Trẻ hóa khán giả cải lương

Minh Quang - Hoàng Minh 22/01/2016 23:27

Ra mắt khán giả đầu tháng 1 vừa qua tại rạp Hồng Hà- Hà Nội,  vở cải lương “Hừng đông” với nội dung khắc họa hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu và các đồng chí của ông trong giai đoạn 1923-1940 đã thực sự thu hút khán giả. Đặc biệt có rất nhiều bạn trẻ tới xem, họ hoàn toàn bất ngờ, thích thú bởi trước đó không nghĩ rằng cải lương lại có sức hấp dẫn đến vậy. Điều ấy đã cho thấy, đề tài lịch sử cách mạng vẫn có thể “ăn khách”.

Trẻ hóa khán giả cải lương

Cảnh trong vở cải lương "Hừng đông".

Kịch lịch sử tái xuất và hấp dẫn

Vở diễn “Hừng đông” do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản, Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn và Đoàn 1 Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện.

Diễn viên Trần Quang Khải, người đóng vai Phan Đăng Lưu trong vở “Hừng đông” cho hay, trong 3 ngày diễn ra vở diễn tại rạp Hồng Hà, hôm nào cũng phải kê thêm 200 ghế nhựa để phục khán giả (nhà hát có hơn 400 ghế). Tức là mỗi đêm có khoảng hơn 600 khán giả tới xem. Tại sao “Hừng đông” ngay khi ra mắt lại có sức hấp dẫn đến vậy? Liệu có phải là do đạo diễn đã mạnh dạn đưa vào những loại hình nghệ thuật khác như jazz, rock… để làm mới cải lương và tăng sức hút với khán giả trẻ hay không? NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, yếu tố “cải lương” vốn đã hàm chứa yếu tố “cải cách”, nên việc làm mới, thể nghiệm là đương nhiên.

Dẫu vậy, trong vở “Hừng đông”, việc đưa vào một tác phẩm về đề tài đấu tranh cách mạng những yếu tố mới, thậm chí đối lập, để tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng của vở diễn; sự hiện diện của nhóm nhạc đường phố thuộc CLB nghệ thuật HUB, tưởng chừng khó ăn nhập, nhưng đã mang lại hiệu quả đến không ngờ.

Ê kíp dàn dựng vở đã thực sự vui mừng khi chứng kiến sau ba buổi công diễn vở “Hừng đông”, đại đa phần là khán giả trẻ đến xem. Như thế điểm lại từ “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Vua Phật”… rồi đến “Hừng đông” để thấy việc làm trẻ hóa ngũ khán giả của cải lương là hoàn toàn có thể. Vấn đề còn lại, là làm như thế nào cho hay.

Từng xem những vở kịch cải lương về đề tài lịch sử, cách mạng thời gian gần đây của Nhà hát Cải lương, khán giả đã biết nếu như vở “Mai Hắc Đế” khiến khán giả một lần được sống cùng nhân vật lịch sử Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế) thì vở “Hừng đông” lại xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu ở thời kì cận đại. Vậy với những tác phẩm nghệ thuật lấy nguồn cảm hứng từ lịch sử, câu hỏi luôn được đặt ra là, làm sao để trung thành với lịch sử, mà vẫn đủ hấp dẫn người xem?

Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, với những tác phẩm về đề tài lịch sử, điều đầu tiên là phải trung thành với lịch sử, không làm méo mó hay sai lệch lịch sử. Sân khấu về đề tài lịch sử có hai việc để làm, một là “vá” vào những “chỗ hổng” mà lịch sử vì lý do nào đó không được ghi chép đầy đủ, có thể gọi là “hư cấu” hoặc những “giả định” lịch sử mang tính thuyết phục cao. Hai là phải nhìn những sự kiện lịch sử với góc nhìn chủ quan khác nhau. Góc nhìn, phát hiện mới. Sự giải thích lịch sử một cách bất ngờ, thú vị sẽ thu hút được người xem.

Thời đại của “Mai Hắc Đế” quá sâu trong lịch sử, tư liệu lịch sử hiếm hoi, không đầy đủ, nên yếu tố hư cấu, giả định được nới rộng. Còn với vở “Hừng đông” thì khác, tư liệu lịch sử cận đại rất đầy đủ, chi tiết, nên sự hư cấu phải rất tinh tế, nghệ thuật và khoa học mới có thể hấp dẫn được người xem. Việc đưa các yếu tố đương đại vào, cũng là cách để tác phẩm lấy cảm hứng từ lịch sử trở nên gần gũi với người xem hơn.

Những khán giả thực sự yêu thích sân khấu cải lương mà chúng tôi đã gặp đều có chung một chia sẻ: họ thích thú với đề tài lịch sử bởi khi xem kịch càng thấy hiểu và yêu hơn lịch sử nước nhà. Hơn thế, sau một thời gian dài im ắng gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều vở diễn về đề tài lịch sử trên sân khấu cải lương đã tạo được sự chú ý của công chúng thông qua những nhân vật lịch sử với những cách khai thác và những sáng tạo mới.

Có thể đơn cử như tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 vừa qua, số giải thưởng của cuộc thi lại thuộc về nhiều vở đề tài lịch sử: 3 HCV vở diễn xuất sắc thuộc về các vở: “Tình sử hai vương triều” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), “Yêu là thoát tội” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Vua thánh triều Lê” (Nhà hát Cải lương Việt Nam). HCB có “Mai Hắc Đế” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Trung thần” (Hội Sân khấu TP HCM) và “Đào Duy Từ” (Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu). Trong đó, có đơn vị còn tham dự tới hai vở đề tài lịch sử như Nhà hát Cải lương Việt Nam với “Vua thánh triều Lê” và “Mai Hắc Đế”; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai với “Ánh đèn khuya”…

Khán giả lựa chọn “món ăn tinh thần”

Trong vòng 1, 2 năm trở lại đây, chuyện một vở cải lương được thực hiện bằng 100% kinh phí từ vận động tài trợ là một chuyện khá lạ với những đoàn cải lương phía Bắc. Nhưng rõ ràng việc huy động được tiền tỉ để dựng những vở cải lương có đề tài truyền thống hoặc lịch sử cách mạng là điều có thật. Đơn cử, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã kết hợp các nguồn kinh phí trong đó có huy động nguồn vốn xã hội hóa để dựng các vở “Chuyện tình Khau Vai”; “Mai Hắc Đế”, “Vua Phật”.

Xu hướng xã hội hóa đã mở ra một lối thoát cho sân khấu kịch phía Bắc trong vòng mươi năm trở lại đây, nhưng cho đến thời điểm này xu hướng ấy vẫn còn rất “mới” với đa phần các đơn vị nghệ thuật và giới nghệ sĩ miền Bắc. Một phần do các đơn vị nghệ thuật ở phía Bắc cũng rất thận trọng, phần khác do các nghệ sĩ đều thuộc biên chế của một đơn vị nghệ thuật công lập, được hưởng nhiều ưu ái về nhiều mặt, được nhà nước xây rạp biểu diễn cho, được lĩnh lương hàng tháng, vở dựng xong không diễn được cũng không mất tiền túi vì kinh phí xây dựng vở do nhà nước cấp chưa xã hội hóa sân khấu thì cũng chưa “chết” được.

Cho dù ai cũng biết rằng nếu cứ trông chờ vào tiền ngân sách thì các đoàn nghệ thuật và các nhà hát không thể sống nổi. Nhưng để thực sự nỗ lực để tạo ra sự đột phá mới trong hướng đi, cách làm thì không phải đơn vị nào cũng dám. Vì thế mà lâu nay giới nghệ sĩ miền Bắc vẫn “đủng đỉnh” với xã hội hóa cũng không phải điều khó hiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ hóa khán giả cải lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO