Trời lạnh, đề phòng đột quỵ

Đức Trân 06/12/2022 06:20

Thời tiết chuyển lạnh thường là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp dẫn đến tai biến, đột quỵ. Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ Trong đó, phần lớn là bệnh nhân trên 45 tuổi.

Thời tiết giao mùa, cần chú trọng sức khỏe người cao tuổi. Ảnh: BV Lão khoa.

Khoảng 200 nghìn ca đột quỵ mỗi năm

Bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương thông tin, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ... Đột quỵ có 2 dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não.

Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ hơn. Ở đột quỵ thiếu máu não, theo quá trình lão hóa, các mạch máu của người già bị xơ cứng, sức cản lòng mạch cao kèm những rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu... Trong thời tiết lạnh, cơ chế tự điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi trở nên kém hơn.

Ngoài ra, người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Thông thường, người già nhiều bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ. Người trẻ hay người cao tuổi khi đột quỵ đều có triệu chứng giống nhau, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào vị trí và kích thước của tổn thương não. Triệu chứng ở người già không nổi bật như người trẻ, dẫn đến phát hiện chậm, đến viện muộn. Nhiều khi bản thân bệnh nhân cũng không biết mình mắc bệnh.

Nhận biết sớm dấu hiệu để cấp cứu kịp thời

PGS. TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn. “Không chỉ vậy, có người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, khi đến cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí có trường hợp đã ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Do đó, khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời” - ông Tôn nói.

Khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp áo mỏng, thay vì chỉ mặc một lớp áo dày, đồng thời, mang thêm khăn choàng cổ, mũ trùm đầu, tất, bao tay. Ngâm chân với nước nóng để kích thích tuần hoàn máu, tập thể dục thường xuyên và ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng.

Khi thời tiết lạnh sâu, nhiều người thường có tâm lý ngại tắm vì sợ nhiễm lạnh. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào - Phó Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong mùa lạnh, tốt nhất vẫn nên tắm 1 lần/ngày. Thời điểm tắm gội hợp lý nhất là buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, khi vẫn có ánh nắng mặt trời; tắm ở nơi kín gió, trong phòng kín, tắm nước ấm. Trước khi ra khỏi phòng tắm, cần lau khô người, mặc quần áo giữ ấm cơ thể. Để tránh nhiễm lạnh, cần làm khô tóc nếu gội đầu, kể cả nam giới cũng cần sấy khô tóc bởi để ướt dễ bị nhiễm lạnh gây cảm lạnh, đau đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trời lạnh, đề phòng đột quỵ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO