Trẻ em Uganda mất hy vọng khi trường học đóng cửa dài hạn do đại dịch

Mai Nguyễn (Theo AP) 02/11/2021 15:45

Mặc đồng phục học sinh, Mathias Okwako nhảy xuống bùn và bắt đầu cuộc tìm kiếm hàng ngày của mình – vàng, thứ hàng hóa còn gần gũi với cậu hơn là tài sản quý giá khác: giáo dục.

Trường học nông thôn của Okwako ở Uganda nằm yên ắng ngay phía đối diện với đầm lầy, nơi cậu và nhiều trẻ em hiện đang làm công việc thợ mỏ tạm thời. Cỏ dại đã mọc ở một số lớp học, nơi các khung cửa sổ hầu như đã bị cạy phá để lấy củi. Một trường học khác gần đó đang được tận dụng để cho thuê.

Các khung cửa sổ tại Trường tiểu học Mawero đã bị đánh cắp để lấy củi trong đợt đóng cửa kéo dài do đại dịch, ngôi trường hiện đã bỏ hoang ở ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP

Theo số liệu của Cơ quan văn hóa Liên Hợp Quốc, các trường học của Uganda đã bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong hơn 77 tuần qua do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, sự gián đoạn lâu nhất ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Không giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, học sinh đã được chuyển sang học trực tuyến thay vì tới trường, hầu hết các trường công lập dạy phần lớn trẻ em ở quốc gia Đông Phi này lại không thể cung cấp hình thức học ảo cho học sinh.

Trong khoảng thời gian trống do đại dịch, một số học sinh đã kết hôn. Một số đang phải đối phó với việc mang thai ngoài ý muốn. Những đứa trẻ khác, như Okwako, 17 tuổi, đã tìm được việc làm.

Moses Mangeni, một quan chức chính quyền địa phương ở Busia, nơi Okwako sinh sống, cho biết: “Đại dịch đã tạo ra “những đứa trẻ bị bỏ rơi”, một thế hệ không được đến trường giờ đây đang phải sống trong cuộc chiến tìm cách hòa nhập.”

Những nỗ lực nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của trẻ em toàn cầu. Theo nhóm cứu trợ Save the Children, tháng trước đã xác định “tình trạng khẩn cấp về giáo dục toàn cầu lớn nhất trong thời đại của chúng ta” tại 48 quốc gia, bao gồm cả Uganda, nơi hệ thống trường học có nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng. Các quốc gia hầu hết nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara, một khu vực được đánh dấu từ lâu bởi tỷ lệ học sinh bỏ học cao và tình trạng thiếu giáo viên có trình độ.

Tấm bảng đen nhòe chữ tại trường tiểu học Mawero hiện đã bỏ hoang ở ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP.

Một số nơi khác trên thế giới chứng kiến nhiều khó khăn thách thức từ ​​việc đóng cửa trường học kéo dài. Mexico, nơi kết nối Internet vẫn còn hạn chế ở nhiều khu vực, đã chọn chương trình giáo dục qua truyền hình.

Theo Ngân hàng Thế giới, tại Iraq, việc học tập từ xa cũng đang diễn ra “hạn chế và không bình đẳng”.

Uganda lần đầu tiên đóng cửa các trường học vào tháng 3/2020, ngay sau khi trường hợp nhiễm virus Corona đầu tiên được xác nhận ở lục địa châu Phi. Một số lớp học đã được mở lại cho học sinh vào tháng Hai, nhưng một lần nữa bị đóng cửa toàn bộ vào tháng Sáu khi quốc gia này phải đối mặt với đợt lây nhiễm mạnh mẽ do biến thể virus mới. Thời điểm hiện tại, đây là quốc gia duy nhất ở châu Phi vẫn đóng cửa các trường học - mặc dù Tổng thống Yoweri Museveni tuần trước đã thông báo rằng họ sẽ mở cửa trở lại vào tháng Giêng.

Những người thuê phòng tại Trường tiểu học trung tâm Busia ở ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP.

Theo Đại học Johns Hopkins, số trường hợp nhiễm virus đã giảm dần trong những tháng gần đây ở Uganda, với trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận 70 trường hợp nhiễm mới và một vài trường hợp tử vong,. Cho đến nay, quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 700.000 trong số 44 triệu dân của mình.

Một số người dân Uganda nói rằng vấn đề là chính phủ đã không tìm ra cách thành công để tiếp giảng dạy trong thời gian đóng cửa trường học. Một chương trình quốc gia được đề xuất để phát các bài học qua đài phát thanh miễn phí đã không thành hiện thực, và ở các vùng nông thôn, nhiều trẻ em không có bất kỳ tài liệu học tập nào.

Lớp học tại trường tiểu học Mawero hiện đã bỏ hoang ở ngoại ô thị trấn Busia, miền đông Uganda. Ảnh: AP.

Trong những ngôi nhà nghèo nhất của Uganda, trẻ em giờ đây thường bị bỏ rơi mà không có sự kèm cặp riêng hoặc các bài học qua Zoom mà các gia đình giàu có có thể mua được.

Ở Busia, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, cảnh trẻ em bán hàng rong trên đường phố không phải là hiếm. Mọi thứ giờ đây chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Okwako vừa mặc đồng phục học sinh vừa đi tìm vàng vì cậu không có gì khác để mặc. Ban đầu, cậu tìm việc làm chỉ vì buồn chán nhưng tiếc rằng những ngày lao động mệt mỏi đã khiến Okwako không còn nhiều năng lượng để tự học ở nhà. “Em còn không có thời gian để đọc sách”, cậu nói.

Mathias Okwako trong bộ đồng phục học sinh cũ của mình tại một công trường khai thác vàng ở làng Mawero, ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP.

Tại những mỏ vàng lộ thiên ở địa phương, học sinh làm việc vất vả cùng với người lớn, bao gồm cả một số giáo viên của họ, dưới cái nắng như thiêu đốt. Một ngày lao động bình thường có thể chỉ mang về hơn 2 đô, đủ để một đứa trẻ mua đôi giày đã qua sử dụng. Okwako tự hào về hai con lợn mà cậu đã mua bằng số tiền kiếm được. Những đứa trẻ khác cho biết chúng dùng tiền giúp đỡ để chăm sóc gia đình, mua muối hoặc xà phòng.

Một địa điểm khai thác vàng lộ thiên, nơi người lớn, thanh niên và trẻ em cùng nhau làm việc ở làng Mawero, ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP.

“Chúng cháu đến đây để kiếm tiền,” Annet Aita, 16 tuổi, nói, công việc của cô là rửa sạch lớp đất cát chứa bụi vàng bằng cách sử dụng thủy ngân có độc tính cao.

Tại trường tiểu học Mawero của Okwako, giáo viên Emmy Odillo cho biết ông hy vọng một phần nhỏ trong số 400 học sinh sẽ trở lại vào năm tới.

Annet Aita, 16 tuổi, làm việc tại một công trường khai thác vàng ở làng Mawero, ngoại ô thị trấn Busia, phía đông Uganda. Ảnh: AP.

Bosco Masaba, giám đốc nghiên cứu của Trường Tiểu học Trung tâm Busia, trường tư thục gần đó đã được chuyển thành cho thuê, cho biết ông thường xuyên thấy một số học sinh trên đường bán cà chua hoặc trứng.

“Một số đứa trẻ đã hoàn toàn mất hy vọng”, Masaba buồn bã.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em Uganda mất hy vọng khi trường học đóng cửa dài hạn do đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO