Trí tuệ Việt Nam

Hương Lê 25/07/2017 08:00

Thông tin vui về các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ tranh tài quốc tế đang trở thành niềm tự hào, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thành tích của học sinh Việt Nam trên đấu trường học vấn thế giới một lần nữa khẳng định trí tuệ Việt Nam; đồng thời từ đó một vấn đề cũng được đặt ra: Làm gì để trí tuệ Việt Nam phục vụ đất nước một cách tốt nhất?

Thầy và trò đoàn Việt Nam dự IMO lần thứ 58 năm 2017. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Bắt đầu là 4 thí sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 49 (2017) tại Thái Lan đều đoạt giải, trong đó có 3 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB). Bộ GDĐT đã cho biết đây là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.

Tiếp đó, vào đêm 21/7, tại Brazil (sáng 22-7 theo giờ Việt Nam), BTC kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 58, năm 2017 (IMO 2017) đã công bố kết quả chính thức kỳ thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 6 học sinh dự thi thì tất cả các em đều đoạt giải, gồm 4HCV, 1 HCB, HCĐ.

Đáng chú ý, không chỉ đoạt nhiều huy chương, trong kỳ thi IMO 2017, các học sinh Việt Nam đoạt huy chương đều đạt mức điểm cao trong các loại huy chương, cho nên Đoàn Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong đó, em Hoàng Hữu Quốc Huy, là một trong ba thí sinh đoạt HCV với số điểm cao nhất trong số hơn 600 thí sinh của 112 đoàn tham dự kỳ thi năm nay (35 điểm). Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 lần dự thi Olympic Toán quốc tế của đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Và cho đến sáng ngày 23/7, thêm một thông tin nữa khiến cho niềm vui của những người ở nhà vỡ òa, khi thông tin về 5 thí sinh Việt Nam đoạt giải cao trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 48 tổ chức tại Indonesia được Bộ GD&ĐT công bố.

Theo đó cả 5/5 thí sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam đều đoạt giải; gồm: 4 HCV, 1 HCB. Cũng như đoàn Olympic Hóa học, Olympic Toán học, kết quả này của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế năm 2017 là thành tích cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả tranh tài ở đấu trường quốc tế của học sinh Việt Nam là những minh chứng rõ ràng nhất, rằng trí tuệ Việt Nam thực sự xuất sắc so với học sinh quốc tế. Các em đã đem vinh quang về cho đất nước. Để có được thành tích ấy, ngoài những nỗ lực của bản thân các em cùng gia đình, phải kể tới công lao của những thày cô giáo đã đào tạo nên lứa học sinh sánh vai các cường quốc thế giới.

Trong thư khen gửi các học sinh đạt thành tích Olympic quốc tế 2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chúc mừng các học sinh đã dành được những tấm huy chương cao quý, đồng thời gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh đã quan tâm, dìu dắt và hi sinh thầm lặng để các em đạt được thành tích cao.

Theo ông Nhạ, thành tích của các học sinh đã thể hiện phẩm chất, trí tuệ của học sinh Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các em học sinh, các thầy cô giáo tham gia tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua…

Thành tích này khẳng định những đổi mới đúng hướng mà ngành giáo dục đã và đang triển khai, trong đó có chủ trương phát triển song song giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn nhằm phát huy tài năng của các em học sinh có năng khiếu vượt trội, góp phần chinh phục đỉnh cao tri thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Trước đó, năm 2016 trí tuệ Việt Nam cũng đã tỏa sáng trên các đấu trường quốc tế. Tại Lễ tuyên dương học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic quốc tế năm 2016, học sinh xuất sắc tại kỳ thi THPT quốc gia 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ rằng: Tổ quốc không chỉ cần các tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời khẳng định, những gì các em đạt được hôm nay là sự kế thừa tinh thần hiếu học không ngừng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức của rất nhiều thế hệ người Việt Nam…

Điều đáng lưu tâm là trong số những học sinh vừa đoạt giải cao ấy, có những bạn trẻ chia sẻ về dự định tương lai vô cùng bình dị. Em Nguyễn Cảnh Hoàng (Trường PTTH chuyên Phan Bội Châu- Vinh, Nghệ An)- một trong 4 thí sinh đạt HCV trong kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế 2017 cho hay, em chỉ mong sau này sẽ trở thành thầy giáo, truyền thụ những gì học được cho các bạn học sinh.

Hay thí sinh Đức Anh- sinh năm 2000, Trường PTTH chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) - người nhỏ tuổi nhất đoạt HVC trong đoàn học sinh Việt nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2017 cho hay, em dự định theo học Đại học Y Hà Nội để tiếp nối truyền thống của gia đình…

Dẫu thế, một băn khoăn không hề nhỏ cũng đang được đặt ra lâu nay, rằng có bao nhiêu tài năng trí tuệ Việt Nam đang du học nước ngoài sau này sẽ trở về đóng góp cho đất nước? Theo số liệu của Bộ GDĐT tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 130.000 du học sinh.

Trong những năm gần đây, số lượng học sinh đến với những nước được cho là cường quốc về giáo dục như Mỹ, các nước châu Âu ngày càng tăng. Được hưởng những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, những du học sinh này có nhiều khả năng sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tuy nhiên, có một thực tế những du học sinh đi học từ ngân sách Nhà nước, đi học bằng kinh phí của cơ quan, đơn vị mình công tác mới trở về, do đã có cam kết sẽ quay trở lại để làm việc. Còn nhiều du học sinh đi bằng nguồn học bổng nước ngoài hay tự túc, họ không có dự định trở về…Tất nhiên, những bạn trẻ quyết định ở lại nước ngoài vì những điều kiện làm việc hấp hẫn.

Theo Bộ GDĐT dù còn hạn chế nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài được ban hành. Tuy nhiên, việc xây dựng “cơ chế đặc thù” thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm việc vẫn là câu chuyện dài dài. Trong một trao đổi bàn tròn gần đây bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là một việc khó. Nếu chúng ta làm đại trà thì hiệu quả sẽ không cao.

Cũng có những quan điểm khác cho rằng họ không đồng tình với khái niệm du học sinh phải trở về làm việc tại quê hương mới được gọi là cống hiến.

Bởi thực tế có nhiều ví dụ cho thấy du học sinh ở lại nước ngoài làm việc tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu hoặc các tổ chức… sau đó có nhiều cống hiến cho Việt Nam như quảng bá hình ảnh Việt Nam, xây dựng, làm cầu nối cho việc phát triển mối quan hệ của Việt Nam với các nước, các tổ chức, các trường ĐH trên thế giới.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Bộ GDĐT xây dựng Đề án chống “chảy máu chất xám” không có nghĩa là hạn chế và “bắt buộc” những người có cơ hội làm việc ở nước ngoài phải quay trở về Việt Nam.

Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là Bộ GDĐT nên có cách nhìn mới bằng việc xây dựng môi trường và cơ chế thích hợp cho những du học sinh về Việt Nam làm việc thông qua việc cấp kinh phí làm đề tài nghiên cứu; tạo cơ hội trao đổi học thuật với các đối tác nước ngoài bằng việc các học sinh trực tiếp làm việc với Bộ GDĐT, Bộ Khoa học Công nghệ, hoặc những ngành khoa học mũi nhọn mà chúng ta đang hướng tới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trí tuệ Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO