Trên 8 bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành

Hồ Hương 27/09/2016 10:12

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục phản ánh khó khăn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến các bên liên quan khác như cơ quan kiểm tra chuyên ngành, hãng tàu, DN kinh doanh kho bãi, cảng… Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cải cách hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016- 2020 diễn ra chiều 26/9 do Tổng cục Hải quan tổ chức, vấn đề kiểm tra chuyên ngành lại tiếp tục được mổ xẻ.

Thẳng thắn trình bày về việc kiểm tra chuyên ngành, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay, trong ngành logistics, việc giải quyết các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện thường xuyên. Khi kiểm tra các thủ tục ở cửa khẩu biên giới, thủ tục hải quan chiếm 28%, còn lại là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Như vậy, nếu chỉ có ngành hải quan thực hiện cải cách thì vấn đề này không thể giải quyết triệt để.

Trả lời thắc mắc này, ông Âu Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, kiểm tra chuyên ngành liên quan tới nhiều bộ và hiện nay là trên 8 bộ có liên quan. Tổng cục Hải quan đang làm việc với các bộ chuyên ngành để làm sao giảm danh mục hàng hóa yêu cầu kiểm tra, giảm thủ tục và áp dụng quản lý rủi ro, không phải lô hàng nào cũng phải kiểm tra (có thể chọn tỷ lệ ngẫu nhiên hoặc công nhận kiểm tra lẫn nhau).

Tuy nhiên, hiện vướng nhất và tập trung ở những bộ có trách nhiệm quản lý rộng như: Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương là những bộ quản lý rất nhiều lĩnh vực mà kiểm tra chuyên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng; thiết bị y tế; hóa mỹ phẩm và liên quan đến kiểm dịch. Tổng cục hải quan cũng đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các bộ để rà soát toàn bộ văn bản kiểm tra chuyên ngành, rà soát danh mục; phương pháp kiểm tra; thực hiện cơ chế phối hợp giữa hải quan và cơ quan chuyên ngành về việc trao đổi thông tin về cấp giấy phép điện tử. Dựa trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thông quan.

Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng đã đưa ra kiến nghị về thời điểm nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho ngành hải quan. Cụ thể mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản về việc doanh nghiệp phải nộp C/O ngay từ khi mở tờ khai hải quan. Nhưng qua ý kiến của các hội viên thuộc hiệp hội thấy rằng, việc này rất khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Bởi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không phải khi mua xăng dầu xong là được cấp C/O chính thức ngay mà phải sau đàm phán từ 5 ngày, có thể là 11 ngày hoặc hơn nữa.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, phía hải quan sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản và các hiệp định thương mại tự do. Tổng cục Hải quan sẽ phản hồi sớm nhất tới Hiệp hội Xăng dầu để làm sao vừa kiểm soát chặt chẽ nhưng không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên 8 bộ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO