Triển lãm kể hành trình về những người phụ nữ di cư

Hoàng Vân 07/04/2023 09:25

Triển lãm “Nơi tôi đến”, kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước “Nơi ấy có tôi”.

Một phụ nữ di cư mưu sinh nơi thành phố.

Triển lãm “Nơi tôi đến” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện nghiên cứu với nhóm nữ lao động di cư tại địa bàn Hà Nội.

Để thực hiện triển lãm, nhóm nội dung đã gặp gỡ, phỏng vấn 20 nữ lao động di cư từ 16 - 34 tuổi với đa dạng ngành nghề: từ phục vụ bàn, cắt tóc gội đầu, bán hàng thuê, đầu bếp, thu mua đồng nát hay người bán hàng rong...

Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau: Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... nhưng đều chọn Hà Nội là điểm dừng chân trên hành trình tìm kiếm, thực hiện ước mơ và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Di cư là hiện tượng xảy ra ở mọi quốc gia, là xu thế tất yếu và là động lực tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, theo kết quả Tổng điều tra năm 2019, phụ nữ vẫn chiếm số đông hơn trong những người di cư (55,5%). Con số đáng chú ý thứ hai là dù tỷ trọng nam giới trong lực lượng lao động ở nước ta cao hơn so với nữ giới (52,7% so với 47,3%) nhưng tỷ trọng nữ giới trong lực lượng lao động di cư lại cao hơn (53,4% so 46,6%). Và khoảng 2/3 mà chính xác là 61,8% người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20 - 39 tuổi. Riêng ở Hà Nội, có 32 phường, xã mà cứ 10 người thì có ít nhất 3 người là người nhập cư.

“Rõ ràng phụ nữ di cư là lực lượng lao động rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các thành phố và các khu công nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản ở nơi đến, cả về công việc và cuộc sống gia đình hơn nam giới”, bà Nguyễn Thị Minh Hương nói.

Hình ảnh trưng bày tại triển lãm.

Theo báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2022 cho thấy phụ nữ di cư bên cạnh nhu cầu kinh tế, tăng thu nhập; dạy nghề tạo việc làm cũng mong muốn được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư, trong đó có các không gian công cộng.

Vậy với những người phụ nữ lựa chọn các thành phố lớn là điểm đến trong hành trình cuộc đời, họ đã và đang thích nghi, hòa nhập như thế nào với cuộc sống nơi đây? Họ có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm một cách an toàn, bình đẳng tại những khu vực “thuộc về chung” này hay không? Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày hôm nay chính là một diễn đàn mở để lắng nghe những tiếng nói và tìm đáp án cho câu hỏi đó.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương bày tỏ mong muốn, thông qua sự kiện này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ có được các gợi ý để Hội làm tốt hơn các hoạt động tạo ra môi trường sống và làm việc an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Trong thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đồng hành, chung tay cùng các các Ban ngành, đoàn thể đề xuất các chính sách, chương trình, đề án, mô hình hỗ trợ phụ nữ di cư như: hỗ trợ nữ lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ; vận động xã hội xây dựng cộng đồng an toàn; nhân rộng các mô hình cộng đồng an toàn, làng quê an toàn, phương tiện an toàn cho phụ nữ, trẻ em; các loại hình tổ/nhóm/câu lạc bộ thu hút phụ nữ nhập cư tham gia hoạt động Hội...

“Trong quá trình này, chúng tôi đặc biệt cần có sự chung tay và phối hợp của các tổ chức, cá nhân và nhất là các chị em phụ nữ di cư. Thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi xin chúc mừng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhóm nghiên cứu Không gian công cộng TrySpace cùng sự hỗ trợ của chính phủ Canada, với rất nhiều nỗ lực tiếp cận khai thác câu chuyện về những nữ lao động di cư, để chúng ta có cơ hội tiếp cận và trò chuyện với những người phụ nữ quanh ta. Họ cũng chính là những nguồn lực quan trọng, đã và đang tham gia vào công cuộc xây dựng kinh tế - xã hội của thủ đô”, bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.

Bức tranh đa màu về những người phụ nữ di cư.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng nhấn mạnh, hãy tạo điều kiện để những người phụ nữ ấy phát huy hết khả năng và được trao cơ hội thụ hưởng các tiện ích một cách bình đẳng nhất. Hãy cùng chung tay để xây dựng mọi miền đất ở Việt Nam dù là nơi đến hay nơi đi đều là những vùng đất đáng sống.

Triển lãm “Nơi tôi đến” gồm 3 chủ đề kể về hành trình những nữ lao động di cư rời xa những miền quê từ “Nơi tôi đi”, họ đặt chân đến những thành phố để tìm kiếm việc làm tại “Nơi tôi đến” và được giải tỏa những áp lực cuộc sống trong các không gian công cộng với mong ước “Nơi ấy có tôi”.

Triển lãm mở cửa giới thiệu tới công chúng tham quan từ ngày 6/4 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển lãm kể hành trình về những người phụ nữ di cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO