Trở lại Greenville: Thị trấn miền núi sau đám cháy rừng lớn nhất lịch sử bang California, Mỹ

Mai Nguyễn (Theo The Guardian) 07/01/2022 15:25

Năm tháng trôi qua, thị trấn Greenville và những người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực để xây dựng lại cộng đồng của họ sau đám cháy kinh hoàng mang tên Dixie.

Hồi ức kinh hoàng về đám cháy Dixie

Ít nhất một lần trong tuần, April Wielputz sẽ chạy bộ xuống con đường Main Street ở thị trấn Greenville, bang California như cô đã làm trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, thị trấn chỉ còn lại những đống gạch nung và kim loại cong vênh mà trong quá khứ đã từng tạo nên các tòa nhà của khu trung tâm lịch sử từ thế kỷ 19.

Đôi khi, cô chạy ngang qua ngôi trường trung học nơi con trai lớn của cô sẽ bắt đầu năm cuối cấp vào mùa thu năm nay. Khung cảnh trường học đầy những cây bị cháy đen, những tòa nhà đổ nát và thậm chí là những khu đất trống không - một lời nhắc nhở về sự mất mát của thị trấn Gold Rush sau trận cháy kinh hoàng.

Mọi chuyện bắt đầu vào một buổi tối tháng Tám, khu định cư nông thôn với khoảng 1.000 người này đã chìm trong ngọn lửa lớn nhất bang California từng thấy. Trước khi lan rộng ra hơn 4.000 mét vuông, đám cháy Dixie đã phá hủy thị trấn Greenville trong khoảng 30 phút, xóa sổ hơn một thế kỷ lịch sử, khiến hàng trăm cư dân phải di tản và làm dấy lên nỗi sợ hãi trong một khu vực vốn đã bị rung chuyển bởi nhiều năm cháy rừng tàn phá.

“Tôi đã thấy những cảnh tượng từng xảy ra ở Paradise”, Wielputz nhớ lại thị trấn cách đó khoảng 129 km đã bị phá hủy trong đám cháy Camp năm 2018, khiến 85 người thiệt mạng. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra ở đây”.

Khung cảnh hoang tàn của thị trấn Greenville sau đám cháy Dixie. Ảnh: The Guardian.

Đám cháy Dixie bắt nguồn từ một cái cây bị đổ vào đường dây điện thuộc sở hữu của Công ty Điện lực & Khí đốt Thái Bình Dương, sau đó chập cháy gần khu vực dân cư gồm cộng đồng những người chăn nuôi gia súc và lâm tặc trong nhiều tuần trước khi ngọn lửa bất ngờ bùng cháy dữ dội, khiến các nhân viên cứu hỏa không kịp phản ứng. Không giống như đám cháy North Complex ở thị trấn Paradise và Berry Creek đã giết chết 14 người vào năm 2020, không một ai thiệt mạng sau đám cháy ở thị trấn Greenville. Nhưng khi cuộc khủng hoảng khí hậu thúc đẩy ngày càng nhiều sự tàn phá và bùng phát dữ dội những ngọn lửa ở phía tây, thị trấn miền núi này lại tiếp tục trở thành một nạn nhân.

Wielputz là một trong số vài trăm người đã có thể quay về nhà, trong khi phần lớn trong số 1.100 cư dân của Greenville vẫn đang phải di dời. Cô trở lại thị trấn Greenville ngay sau khi các quan chức địa phương cho phép và mua một ngôi nhà mới trên một ngọn đồi nhìn ra trung tâm thành phố, ngay cạnh ngôi nhà mà cô đã mất.

April Wielputz đứng trong ngôi nhà mới của mình, cách ngôi nhà cũ đã cháy rụi không xa. Ảnh: The Guardian.

Nỗ lực xây dựng lại cộng đồng đã mất

Năm tháng trôi qua, thị trấn Greenville và những người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực để xây dựng lại cộng đồng của họ.

Thị trấn Greenville với khung cảnh núi non bao la, một tinh thần cộng đồng gắn kết cùng âm thanh của những chuyến tàu lửa chạy qua, là khung cảnh quê hương ấm áp của rất nhiều cư dân. Đó cũng chính là lý do tại sao cô luôn háo hức quay trở lại, ngay cả khi hàng trăm đống đổ nát vẫn còn chất chồng xung quanh thị trấn. “Đối với tôi nó vẫn rất đẹp”, cô vui vẻ chỉ tay vào những cái cây và ngọn núi phía xa.

Đối với một số cư dân, cảnh tượng sau đám cháy kinh hoàng vẫn còn quá đau đớn. Jerry Thrall, một cư dân sinh sống 23 năm tại thị trấn Greenville nói: “Thật là chán nản khi nhìn thấy tất cả cây cối đã biến mất”.

Đối với nhiều cư dân, cảnh tượng sau đám cháy kinh hoàng vẫn còn quá đau đớn. Ảnh: The Guardian.

Mặc dù khu vực này luôn phải đối diện với rất nhiều thách thức, nhưng giờ đây lại đặc biệt khó khăn hơn kể từ sau khi đám cháy xảy ra. Veronica Garcia, phát ngôn viên của Plumas Strong, một tổ chức phi lợi nhuận giúp hỗ trợ cư dân sau đám cháy cho biết, trước đây khu vực này đã từng xảy ra tình trạng thiếu nhà ở, và hiện còn tồi tệ hơn khi hàng trăm người vẫn đang phải di dời.

Các quan chức liên bang và tiểu bang gần đây đã đưa 14 nhà lưu động đến thị trấn cho người sống sót sau đám cháy, nhưng họ sẽ phải chờ các giải pháp lâu dài hơn. Tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp địa phương và chủ sở hữu nhà trong việc bắt đầu xây dựng lại, và đối với những cư dân đã tìm được nhà ở để trang bị cho ngôi nhà mới của họ.

Đối với những người đã quay trở lại sinh sống, dịch vụ điện thoại di động và Internet trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để mua được nhiên liệu hoặc gửi thư, cư dân cần phải lái xe đến thành phố Quincy, nhưng dự án chặt cây dọc theo đường cao tốc đã khiến chuyến đi kéo dài 30 phút trở thành một chuyến đi đôi khi kéo dài hai giờ. Mặc dù các trường học ở thị trấn Greenville vẫn tồn tại, nhưng nhiều đứa trẻ vẫn phải tới Quincy để tham dự các lớp học.

Người dân xuống phố thu dọn tàn tích sau đám cháy kinh hoàng tại thị trấn Greenville. Ảnh: The Guardian.

Một cư dân tại thị trấn Greenville cho biết: “Chúng tôi đang hứng chịu một cơn bão vấn đề phải đối mặt ở đây.. Rất cần các dịch vụ cơ bản trở lại khu vực này ngay lập tức”.

Những người tham gia vào các nỗ lực phục hồi cho biết họ đang làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đám cháy Camp năm 2018 và các vụ cháy khác để xem họ có thể rút ra bài học gì từ những thảm họa đó. Người dân nói rằng thị trấn Greenville là một nơi vô cùng đặc biệt, vì vẻ đẹp tuyệt vời và tinh thần cộng đồng đáng quý. Điều đáng giá nhất không chỉ là xây dựng lại mà còn phải xây dựng một cộng đồng thậm chí tốt hơn trước. Tương lai của thị trấn vẫn còn chưa rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại Greenville: Thị trấn miền núi sau đám cháy rừng lớn nhất lịch sử bang California, Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO