Trở lại Lý Sơn

TẤN THÀNH 13/02/2022 07:00

Chúng tôi trở lại Lý Sơn đúng dịp UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh mừng xuân Nhâm Dần 2022. Không khí hết sức sôi động, càng vui hơn khi cuộc sống người dân trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc không ngừng đổi thay phát triển.

Một tàu cá Quảng Ngãi đánh bắt trúng cá thu.

Đổi thay ở hòn đảo tiền tiêu

Hình như cơn bão số 9 cuối năm 2021 thiệt hại hàng chục ha tỏi và gây khó khăn cho nghề biển của bà con không ảnh hưởng đến không khí đón xuân mới. Vì nhà nhà, người người tay bắt mặt mừng chào đón khách, khắp nơi không khí rộn rã hân hoan.

Anh Nguyễn Văn Thu, người dân bản địa chia sẻ, cuộc sống người dân ở đảo Lý Sơn từ khi có điện rất thuận tiện, chưa nói gì đến phát triển kinh tế, riêng cái chuyện du khách đến đây ăn ở, ngủ nghĩ cũng đã thỏa mái hơn trước đây phải dùng máy nổ chạy điện ì ạch. Bây giờ ban đêm đường làng ngõ xóm điện sáng trưng, mọi hoạt động có điện rất thuận lợi. Có điện buôn bán cũng hoạt động sôi nổi, con cháu học hành thỏa mái. Đi đâu chỉ cần alo 1 tiếng là có taxi ngay...

Thật vậy, cuộc sống người dân nơi hòn đảo tiền tiêu này giờ đây đã đổi thay, như năm 2021 dù tiếp tục chịu sự tác động rất lớn của dịch Covid-19 và tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết. Thế nhưng những gì Lý Sơn đạt được đáng ghi nhận.

Cụ thể dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện, cơ sở cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.

Lãnh đạo huyện cho biết, tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 324,0 tỷ đồng, đạt 174,6% dự toán giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt là 246,1 tỷ đồng, đạt 132,6% dự toán giao.

Đáng chú ý giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 1.057,8 tỷ đồng, trong đó diện tích tỏi vụ đông xuân trồng 325 ha, sản lượng đạt 4.053 tấn, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích hành trồng 575 ha. Lý Sơn hiện có là 554 tàu thuyền, với tổng công suất 81.918 CV. Về sản lượng thuỷ sản ước đạt 31.345 tấn. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 162,467 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020...

Không những vậy về công tác giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn đảm bảo. Cùng với đó công tác phòng, chống dịch thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sẵn sàng nguồn lực để đảm bảo đáp ứng trong mọi tình huống dịch xảy ra; tổ chức cách ly y tế, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện biện pháp cách ly y tế tại nhà đối với công dân theo đúng quy định; tổ chức xét nghiệm 100% cho người dân ở khu vực phong tỏa đảm bảo khẩn trương, kịp thời.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức theo diễn biến của dịch Covid-19, chất lượng từng bước được nâng lên. Trong năm đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hoá Phi vật thể Quốc gia Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh và đua thuyền tứ linh (8 chiếc), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Hải, An Vĩnh. Công tác quản lý các di tích, danh lam thắng cảnh luôn được quan tâm triển khai thực hiện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khôi phục bộ xương cá Ông - Lăng Tân và ban hành Phương án quản lý, vận hành Nhà trưng bày bộ xương cá Ông.

Có nhiều vấn đề mà Lý Sơn đã thực hiện tốt trong năm, trong đó có công tác nội chính, tổ chức nhà nước, quốc phòng, an ninh hay công tác bảo trợ xã hội, trợ cấp người có công luôn được chu đáo.

Đầu năm vươn khơi

Trở lại Lý Sơn trong những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi động nơi đây. Người dân quây quần bên nhau trong những căn nhà ấm cùng nhau đón xuân. Rất đông người đã đến với lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh mừng xuân Nhâm Dần 2022. Ông Võ Minh, ở huyện Lý Sơn cho biết: “Lễ hội đua thuyền này là mong muốn sự bình an, tốt lành trong năm mới, nông ngư nghiệp bội thu, đắc tài đại lợi. Đây là lễ hội mang giá trị truyền thống văn hóa nối kết từ quá khứ đến hiện tại, xuyên suốt hàng trăm năm qua trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc”.

Đúng vậy vì lễ hội còn mang ý nghĩa tri ân công đức các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và những tiền nhân đã ra đi bảo vệ từng tấc đất quê hương. Họ là những Cai đội, Chánh suất đội, Thuỷ quân ở đảo Lý Sơn được sung vào đội Hoàng Sa ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong khi đó tại cảng cá Lý Sơn không khí rất sôi động những con tàu cá đánh bắt xuyên Tết đã trở về cập cảng, trong khi đó nhiều con tàu chuẩn bị rẽ sóng ra khơi. Không khí trên bến dưới thuyền hối hả, tiếng người cười nói, gọi nhau, tiếng máy tàu thuyền, xe vận chuyển hải sản làm cả khu vực cảng sôi động.

Ngư dân Phạm Văn Ninh, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn nói, hiện tại thời tiết đang thuận lợi, nên ngư dân ai cũng muốn vươn khơi bám biển để sau Tết có nguồn thu nhập để lo cho gia đình. Ông Ninh cho biết, dịp Tết là thời điểm dễ trúng nhiều luồng cá giá trị nhất, cộng với giá bán tăng mạnh, nên mọi người tham gia chuyến biển có thu nhập rất cao.

Trong khi đó, anh Đặng Vũ - người dân đang sinh sống ở hòn đảo này bày tỏ: “Tôi rất tự hào khi mình được sinh sống trên hòn đảo Lý Sơn yêu quý này. Tôi tự hào với cha ông mình cách đây hàng trăm năm đã từng ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh dấu chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ngày nay tiếp bước cha ông con cháu Lý Sơn vẫn bám vùng biển truyền thống đó”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở lại Lý Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO