Trông giữ xe dịp Trung Thu tại Hà Nội: Giá “treo cao tít cung Hằng Nga”

Tuấn Việt 29/09/2015 18:25

Bãi trông giữ xe “dù” mọc như nấm sau cơn mưa, giá vé cả trong và ngoài đều vượt gấp nhiều lần so với quy định. Điều đáng nói, giá vé “cắt cổ” người dân là vậy, lại ngang nhiên ngay trước lực lượng công an, dân phòng.

Nếu như trung tâm chính của ngày Rằm được du khách đổ tới trên phố cổ là phố Hàng Mã, thì ‘hệ thống ăn theo” tại các phố Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Đồng, Hàng Bồ… đông đúc không kém, chủ yếu là nhờ trông giữ xe, chính có, nhưng chủ yếu là tự phát. Chỉ với một sợi dây thừng căng lên, một tấm biển “trông giữ xe” treo lên, là vỉa hè, lòng đường đã biến thành bãi giữ xe, thậm chí ngang nhiên ngay trước lực lượng công an, dân phòng. Giá vé thì theo thời điểm, trung bình thì xe máy 20.000 đồng/ xe, xe đạp 10.000 đồng/ xe. Nhưng tới giờ “cao điểm”, giá vé xe máy lên tới 50.000 đồng/ xe. Lúc này, các ngõ, nhà đều trở thành điểm cất giữ xe cho hành khách. Một chủ nhà trên phố Hàng Lược cho biết, một năm chỉ có một mùa Trung Thu, nên cũng là cơ hội “kiếm chút đỉnh” nhờ trông giữ phương tiện.

Không chỉ các bãi xe tự phát vô tội vạ chặt chém, ngay cả những địa điểm trông giữ xe chính quy cũng lợi dụng ngày Lễ trăng Rằm, với nhu cầu quá lớn của người dân, để tăng giá vé. Đơn cử như điểm trông giữ xe trên vỉa hè phố Lê Lai (gần vườn hoa Lý Thái Tổ), giá ở đây đã trở thành 10.000 đồng/ xe máy, tức gấp 3 lần so với quy định. Tương tự, tại điểm gửi xe trên phố Đinh Lễ, vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng (gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), giá vé có thời điểm được “thổi” lên đến 15.000 đồng/xe máy. Các điểm đỗ xe ô tô trên phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, tuy chưa phải là trung tâm, song cũng đã thành 50.000, 80.000, thậm chí ngày chính Rằm lên đến 100.000 đồng/ xe, người dân biết vô lý song cũng không còn cơ hội nào khác để trông giữ phương tiện.

Ông Lê Phúc Lai, 49 tuổi, trú tại Tây Sơn, quận Đống Đa cho biết, nét đẹp dịp Lễ Rằm Trung Thu là người dân đổ về Hàng Mã, Hồ Gươm, các địa điểm danh lam thắng cảnh, các điểm có “viu” đẹp… để ngắm chị Hằng, trẻ em phá cỗ. Tuy nhiên, chính vì lượng người quá đông, nên tìm chỗ đỗ xe cũng rất vất vả. Tìm được chỗ gửi thì giá vé cao chót vọt lại chuốc bực mình. Bây giờ, không chỉ khu vực trung tâm phố cổ lạm phát giá vé, ngay cả các nơi được ưa thích khác như Mỹ Đình, Hồ Tây, thu giữ xe cũng đã gấp vai ba lần, gây bức xúc.

Theo quyết định số 69/2014-QĐUB ngày 20-8-2014 của UBND TP Hà Nội về việc thu phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện), xe máy, xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội, thì tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn): Đối với xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện) áp dụng với ban ngày là 2.000 đồng/xe/lượt, ban đêm là 3.000 đồng/xe/lượt, cả ngày và đêm là 4.000 đồng/xe/lượt, theo tháng là 40.000 đồng/xe/tháng đối với xe máy, ban ngày 3.000 đồng/xe/lượt, ban đêm 5.000 đồng/xe/lượt, cả ngày và đêm là 7.000 đồng/xe/lượt, theo tháng là 70.000 đồng/xe/tháng… Quy định là vậy nhưng bản thân mấy đơn vị chính quy nào thực hiện được, chứ chưa nói đến bãi “dù”, bãi tự phát?

Theo tìm hiểu của PV, tất cả các quận, huyện tại Hà Nội, đặc biệt là các quận trung tâm TP Hà Nội đều đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã tăng cường, quản lý công tác địa bàn trong dịp Rằm Trung Thu. Các lực lượng công an, dân phòng, tự quản phối hợp với các lực lượng chuyên ngành, đảm bảo an ninh trật tự, chống tư thương lợi dụng chèn ép khách hàng. Vậy vì sao vấn nạn giá vé vẫn nhức nhối qua năm này tới năm khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trông giữ xe dịp Trung Thu tại Hà Nội: Giá “treo cao tít cung Hằng Nga”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO