Trẻ bị ốm thường xuyên vào mùa đông có nguy hiểm?

A.D. 23/01/2021 09:00

Không ít bậc phụ huynh đều có cảm giác bất lực khi con mình giống như thỏi nam châm hút tất cả virus trên trái đất. Chúng luôn bị sụt sịt, một dấu hiệu quen thuộc của bệnh cảm lạnh - căn bệnh thường gặp nhất vào mùa đông. Và ngay khi vừa hết đợt này thì chúng lại dễ dàng bị một đợt khác ngay sau đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Sức khỏe đời sống.

Nhận thức đúng về bệnh cảm lạnh

Không ai thích khi con trẻ bị ốm. Lúc đó, chúng trông rất mệt mỏi, không hoạt bát, thậm chí là cáu kỉnh khi sức khỏe và lịch sinh hoạt bị đảo lộn. Vậy lý do gì khiến một số trẻ em bị cảm lạnh liên tục?

Nhiều ông bố bà mẹ tự đi tìm câu trả lời và quyết định phòng tránh bằng cách cho con mặc áo thật dầy, thật ấm. Điều đó không giúp ích được gì mà thậm chí còn gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ do chúng sẽ ra mồ hôi nhiều khi chơi đùa ở trường.

Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc "Tại sao con tôi bị cảm lạnh liên tục thế? Hệ thống miễn dịch của chúng có vấn đề gì không? Vậy trẻ em bị cảm lạnh bao nhiêu lần mỗi năm là bình thường?

Các chuyên gia cho biết, trẻ sẽ bắt đầu bị cảm lạnh sau khoảng sáu tháng tuổi, khi khả năng miễn dịch nhận được từ sữa mẹ mất dần và chúng phải tự xây dựng hệ thống miễn dịch của mình. Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo thường bị cảm lạnh khoảng 7 đến 8 lần mỗi năm. Và trong độ tuổi đi học, trung bình các em bị cảm từ 5 đến 6 lần một năm. Đối với thanh thiếu niên thì khoảng bốn lần mỗi năm. Và ngoài cảm lạnh, trẻ em còn mắc dễ các bệnh tiêu chảy, có hoặc không kèm theo nôn mửa, hai đến ba lần một năm.

Một điều quan trọng cần biết rằng, lý do chính khiến trẻ bị tất cả các bệnh nhiễm trùng đó là do trẻ luôn tiếp xúc với các loại virus mới, chứ không phải do bị lạnh. Có ít nhất 200 loại virus gây bệnh cảm lạnh khác nhau và chúng ngày càng phức tạp, luôn biến đổi và có mặt ở khắp mọi nơi. Cơ thể của trẻ sẽ tự tạo ra khả năng miễn dịch chống lại những loại virus này khi tiếp xúc với chúng nhưng điều này cần có thời gian.

Trẻ cần nhiều năm để xây dựng khả năng miễn dịch với virus. Và trẻ cũng tiếp xúc nhiều hơn khi đi nhà trẻ hoặc đến lớp, đồng nghĩa với việc tiếp xúc với nhiều virus hơn. Anh chị em lớn tuổi hơn cũng là trung gian truyền bệnh từ trường về nhà. Và tỷ lệ cảm lạnh tăng gấp ba lần vào mùa đông nhưng không phải vì không khí lạnh, mà vì mọi người có xu hướng dành nhiều thời gian hơn ở những khu vực đông đúc và ấm hơn, dẫn đến tiếp xúc với nhiều virus hơn.

Các bậc cha mẹ cũng thường thắc mắc rằng, liệu trẻ bị ốm có phải do trẻ bị thiếu vitamin hay không, hay hệ miễn dịch của chúng có vấn đề gì. Tuy nhiên, cảm lạnh không phải do chế độ ăn uống nghèo nàn hoặc thiếu vitamin. Chúng cũng không phải do thời tiết xấu, điều hòa nhiệt độ, tóc ướt hay thậm chí là do chơi ngoài trời mà không mặc áo khoác. Bị cảm lạnh là một phần không thể tránh khỏi khi lớn lên. Không thể ngăn ngừa cảm lạnh và cũng không cần thiết làm như thế. Chúng đang giúp xây dựng hệ thống miễn dịch của con bạn.

Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, một đứa trẻ mắc bệnh về hệ miễn dịch không bị cảm lạnh nhiều hơn những đứa trẻ bình thường. Điểm khác biệt là đứa trẻ có vấn đề về miễn dịch sẽ khó hồi phục sau cơn bệnh và do đó chúng thường phải nằm viện để chăm sóc đặc biệt. Chúng cũng sẽ dễ bị nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, một đứa trẻ mắc bệnh về hệ thống miễn dịch sẽ không dễ tăng cân lại hoặc hoạt bát hơn giữa những đợt sốt cao.

Vì vậy, trước tiên, hãy quan sát sức khỏe của con bạn. Nếu con bạn vẫn hoạt bát, chơi đùa và không bị giảm cân quá nhiều, bạn không phải lo lắng về sức khỏe của chúng. Con của bạn không ốm hơn những đứa trẻ trung bình cùng tuổi. Trẻ sẽ tự mình vượt qua những đợt cảm lạnh. Và mặc dù bạn có thể giảm các triệu chứng, bạn không thể rút ngắn thời gian của mỗi đợt cảm lạnh.

Số lần cảm lạnh sẽ giảm dần theo năm tháng khi cơ thể con bạn tích tụ đủ kháng thể chống lại các loại virus khác nhau. Điều này có nghĩa là khi chúng học cấp hai, cơ thể chúng sẽ biết cách chống lại những loại virus này khá tốt. Vì vậy, có vẻ như hơi kỳ cục nhưng các bác sĩ cho rằng thời điểm tốt nhất để mắc các bệnh này để phát triển khả năng miễn dịch là trong thời thơ ấu.

Xác định đúng bệnh

Cần kiểm tra để phân biệt xem trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng? Nếu con bạn trên hai tuổi, hắt hơi nhiều, ngoáy mũi liên tục và chảy nước mũi trong suốt hơn một tháng và không sốt thì có thể con bạn đã bị dị ứng. Điều này đặc biệt đúng nếu những triệu chứng này xảy ra trong mùa xuân và mùa thu. Dị ứng dễ điều trị hơn cảm lạnh vì có nhiều loại thuốc có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Đưa trẻ đi khám bác sĩ có thể giúp xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.

Tiếp theo, hãy cho con bạn trở lại trường học càng sớm càng tốt. Chỉ cần cơn sốt đã qua ít nhất 24 giờ và các triệu chứng còn lại không gây khó chịu cho bản thân trẻ hay bạn cùng lớp.

Năm ngày đầu tiên khi bị cảm lạnh là tồi tệ nhất, nhưng các triệu chứng cảm lạnh có thể kéo dài từ hai đến ba tuần. Khoảng thời gian trung bình của những đợt cảm lạnh là 18 ngày. Không có ý nghĩa gì nếu giữ một đứa trẻ ở nhà để chúng sẽ không làm lây virus cho trẻ khác, vì đằng nào virus cũng có đầy trong lớp học rồi cơ mà.

Vì vậy, miễn là trẻ đã hết sốt, thì không có lý do gì mà trẻ không thể tham gia các hoạt động ngoài trời như đi chơi hay đi học. Tuy nhiên, cần hạn chế tập thể dục hay các môn thể thao yêu cầu cường độ vận động cao, cho đến khi trẻ tự cảm thấy rằng chúng có thể tham gia được.

Cuối cùng, bạn là người gần với con mình nhất, không có gì thay thế được trực giác của cha mẹ. Vì thế, nếu bạn cảm thấy lo lắng về việc con mình thường xuyên bị ốm, đừng quá bi quan nhưng cũng đừng chủ quan và tự tìm cách chữa trị cho con. Bạn nên đưa con đi khám bác sĩ khi trẻ bị ốm để biết chính xác về bệnh và nhận được những lời khuyên phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ bị ốm thường xuyên vào mùa đông có nguy hiểm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO