Trẻ bị bạo hành - cầu cứu ai?

Dung Hòa 04/04/2019 08:30

20% số cuộc gọi tư vấn Tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em)  liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em. Đó là thông tin được Cục Trẻ em ( Bộ LĐTBXH)  đưa ra gần đây. Điều đáng lưu ý, trong số người gọi tới, trẻ em chỉ chiếm 25% (trẻ trong trường học 23,7%, trẻ ngoài trường học 1,3%); số còn lại là do người lớn gọi tới.

Trẻ bị bạo hành - cầu cứu ai?

Đẩy mạnh truyền thông về phòng chống bạo lực học đường.

Trẻ em cần được trợ giúp kịp thời

Cục Trẻ em cũng cho hay, thách thức trong hoạt động của Tổng đài là nhiều trường hợp Tổng đài không kết nối được với người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp và từ chối hợp tác, không tiếp nhận thông tin từ phía Tổng đài; chưa thực sự tiếp cận hiệu quả nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Điều đó hạn chế việc đáp ứng kịp thời nhu cầu được giúp đỡ của trẻ em. Cũng từ những hạn chế này, nhiều băn khoăn đang được đặt ra, vậy trẻ bị bạo hành có thể cầu cứu ai - khi mà Tổng đài quốc gia không phải lúc nào cũng… thông suốt?

Dẫu thế cũng có những trường hợp người dân vẫn còn thiếu thông tin về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, hoặc ít nhiều phụ huynh còn e dè khi liên lạc với Tổng đài. Đại diện Cục Trẻ em cho hay: vụ việc nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng diễn ra nhưng gần chục ngày sau không thấy xử lý thì gia đình mới bức xúc gọi điện đến Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, ngay sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc nữ sinh ở Hưng Yên bị bạn học hành hung,Tổng đài cũng đã kịp thời phối hợp với tỉnh Hưng Yên có những hỗ trợ bước đầu về việc ổn định tâm lý cho học sinh này.

Trước những vụ việc bạo lực học đường nổi cộm thời gian qua, ông Đặng Hoa Nam cho rằng đây là những vụ việc nghiêm trọng, gây sốc cho dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Ông Nam cũng lưu ý, để tránh những hiệu ứng ngược, các cơ quan truyền thông không đưa tin và hình ảnh quá chi tiết gây tổn hại tinh thần nạn nhân.

Tăng cường kiến thức pháp luật cho trẻ em

Bạo lực học đường từ đâu ra? Lý giải băn khoăn này, mỗi người có một quan điểm, một góc nhìn. PGS.TS Tâm lý học Phạm Mạnh Hà cho rằng bạo lực bắt nguồn từ chính gia đình - là nơi giáo dục nhân cách cho trẻ và nhiều khi người lớn coi hành vi bạo lực của trẻ là “bình thường” nên thường bỏ qua. Một đứa trẻ có tính cách bạo lực xuất phát từ giáo dục của gia đình; cùng đó là sự buông lỏng quản lý của nhà trường và sự coi nhẹ của người lớn với hành động xung đột của trẻ.

Theo TS Vũ Việt Anh - chuyên ngành Khoa học giáo dục, mỗi khi xảy ra bạo lực học đường đừng chỉ đổ lỗi cho ngành giáo dục. Việc hành xử bạo lực trong gia đình và xã hội hàng ngày dễ dàng ảnh hưởng đến giới trẻ và lan cả vào môi trường rất nhân văn là trường học. Bạo lực học đường ngày nay thực sự rất đáng báo động. Giáo dục trong nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng tương lai của trẻ, tuy nhiên không thể phó mặc hoàn toàn trách nhiệm này cho nhà trường. Tam giác giáo dục ASK (kỹ năng, thái độ, kiến thức) cho thấy vai trò của nhà trường chủ yếu là cung cấp kiến thức cho học sinh, còn thái độ và kỹ năng rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội.

Mỗi khi xảy ra những vụ việc bạo hành nói chung, bạo lực học đường nói riêng, người ta thường đổ vấy cho nhau mọi lỗi lầm mà quên mất rằng chính nếp nghĩ, cách sống của người lớn đã tác động đến con trẻ. Theo các chuyên gia, trước khi mọi thứ trở nên quá muộn, để không đứa trẻ nào bị đẩy đến tình trạng phải cầu cứu…, đã đến lúc chúng ta phải dạy trẻ em biết cách chịu trách nhiệm đối với những hành động của mình. Bởi trong nội dung giáo dục hàng ngày, các em đã được tìm hiểu, trang bị kiến thức về pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật. Nếu những hành vi của đứa trẻ vi phạm nội quy của trường học, của pháp luật, thì hãy để học sinh hiểu được rằng chúng mắc lỗi và đáng bị phạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ bị bạo hành - cầu cứu ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO