Trọng trách lớn

Duy Phương 09/02/2018 10:00

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu năm 2017 lần đầu tiên đạt được con số kỳ tích 214 tỷ USD. Thành công đó không thể thiếu vai trò của các tham tán thương mại - họ chính là cầu nối để đưa hàng hóa, hình ảnh Việt Nam vươn ra thế giới.

Trọng trách lớn

Để hàng hóa Việt Nam ra với thế giới, vai trò của các tham tán thương mại là rất lớn.

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại được Bộ Công thương tổ chức hôm 7/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu lên một con số ấn tượng: Trong 2 năm 2016-2017, với 57 Thương vụ và 7 Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở cách làm chung chung, các Thương vụ đã gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi bằng email với DN nhằm hỗ trợ DN trong và ngoài nước tìm hiểu thông tin về thị trường, cập nhật các quy định về xuất nhập khẩu, kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác và nguồn hàng. Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước, các Thương vụ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo XTTM, đầu tư với sự tham gia đông đảo của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước sở tại.

Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành Công thương, các Thương vụ đã hỗ trợ tổ chức nhiều Diễn đàn doanh nghiệp bên lề các chuyến thăm cấp cao hoặc nhân dịp các kỳ họp của các Ủy ban liên Chính phủ. Có thể thấy, với những việc làm hết sức thiết thực này của các Thương vụ, không chỉ hàng hóa của Việt Nam mà kèm theo đó là hình ảnh, con người của dải đất hình chữ S đã được đưa đến quảng bá tại nhiều thị trường trên thế giới.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ thương mại, đầu tư với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu như năm 1986, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới chỉ đạt được con số 2,944 tỷ USD thì năm 2017 con số này đã vượt lên gấp 150 lần, cán mốc hơn 400 tỷ USD – một con số được coi là “kỳ tích” của xuất khẩu hàng hóa nước nhà.

Trong thành công chung này, không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Chính bởi vậy, các Thương vụ được ví như “người se duyên” để DN Việt có thể gặp gỡ với người tiêu dùng toàn cầu, và từ đây, không chỉ hàng hóa Việt mà cả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng được thế giới biết đến.

Điều này tiếp tục được Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định tại Hội nghị Tham tán Thương mại diễn ra vừa qua: “Hệ thống Thương vụ đã trở thành cầu nối hiệu quả giữa doanh nhân người Việt ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, hướng các doanh nhân người Việt ở nước ngoài tham gia đưa hàng của Việt Nam ra nước ngoài, trong đó có việc đưa trực tiếp vào các kênh phân phối hoặc vào các khu chợ, cửa hàng của người Việt. Một số Thương vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc hình thành các Hội doanh nhân người Việt ở nước sở tại”.

Không phải ngẫu nhiên mà cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… và nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” khác hiện đã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường thế giới. Không phải ngẫu nhiên các loại nông sản như cá, tôm, xoài, thanh long, vú sữa, nhãn, chôm chôm… có thể bước chân được vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada… Tất cả những thành công mà chúng ta có được ngày hôm nay: 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, thặng dư thương mại 2,6 tỷ USD; quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; 59 quốc gia đối tác đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường… một phần nhờ vai trò rất lớn của các Tham tán Thương mại.

Điều này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Tham tán Thương mại diễn ra ngày 7/2 mới đây: “Trong tiến trình đó, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp tích cực, trong đó nổi bật là thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhất là đã đưa được các mặt hàng nông sản, hoa quả đặc trưng của Việt Nam tiếp cận với các nước, từng bước đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối quốc tế, bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng Việt trên trường quốc tế”.

Tuy nhiên, dù đánh giá cao vai trò của các Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, song người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý về năng lực xuất khẩu của các DN Việt Nam hiện nay. Thủ tướng cũng đặt vấn đề rằng, các Tham tán cần tránh tư tưởng “cưỡi ngựa xem hoa, nước chảy bèo trôi” trong công tác tham tán. Đồng thời, nhấn mạnh đến mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỉ USD thời gian tới, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng: Làm sao để các mặt hàng có thế mạnh như rau, củ quả, dược liệu, thủy sản, gạo xuất khẩu có quy mô đạt trên 10 tỉ USD, chứ không chỉ là ngành hàng quy mô nhỏ.

Những điều mà người đứng đầu Chính phủ nói cho thấy Chính phủ không chỉ tự hào về những thành quả mà lĩnh vực xuất khẩu đã đạt được trong năm qua, tự hào về vai trò, trách nhiệm, tài năng của các Thương vụ trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu, mà còn đặt ra nhiều kỳ vọng từ đội ngũ Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Điều này cho thấy, vai trò trọng trách rất lớn của đội ngũ này ở thị trường quốc tế. Bởi vậy, dư luận bày tỏ mong mỏi, thời gian tới đây, hoạt động của các Thương vụ sẽ có những điều chỉnh để có thể làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở toàn cầu. Bên cạnh đó là vượt qua tư duy nhiệm kỳ, e ngại khó khăn để có đóng góp tốt hơn cho kinh tế của đất nước như người đứng đầu Chính phủ đã và đang kỳ vọng từ đội ngũ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trọng trách lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO