Trên thảo nguyên Mông Cổ

Lã Thế Tuấn (Nguồn:  Featureshoot Brian Hodges Wikipedia) 02/12/2015 15:43

Mông Cổ giáp với Liên bang Nga về phía bắc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về phía nam. Tuy chỉ hơn 3 triệu người (xếp thứ 139 trên thế giới) nhưng Mông Cổ sở hữu diện tích lớn thứ 18 của trái đất (diện tích 1.564.116km²). Đây cũng là quốc gia có mật độ dân cư thấp nhất hành tinh. Phần lớn đất đai Mông Cổ là thảo nguyên, đồi núi và sa mạc, vì thế còn được gọi là “đất nước thảo nguyên”.

Người thợ săn và chim đại bàng

Trong quá khứ, Mông Cổ từng biết đến như một quốc gia hùng mạnh bậc nhất thế giới. Đó là vào thế kỉ 13, người Mông Cổ đã tiến hành những cuộc chiến tranh chinh phục khắp châu Á và châu Âu; trở thành đế chế hết sức mạnh mẽ. Một nhân vật lừng lẫy đưa Mông Cổ trở thành đế chế là Thành Cát Tư Hãn - người đã ghi dấu mốc trọng đại trong dòng chảy lịch sử của quốc gia này.
Tới nay, Mông Cổ là nơi sinh sống của nhiều tộc người, có một điểm chung họ đều là những cộng đồng du mục nay đây mai đó. Tuy nhiên, tới nay, việc du cư cũng đã giảm nhiều, do sự hình thành của những khu đô thị và hệ thống sản xuất, dịch vụ mới. Trong số các bộ tộc đó, nổi bật là người Khiết Đan (khoảng 75% dân số cả nước). Cho đến năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ tộc và bắt đầu công cuộc chinh phạt, mở rộng bờ cõi. Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn qua đời, đế quốc này được chia cho 4 người con trai của ông với người con trai thứ 4 là đại hãn. Chế độ này duy trì cho đến những năm 1350 thì rạn nứt.
Hàng năm, từ ngày 11 đến ngày 13-7, người du mục ở khắp nơi trên đất nước Mông Cổ lại cùng nhau tổ chức lễ hội Naadam, kỷ niệm ngày Thành Cát Tư Hãn thành lập Nhà nước Mông Cổ (1206).
Là quốc gia thảo nguyên, trung tâm của đất nước Mông Cổ tương đối bằng phẳng, nhưng phần phía nam lại bị bao phủ bởi sa mạc Gobi, hầu như không có người ở. Còn vùng phía bắc và phía tây của đất nước là những dải núi.
Chính từ cấu tạo tự nhiên này, Mông Cổ có nhiệt độ cao trong mùa hè và rất lạnh vào mùa đông, với nhiệt độ trung bình tháng tháng 1 xuống dưới -30°C. Thủ đô Ulan Bator được ghi nhận là thủ đô có nhiệt độ trung bình thấp nhất so với tất cả các thủ đô trên thế giới. Dân số thủ đo cũng đã chiếm tới 1/3 dân số cả nước.

Người du mục có cuộc sống gắn bó với thiên nhiên

Tuy phần lớn số dân đã sinh sống tại các đô thị, những ngôi làng trong những vùng đất thuận lợi cho canh tác, nhưng trên thảo nguyên bao la của đất nước này vẫn còn đó tập tục du cư của những tộc người. Điều đó gắn liền với công việc chăn thả gia súc đã tồn tại qua hàng ngàn năm. Người du mục đã làm nên nét độc đáo của Mông Cổ. Họ di cư theo mùa và theo nhu cầu của đàn gia súc, có nghĩa là phải tìm nơi chăn thả phù hợp nhằm tránh thời tiết khắc nghiệt theo mùa trong năm.
Nhiếp ảnh gia Brian Hodges (người Anh) đã từng bỏ nhiều thời gian theo chân những người du mục nay đây mai đó. Nhiều tháng ròng, ông sống trong những chiếc lều của một gia đình người Mông Cổ. Từ đó, sự quyến rũ lặng thầm ngấm vào ông, cho ra những bộ ảnh tuyệt với về cuộc sống người du mục Mông Cổ: Đó là những con người bình dị giữa thảo nguyên hùng vĩ đầy mê hoặc.
Người du mục Mông Cổ vẫn sống trong những túp lều tròn như tổ tiên họ hàng trăm năm trước- Brian Hodges nói. Tài sản lớn nhất của mỗi gia đình là đàn gia súc, tuy rằng tới nay họ đã sắm cho mình tivi, máy giặt, những chiếc xe đạp, xe máy. Còn việc thắp sáng của họ là pin Mặt trời.
Bộ khung lều của người Mông Cổ gồm 3 lớp: ngoài cùng là vải bạt trắng, lớp giữa là da thô bằng lông thú để cách nhiệt, lớp trong cùng là thảm trang trí. Đặc biệt, trên mái lều có một khoảng trống để ánh nắng rọi vào nhà để họ biết giờ chăn thả gia súc. Cũng thật khó hình dung được rằng, mỗi năm, những người du mục “chuyển nhà” từ 7 tới 8 lần. Mỗi lần ra đi, họ lại mang theo khung lều cùng đàn gia súc, chủ yếu là ngựa, cừu, bò và lạc đà. Ở những vùng đất lạnh còn là đàn tuần lộc.
Đối với những người du mục, ngựa là gia súc quan trọng nhất, cung cấp sữa, thịt, là nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm. Và ngựa cũng chính là phương tiện vận chuyển, đi lại hàng đầu của những người du mục. Chính vì thực tế đó nên từ xa xưa người Mông Cổ đã nổi tiếng là những kị sĩ hàng đầu thế giới. Tới nay, đua ngựa vẫn là môn thể thao hàng đầu của người Mông Cổ.
Cũng chính từ thực tế cuộc sống, đàn ông Mông Cổ nổi tiếng là những tay thợ săn tài giỏi. Trên thảo nguyên bao la, với một con ngựa, bộ cung tên và con chim đại bàng, đi săn không chỉ nhằm đem lại nguồn thực phẩm mà con là thú vui, là sự chứng tỏ tài năng của mỗi con người. Một tài liệu cho biết, việc đi săn cùng đại bàng đã có ở đây từ 4.000 năm trước. Nổi bật nhất là cộng đồng thiểu số sống quanh dãy Altai. Người ta bắt đầu nuôi dưỡng, thuần hóa và huấn luyện đại bàng đi săn từ khi chúng bị mang khỏi tổ, rời xa chim mẹ.

Trên thảo nguyên mênh mông

Người ta coi những con đại bàng săn không khác gì những đứa con - Brian Hodges nói. Họ chăm chút chúng từng li từng tí, kể cả việc cho chúng ngủ chung trong lều. Vì thế, đại bàng cũng rất gắn bó với con người, chúng không bao giờ bay mất trong quá trình theo chủ đi săn. Bởi họ biết rằng đại bàng luôn coi họ là một phần của gia đình.
Vẫn theo Brian, đại bàng săn sẵn sàng chết vì chủ nhân của mình. Với người du mục Mông Cổ, đại bàng chính là loài chim thiêng, không bao giờ người ta giết thịt chúng.
Mùa đi săn hấp dẫn nhất ở Mông Cổ là những tháng ngày lạnh giá. Khi đó dấu chân cáo và động vật hiện rõ trên tuyết. Dưới đất, người thợ săn sẽ tìm cách gây tiếng động để lùa cáo ra khỏi hang. Còn trên mỏm đá cao, đại bàng sẽ nhìn xuống, sau đó sải cánh lượn xuống dồn con vật về gần phía chủ nhân.
Brian kể, ông đã nghe nhiều thợ săn nói rằng việc khó khăn nhất với một người đàn ông là chia tay với đại bàng của họ.
Đất nước thảo nguyên quyến rũ đến độ có những người bỏ ra một thời gian dài để khám phá, trong đó có Ash Dykes, chàng trai 24 tuổi người xứ Wales, với 78 ngày độc hành xuyên Mông Cổ. Nói như nhà thám hiểm nổi tiếng Ranulph Fiennes, người đầu tiên đặt chân tới cả 2 vùng cực thì đôi chân của Ash là “ví dụ tiêu biểu cho sự kiên định”. 78 ngày, băng qua chiều dài hơn 2.400km tới vùng đất của những dãy núi Altai hùng vĩ, qua sa mạc Gobi khắc nghiệt và các thảo nguyên mênh mông. Tính đến nay, Ash cũng là người đầu tiên hoàn thành chuyến đi bộ độc hành xuyên Mông Cổ. Chính vì thế, người địa phương gọi anh là “báo tuyết cô đơn”.
Trung bình một ngày trong hành trình Ash 10 -12 giờ. Ngày đi bộ dài nhất của Ash kéo dài 14 giờ khi anh vượt qua hơn 55 km để lên đỉnh cao 2.700 m. “Dù thế thì tôi vẫn không khám phá hết vẻ đẹp lạ thường của đất nước này”- Ash Dykes nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên thảo nguyên Mông Cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO