ tàu thực tế qua ghi lúc xảy ra tai nạn là 17,78km/h). Tương tự, sự cố xảy ra ngày 7-8 cũng xuất phát từ lỗi của đơn vị duy tu bảo dưỡng đường sắt đã không kiểm tra các thông số an toàn sau khi các đoàn tàu chạy qua.

Căn cứ trên các kết quả phân tích được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, sự cố trật bánh tàu hỏa liên tiếp xảy ra hoàn toàn là do lỗi của con người. Kết luận này có phần gây sốc đối với dư luận, bởi mỗi đoàn tàu hoặc là mang theo tính mạng hàng trăm con người, hoặc là chuyên chở nhiều của cải vật chất của xã hội, vậy mà lại dễ dàng trật bánh chỉ vì lỗi cẩu thả của một số cá nhân, đơn vị. Cũng may là chưa xảy ra thiệt hại về người và tài sản, nếu không hậu quả sẽ khó lường.

Điều này là không thể chấp nhận được, bởi tính mạng nhiều con người có thể bị nguy hiểm khi con tàu bị trật bánh, nhiều gia đình sẽ chịu cảnh tang tóc đau thương, vợ mất chồng, con cái mất cha mẹ, cháu mất ông bà... Thử đặt giả thiết không phải là tàu khách nên không có thiệt hại về người, nhưng thay vào đó lại là một đoàn tàu chở hóa chất dễ cháy nổ bị trật bánh trong khu vực đông dân cư như ga Yên Viên, thì thiệt hại về người và tài sản là vô cùng to lớn không thể lường hết được.

Thực ra, việc trật bánh của đoàn tàu SP2 trong hai ngày liên tiếp có nguy hiểm và khó có thể dung thứ, song điều nguy hiểm hơn là sự “trật đường ray” trong tư duy của mỗi con người. Khi mà người ta làm việc với tinh thần thái độ thờ ơ, bàng quan, được chăng hay chớ, không quan tâm đến kết quả cũng như hậu quả thì còn nguy hiểm hơn rất nhiều lần so với việc trật bánh một đoàn tàu cụ thể nào đó. Với cung cách làm việc như vậy, ai dám đoan chắc rằng sẽ không có những đoàn tàu khác tiếp tục trật bánh?

Chẳng vậy mà theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, dù đã bước vào nền kinh tế thị trường hàng thập kỷ, song ngành đường sắt vẫn bị đè nặng tư duy bao cấp của những năm trước đổi mới. Đó chính là lý do mà trong thời điểm hiện nay, đối với hành khách, đường sắt kém hấp dẫn, kém cạnh tranh so với các ngành khác, từ chất lượng, an toàn, thị phần giảm dần qua từng năm. Lẽ ra ngành đường sắt phải là nơi “gánh vác” một lượng lớn hành khách cũng như hàng hóa, để giảm tải cho giao thông đường bộ thì lại lẹt đẹt không thể phát triển khiến các “thượng đế” quay lưng lại.

Hành khách và các doanh nghiệp không mặn mà với phương tiện vận chuyển đường sắt là có lý do. Đơn cử, đường sắt từ Bắc tới Nam có từ rất lâu đời, các vấn đề khổ đường sắt, chất lượng hạ tầng, toa xe... tính đến thời điểm hiện nay đã quá lạc hậu, không theo kịp với xu thế phát triển của một xã hội hiện đại năng động. Song, ngành đường sắt lại chưa nhận ra được điều đó, do vậy còn ít quan tâm, hoặc chưa quan tâm đến chất lượng dịch vụ để lôi kéo khách hàng ngõ hầu phát triển lớn mạnh. Có thể thấy rõ điều đó từ việc đầu tư kho bốc xếp, cảng bốc xếp, kết nối đường sắt với ga hàng không, đường biển, các khu công nghiệp... ít được quan tâm đúng mức.

Từ những hạn chế cố hữu trên của ngành đường sắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt phải có sự tính toán để nâng sức cạnh tranh. Hay nói cách khác là bỏ ngay tư tưởng bao cấp vẫn còn đè nặng đối với không ít cán bộ của ngành trong thời buổi kinh tế thị trường. Trong bối cảnh nguồn lực hiện nay còn hạn chế, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành đường sắt phải năng động mở ra phương thức xã hội hóa để thu hút nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội.

Song, quan trọng hơn cả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành đường sắt ngoài việc phải tự vận động để phát triển thì cũng phải hết sức lưu tâm đến vấn đề an toàn đường sắt, chất lượng lao động, ý thức trách nhiệm của người lao động. Đặc biệt, không để người dân còn lo ngại tình hình tai nạn giao thông đường sắt dẫn đến thiệt hại về người và tài sản. Những vụ việc đáng tiếc như tai nạn tại ga Yên Viên (Hà Nội) và sự cố điều hành 2 đoàn tàu vào cùng một đường ở ga Suối Vận (Bình Thuận) tuy không gây thiệt hại lớn nhưng cho thấy ý thức, trách nhiệm của một số cá nhân, đơn vị trong ngành đường sắt đang có vấn đề. Trật đường ray thật nguy hiểm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trật đường ray

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO