Trời rét đậm: Những bệnh thường gặp và cách phòng tránh

Lan Anh 08/01/2021 09:20

Miền Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại mới. Chúng ta cần phải lưu ý chăm sóc sức khoẻ đúng cách, đặc biệt là đối với trẻ em, người già để tăng cường đề kháng, tránh sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.

Những bệnh dễ mắc khi trời rét đậm

- Bệnh đường hô hấp: Nhiệt độ xuống quá thấp là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi. Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Người cao tuổi do hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp.

Viêm đường hô hấp là bệnh thường gặp khi trời lạnh. (Ảnh minh hoạ)

- Bệnh tim mạch: Song song với các bệnh về hô hấp thì bệnh tim mạch cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó đáng lưu ý là bệnh tăng huyết áp kịch phát. Tăng huyết áp kịch phát rất dễ gây nên đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

- Bệnh xương khớp: Thời tiết rét đậm thì nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp cũng tăng cao đối với người cao tuổi, đặc biệt là các bệnh gút, đau thần kinh liên sườn, đau lưng, thắt lưng, cứng khớp gối, khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay. Chính thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa lạnh làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, các bệnh dạ dày, viêm đại tràng co thắt mỗi khi mùa lạnh đến cũng tăng nặng hơn với người cao tuổi. Bên cạnh đó, ở nam giới khi bị bệnh tiền liệt tuyến càng lạnh càng đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm gây nhiều phiền toái...

Phòng bệnh cho trẻ em

Cần lưu ý giữ ấm cho bé, hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 độ, rét đậm và mưa. Khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn, có thể cho trẻ chơi ngoài trời nhưng chỉ chơi khoảng 9 -10 giờ sáng hoặc 14 - 15 giờ chiều vì lúc đó nhiệt độ thường cao nhất trong ngày và không quá lạnh.

Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ, nhất là ban đêm nếu cần đắp thêm chăn cho trẻ, nhưng không nên đắp quá dầy khiến trẻ khó thở. Giữ ấm cơ thể (mặc ấm, đi găng, tất đầy đủ, đội mũ trùm tai, đeo khẩu trang để trẻ không lạnh), đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi chở trẻ ngoài đường.

Chú ý khi trẻ chơi đùa bị toát mồ hôi cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi, vì nếu không sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi… Nếu trẻ có biểu hiện ốm, sốt, mệt mỏi... thì không nên cho ra ngoài trời chơi.

Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Phòng bệnh cho người cao tuổi

Để đề phòng đột quỵ, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần lưu ý kiểm soát huyết áp, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ. Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đội mũ, đi tất chân, tất tay đầy đủ...

Không thay đổi tư thế đột ngột có thể gây tai biến do não thiếu máu. Nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm (ví dụ như đi thể dục) bởi nhiệt độ quá thấp có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dẫn đến suy nhược chức năng hoạt động của dây thần kinh. Việc vận động, nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cần được thực hiện nghiêm túc trong sinh hoạt hằng ngày.

Cần ăn đủ chất, tăng cường cá, ngũ cốc thô và rau quả; hạn chế các loại thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ngọt, rượu, thuốc lá. Người cao tuổi nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước.

Tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu. Đặc biệt, người cao tuổi nên hạn chế tắm và gội cùng lúc tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trời rét đậm: Những bệnh thường gặp và cách phòng tránh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO