Trẻ mắc Covid-19 tăng cao, phụ huynh lúng túng điều trị trẻ F0 tại nhà

Nguyễn Hoài 13/03/2022 12:29

Những ngày gần đây, tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng. Dù đa số trẻ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nhưng nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng, lúng túng trong việc chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà.

Tự truyền tai nhau hay tìm mua thuốc trên mạng là cách phổ biến mà nhiều phụ huynh chăm sóc và điều trị cho con bị F0 tại nhà. Theo các chuyên gia, người dân cần bình tĩnh, thận trọng khi sử dụng thuốc để tránh những hậu quả khôn lường.

Thực phẩm chức năng đắt hàng

Chỉ sau 4 ngày con gái lớn của chị Nguyễn Hoàng Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) mắc Covid-19, cô con gái thứ hai của chị, năm nay 4 tuổi cũng dương tính với virus SARS-CoV-2. Một mình “đánhh vật” với hai đứa con bị F0, chị Vân vô cùng lo lắng. Theo bạn bè chỉ dẫn, ngoài các loại thuốc điều trị thông thường, chị tìm mua thêm các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc kháng sinh.

Chị Vân cho biết: “Tôi lo lắng nhất là bạn nhỏ chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ba ngày đầu cháu sốt cao, toàn trên 39 độ C. Tôi rất lúng túng không biết xử lý như thế nào. Cứ ai mách cho con uống thuốc hay thực phẩm chức năng gì tốt là tôi lại mua cho con. Cũng may hiện giờ sức khỏe con đã ổn định trở lại”.

Nhiều phụ huynh tìm kiếm thông tin, thuốc điều trị bệnh Covid-19 cho con qua mạng xã hội.

Cũng như chị Vân, sau khi con trai (5 tuổi) có kết quả test nhanh dương tính, chị Nguyễn Ánh Hồng (quận Ba Đình, Hà Nội) lùng sục khắp các hội nhóm trên mạng xã hội để tìm mua thuốc điều trị cho con. Chị Hồng được mọi người mách rất nhiều loại thuốc, từ kháng viêm, kháng sinh đến thực phẩm chức năng, vitamin tăng cường sức đề kháng…

Trước “ma trận” thuốc điều trị cho con, chị Hồng cho hay, chị vô cùng rối trí, không biết lựa chọn loại thuốc nào để điều trị cho con.

“Mọi người cho em hỏi, bé nhà em 8 tuổi bị F0 thì uống thuốc gì được ạ?”, “Con nhà em mới 4 tháng tuổi bị Covid-19. Cháu ho nhiều, em lo quá, các mẹ có con bị như vậy cho con uống thuốc gì ạ?”, “Em đã mua đủ loại vitamin và siro tăng sức đề kháng cho con nhưng chị bán thuốc tư vấn thêm các loại thuốc bổ phổi uống sau khỏi bệnh. Các mẹ chia sẻ ít kinh nghiệm nhé”…, không khó tìm các thông tin như thế này trên facebook. Các hội nhóm mạng xã hội đang trở thành “bác sĩ” kê đơn cho nhiều phụ huynh có con bị mắc Covid-19 .

Chị Cung Kim Chi, một chủ shop chuyên bán thực phẩm chức năng online cho biết, những ngày này, lượng khách tìm mua các loại thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng cho con tăng gấp 4, 5 lần ngày thường. Shipper nhà chị luôn trong tình trạng quá tải.

Chị Chi cho biết: “Ngoài các loại thực phẩm chức năng thông dụng, nhiều mẹ hỏi tôi các loại thuốc khá lạ do được bạn bè mách hoặc đọc được trên mạng. Nếu khuyên họ không nên mua, thì họ lại nghĩ do tôi không có nên nói như vậy. Kinh nghiệm bán thực phẩm chức năng nhiều năm nhưng tôi cũng không biết khuyên các mẹ thế nào”.

Chú ý dinh dưỡng cho trẻ bị F0

Trong quá trình hỗ trợ F0 nhi điều trị tại nhà qua mạng, bác sĩ Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số ít người thân của trẻ gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn và chỉnh thuốc từ ban đầu, còn đa phần người bệnh dùng thuốc được 2-3 ngày rồi mới gọi điện nhờ hỗ trợ.

Theo bác sĩ Đỗ Anh, trong tâm lý hoang mang khi có F0 điều trị tại nhà, nhiều gia đình tự tìm kiếm và chuẩn bị rất nhiều thuốc điều trị. Có gia đình sưu tầm các đơn thuốc cho F0 kể cả người lớn và trẻ con lên tới 11 thuốc.

Trong 11 thuốc, có ít nhất 1 loại kháng sinh, thậm chí có đơn có tới 2 loại kháng sinh kết hợp với nhau; rồi có thuốc có chứa Corticoid… Đối với những đơn thuốc dành có người lớn tuổi, người có bệnh nền thì có cả thuốc kháng đông.

“Khi được bệnh nhân cung cấp cho đơn thuốc đã sử dụng như vậy, thì những người làm bác sĩ như tôi tư vấn cảm thấy rất lo lắng”, bác sĩ Đỗ Anh chia sẻ.

Tháp dinh dưỡng giúp tăng nền tảng sức khỏe cho trẻ mắc Covid-19. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua thực tế cho thấy, biểu hiện lâm sàng của bệnh giống như vi rút thông thường. Để tránh lo lắng thái quá và chủ động khi dịch đang lây lan nhanh như hiện nay, theo bác sĩ Đỗ Anh, việc đầu tiên là các gia đình chuẩn bị một túi thuốc gồm: Thuốc hạ sốt, giảm ho, oresol (sử dụng trong trường hợp trẻ sốt cao mất nước, nôn nhiều) và thuốc giảm ho long đờm.

Song song với việc điều trị triệu chứng thì các bậc phụ huynh cần hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em. Theo đánh giá của bác sĩ Đỗ Anh, dinh dưỡng cho trẻ em bị F0 là vô cùng quan trọng, bởi trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine.

Để sức khỏe và sức đề kháng của trẻ em chống được vi rút là do tự thân của trẻ chứ không phải thuốc. Thuốc ở đây chỉ đóng vai trò giảm triệu chứng khó chịu của trẻ. Còn chống lại vi rút là do sức đề kháng của mỗi trẻ, do dinh dưỡng.

Cũng trong “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ mắc Covid-19”, Bộ Y tế đặc biệt lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc Covid-19 chăm sóc ở nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.

Khi trẻ bị ho có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc). Khi trẻ bị ngạt mũi, xổ mũi thì xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch Natriclorua 0,9%. Nếu trẻ xuất hiện tiêu chảy, thì sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa. Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú, thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Khi nhiệt độ trẻ > 38,5 độ C nên dùng Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, nếu trẻ còn sốt có thể lặp lại, mỗi lần cách tối thiểu 4-6 giờ (tổng liều thuốc không quá 60mg/kg/ngày); cho trẻ dùng thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi).

Nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol và tuyệt đối không cho trẻ sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp để bù nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ mắc Covid-19 tăng cao, phụ huynh lúng túng điều trị trẻ F0 tại nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO