Trị bệnh 'lười' giải ngân

h.Vũ (thực hiện) 20/07/2020 06:48

Những ngày này, câu chuyện chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công được dư luận rất quan tâm. Không có tiền đã đành nhưng vì sao có tiền lại không tiêu được?

Trao đổi với PV báo ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tiền tệ quốc gia cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công phải trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông, có tiền không tiêu được trong việc giải ngân đầu tư công đang là nghịch lý. Theo ông nguyên nhân chính của tình trạng này là do đâu?

Ông Bùi Đức Thụ: Có nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên là do công tác chuẩn bị dự án chưa tốt. Theo Luật Đầu tư công, quy trình chuẩn bị dự án qua nhiều khâu, nhiều bước, hồ sơ phải đủ. Qua theo dõi của chúng tôi, thủ tục ghi vốn vào kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư hàng năm chưa đủ thủ tục. Từ đó khiến dự án được phê chuẩn nhưng phân giao vốn chưa đủ thủ tục, nên không thể giao vốn được.

Thứ hai là việc giao vốn chậm. Quốc hội quyết định dự toán phân bổ ngân sách Trung ương trước ngày 15/11. Chính phủ phân giao kế hoạch đầu tư cho các bộ ngành, địa phương trước ngày 30/11. Nhưng việc các bộ, ngành, địa phương phân giao ngân sách của mình đến từng dự án rất chậm. Theo quy định phải phân giao đến trước ngày 31/12 nhưng trên thực tế các bộ, ngành, địa phương giao vốn nhiều đợt, cá biệt có bộ, ngành, địa phương đến cuối quý IV mới bắt đầu giao vốn đến từng dự án, công trình. Như vậy rất khó giải ngân trong năm như kế hoạch.

Thứ ba, quy trình thủ tục quản lý, sử dụng vốn đầu tư dù đã được sửa đổi nhưng thủ tục còn lại cũng rất phức tạp. Theo đó từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư có 7-8 bước; khâu quy trình phê duyệt dự án cũng 7-8 bước, qua nhiều cấp; đến khi phê duyệt triển khai dự án cũng nhiều thủ tục, thiết kế, kỹ thuật, thẩm định, đấu thầu dự án cũng tốn nhiều thời gian. Nhưng quan trọng chính là khâu đền bù giải phóng mặt bằng đang là cản trở, khiến dự án “treo” không giải ngân được. Nguyên nhân là do chế độ chính sách đền bù cho người dân chưa phù hợp.

Theo quy định của Luật Đất đai, khi thu hồi đất phải đền bù cho người dân theo giá thị trường. Nhưng khung giá và mức giá đền bù cho hộ gia đình của 63 tỉnh, thành đều thấp hơn giá thị trường rất nhiều, có địa phương quy định theo giá tối đa chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Do vậy, dân không giao đất cho Nhà nước, khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Thứ tư, năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp ở địa phương tác động đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương. Qua theo dõi tôi thấy tính quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của nhiều địa phương giảm độ quyết liệt.

Họ sợ chỉ đạo quyết liệt quá, giải ngân chạy nhanh quá, sau này nhỡ có sơ suất gì thì bị đánh giá trách nhiệm, ảnh hưởng tới việc tái cử của họ trong nhiệm kỳ tới. Đây cũng là nguyên nhân khiến làm giảm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước.

Vậy, việc này gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, cân đối ngân sách nhà nước hết sức khó khăn. Ngân sách thâm hụt lớn, Nhà nước phải đi vay để bù đắp bội chi. Gần như toàn bộ phần chi đầu tư là do Nhà nước đi vay, còn phần tích lũy nội bộ từ nền kinh tế để đầu tư chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Việc giải ngân vốn đầu tư chậm để lại nhiều hệ lụy, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đi vay phải trả lãi, có tiền không tiêu được nên hiệu quả bị giảm.

Trách nhiệm của Nhà nước là đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hình thành môi trường đầu tư hấp dẫn. Nhưng triển khai chậm khiến ảnh hưởng tới chi phí, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy muốn tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư hấp dẫn phải đẩy nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước.

Tôi cũng xin nói rằng, đây là bệnh “kinh niên”. Ngân sách luôn bội chi nhưng chi đầu tư không bao giờ đạt kế hoạch. Số chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau có những năm chiếm 1/3 tổng chi ngân sách nhà nước. Những năm gần đây, số chuyển nguồn vào khoảng 20-25% tổng chi ngân sách nhà nước và không tiêu được, cứ chuyển năm này sang năm khác.

Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản được Quốc hội phê duyệt cộng với số chuyển nguồn từ năm trước sang năm 2020 đã lên đến 700 ngàn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Nếu giải ngân hết số này sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Theo ông, chúng ta cần giải pháp nào để giải quyết việc “có tiền nhưng không tiêu được”?

- Thủ tướng đã rất sốt ruột, quyết liệt thành lập các đoàn, các ban chỉ đạo, hội nghị trực tuyến với bộ, ngành, địa phương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tôi cho rằng, cần coi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nằm trong kế hoạch năm 2020, cũng như vốn chuyển nguồn của năm trước sang là nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành. Cấp nào, ngành nào không thực hiện coi như không hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Nó phải trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Đây phải được xem là cơ sở, căn cứ để xem xét, đề bạt, cất nhắc, cho phép tái cử đối với những cán bộ đó. Trước và trong đại hội, phải đánh giá rõ công - tội của từng cán bộ căn cứ vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đây chúng ta đã có bài học là khi giải ngân quá mạnh thì nhiều nơi lại bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Vậy làm sao để giải ngân vốn gắn với chất lượng dự án để qua đó đóng góp cho tăng trưởng, thưa ông?

- Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản không có nghĩa ngân bằng mọi giá. Việc giải ngân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Phải nằm trong danh mục các dự án công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu giải ngân vốn mà dự án không nằm trong kế hoạch được duyệt, hay giải ngân vượt tổng mức đầu tư được duyệt là trái pháp luật. Để giải ngân cho các đơn vị thi công chúng ta phải thông qua đấu thầu, trường hợp chỉ định thầu phải phù hợp với đối tượng quy định của pháp luật, không phải chỉ định thầu bằng mọi giá để làm ồ ạt.

Bên cạnh đó, giải ngân phải căn cứ vào mức độ, khối lượng, hoàn thành dự án đó. Nhiều tỉnh, địa phương có số giải ngân cao nhưng chưa chắc đã vào dự án công trình. Vì theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư nào trúng thầu, đương nhiên được quyền tạm ứng đến hàng chục % vốn để xử lý các vấn đề…

Chúng ta cần lưu ý đến điều này để giải ngân vốn phải vào dự án công trình, đem lại khối lượng thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh 'lười' giải ngân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO