Trong khó khăn, xuất khẩu vẫn tăng mạnh

H.Hương 08/03/2021 07:30

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Tháng đầu năm có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 27,3%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 72,6%; hàng dệt may đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 51%; Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 11,6%; sắt thép đạt 1,1 tỷ USD, tăng 71,9%; thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7%.

Bộ Công Thương cho biết, Hoa Kỳ, Trung Quốc và EU vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 998 triệu USD.

Như vậy có thể thấy, đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy Hiệp định Thương mại tự do Việt - Anh rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ hiệp định này là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả..

Tuy nhiên, để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho rằng cần tiếp tục hỗ trợ về chính sách để tạo thông thoáng, giúp doanh nghiệp nhanh chóng chớp thời cơ.

Ông Tô Hoài Nam - Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các DN luôn cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý với các chính sách về tài chính, tài khóa. DN vẫn tiếp tục mong muốn được kéo dài chính sách hoãn giãn nợ, giảm lãi suất, giảm các loại thuế phí… để có thể tiếp cận vốn rẻ, giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trước sự suy giảm của nền kinh tế thì sức cầu với hàng hóa dịch vụ là thách thức cực kỳ lớn, nên cơ quan quản lý cần tính đến các phương pháp kích cầu nội địa. Điều này vừa giữ lạm phát vừa kích thích tiêu dùng nội địa, hỗ trợ DN nhỏ và DN mới thành lập có thể cung ứng hàng hóa thuận lợi.

“Cùng với đó, các chính sách về hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cần tiếp tục được triển khai và phát triển. Tức là phải tạo môi trường thế nào đưa DN trở lại với hoạt động kinh doanh bình thường, trong trạng thái mới, nên các chính sách hỗ trợ phải nhanh và mạnh, đúng và trúng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ số. Chúng ta cũng cần nhiều hơn các chương trình hỗ trợ, đào tạo DN chuyển đổi số, tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính. Việt Nam bị tổn thương ít hơn so với các quốc gia khác, nên chúng ta phải cố gắng khai thác hết lợi thế, tận dụng mọi thế mạnh để phát triển bền vững” - ông Tô Hoài Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trong khó khăn, xuất khẩu vẫn tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO