Trở thành nông dân chuyên nghiệp

Tuệ Phương (thực hiện) 24/01/2021 06:59

Điểm yếu của người nông dân lâu nay chính là lối làm ăn còn phụ thuộc vào “ông trời”, chú trọng sản lượng hơn chất lượng, chưa biết giải “bài toán” thị trường dẫn đến được mùa thì mất giá. Khắc phục nhược điểm này, Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp đã thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “người nông dân chuyên nghiệp”. Những người nông dân sẽ được chuyển hướng sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp theo hướng “công nghiệp hoá” nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, đảm bảo lợi nhuận ổn định và chủ động.

Đó là khẳng định của ông Võ Hoàng Cương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp với báo Đại Đoàn kết.

Ông Võ Hoàng Cương triển khai nội dung thí điểm mô hình tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh với bà con nông dân chuyên canh xoài.

PV:Khi Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp triển khai thí điểm mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”, không ít người băn khoăn đây có phải là một “phiên bản” của phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Ông có thể làm rõ điều này được không?

Ông Võ Hoàng Cương: Trước hết xin khẳng định là không phải. Bởi vì Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” là phong trào chung cả nước do Hội Nông dân Việt Nam phát động và người nông dân chỉ chú tâm vào mục tiêu sản xuất kinh doanh sao cho đạt năng suất và lợi nhuận cao nhất là chủ yếu. Và đối tượng tập trung thực hiện là Hội viên Hội Nông dân Việt Nam.

Còn mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” do UB MTTQ tỉnh Đồng Tháp phát động là dành cho tất cả những người làm nông nghiệp, bao gồm sản xuất nông nghiệp, kinh doanh - chế biến nông sản, không kể đó có phải là Hội viên Hội Nông dân hay không đều có quyền tham gia thực hiện với phạm vi, đối tượng rộng tham gia rộng lớn hơn. Yêu cầu tiêu chuẩn “Người nông dân chuyên nghiệp” cũng khác hơn với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.

Vậy thưa ông xuất phát từ lý do nào mà Tỉnh uỷ Đồng Tháp thống nhất chủ trương để UB MTTQ Việt Nam tỉnh phát động thí điểm mô hình “Người nông dân chuyện nghiệp”?

-Thực tiễn đặt ra trong thời gian vừa qua với nền nông nghiệp nước ta nói chung và đối với tỉnh Đồng Tháp nói riêng cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để giảm bớt giá thành, giảm bớt chi phí sản xuất; chất lượng sản phẩm hàng hoá làm ra phải an toàn, từ đó góp phần thiết thực cho việc nâng cao lợi nhuận, mang lại thu nhập hợp lý cho người sản xuất, tránh hiện tượng đau lòng làm nông nghiệp theo kiểu “được ăn cả, ngã phải về không”, hay “được mùa rớt giá, mất mùa thì được giá” vốn tồn tại lâu nay. Thậm chí cũng có khi mất cả mùa mà cũng rớt luôn cả giá nên lâu lâu chúng ta lại nghe đến hai từ “giải cứu” nông sản ở các địa phương, các khu vực khác nhau.

Mục đích mô hình thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” là để chuyển dần tư duy của người nông dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế bằng nông nghiệp, đó là không đơn thuần chạy theo sản lượng hàng hoá tạo ra mà cần chú ý thật nhiều đến chất lượng, đảm bảo lợi nhuận hợp lý, ổn định và chủ động cho người sản xuất.

Nâng cao ý thức và năng lực của người nông dân và nền nông nghiệp trong định hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững. Qua mô hình sẽ góp phần phát triển và phát huy vai trò kinh tế tập thể trong định hướng phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Tạo kiều kiện để nông sản hàng hoá Việt Nam nói chung và của Đồng Tháp nói riêng đủ sức tham gia ngày càng sâu rộng trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

Như vậy những đối tượng nào sẽ được phát động tham gia thực hiện thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp”, thưa ông?

-Đối tượng là nông dân và những người tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản. Nội dung thực hiện bao gồm hai nhóm nội dung cụ thể. Đối với nhóm nội dung về xã hội, đã là nông dân chuyên nghiệp thì phải tham gia vào ít nhất một tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể nào đó ở địa phương.

Tự nguyện tham gia vào các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, cao hơn là mô hình các HTX. Phải có tinh thần học tập suốt đời và ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật trong đời sống và trong sản xuất, kinh doanh.

Đối với nhóm nội dung về sản xuất thì sản xuất phải an toàn; tạo ra sản phẩm hàng hoá gì cũng phải an toàn cho người tiêu dùng. Trong quá trình sản xuất kinh doanh không làm tổn hại đến môi trường; thực hiện nghiêm Luật HTX, các nội quy, quy chế, quy định của HTX, tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng và tham gia các hoạt động vì cộng đồng nơi sản xuất kinh doanh hoặc nơi cư trú.

Khi thực hiện thi đua phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” sẽ được ưu tiên tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập và chia sẻ kinh nghiệm có liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước về nông dân, nông nghiệp, nông thôn; được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, xây dựng cơ chế tiếp cận doanh nghiệp thông qua các HTX, các mô hình liên kết hợp tác, diễn đàn kết nối cung cầu để hạn chế việc người sản xuất bán nông sản hàng hoá thô hoặc bán qua quá nhiều tầng lớp trung gian.

Vậy hiện chương trình đang được triển khai thí điểm ở địa bàn nào, trong quá trình thí điểm khó khăn gặp phải là gì, thưa ông?

-Trước mắt được sự thống nhất của Tỉnh ủy, UB MTTQ tỉnh triển khai thực hiện thí điểm ở năm địa phương có lợi thế trên một số lĩnh vực như: Huyện Châu Thành thí điểm trên lĩnh vực cây nhãn. Huyện Lấp Vò thí điểm trên lĩnh vực cây hoa màu. Huyện Lai Vung thí điểm trên lĩnh vực cây có múi. Huyện Cao Lãnh thí điểm trên lĩnh vực cây xoài và cây mít. Huyện Tháp Mười thí điểm trên lĩnh vực cây lúa và cây mít.

Ngoài ra, các huyện, thành phố trong tỉnh tuỳ điều kiện cụ thể mà UB MTTQ ở địa phương đề xuất với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền chọn mô hình và địa bàn thí điểm của cấp địa phương cụ thể.

Do đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ nên phải vừa triển khai thực hiện thí điểm vừa tiếp tục hoàn thiện từng bước. Bà con nhân dân tuy rất đồng tình nhưng chưa quen; các ngành, các tổ chức có liên quan trong hệ thống chính trị các cấp bước đầu còn lúng túng trong công tác phối hợp triển khai thực hiện.

Để đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, đánh giá kết quả, uốn nắn những lệch lạc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nhất thiết phải đặt thống nhất dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp.

Trong quá trình thực hiện tránh nóng vội, chạy theo thành tích hay làm kiểu mang tính “phong trào” mà phải quán triệt quan điểm đây là chương trình lớn, có ý nghĩa lâu lài và cần triển khai thực hiện chắc bước, bền vững. Sau khi thí điểm trong năm 2020 sang năm 2021 sẽ rút kinh nghiệm để định hướng cho những bước đi tiếp theo trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trở thành nông dân chuyên nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO