Trồng vừng thay lúa

N.Thiên 13/04/2020 08:00

Nhằm ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hiện nay, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng sử dụng ít nước tưới thay dần cho cây lúa, vừa tiết kiệm được lượng nước sử dụng vừa tăng thu nhập cho bà con.

Trồng vừng thay lúa

Cây vừng đã và đang khẳng định hiệu quả trên nền đất lúa ở nhiều nơi tại TP Cần Thơ. Theo đó, diện tích đang có xu hướng tăng và duy trì ổn định trong nhiều năm qua.

Đến nay, nông dân tại các quận, huyện của thành phố Cần Thơ đã xuống giống được hơn 2.269 ha vừng vụ Hè Thu 2020, cao hơn so với cùng kỳ năm trước là 1.713 ha; trong đó, chủ yếu là trồng vừng trên nền đất lúa, tập trung tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh.

Vừng là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt nên thích hợp sản xuất trong vụ Hè Thu, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh nguy cơ bị thiếu nước tưới, nhất là tại những khu vực đất gò cao ở khu vực ven sông Hậu. Những năm qua, nhiều ruộng vừng được sản xuất trên nền đất lúa giúp nông dân thu được mức lãi cao gấp từ 2 - 3 lần so với sản xuất lúa Hè Thu.

Trong vụ Hè thu năm 2019, nhiều nông dân sản xuất vừng có thể đạt lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha nhờ vừng trúng mùa, trúng giá.

Nhiều nông dân trồng vừng ở TP.Cần Thơ cho rằng ruộng sau khi trồng vừng sạ lại lúa sẽ rất trúng, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm. Ngoài ra, cây vừng còn là loại cây thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ hè thu. Hạt vừng sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản lâu để chờ giá, hạn chế được áp lực đầu ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ.

Ngoài ra, nhiều nông dân cho biết, luân canh vừng trong vụ Hè Thu không chỉ giúp nông dân có điều kiện tăng lợi nhuận ngay trong vụ này mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Bởi sau khi trồng vừng, gieo sạ lại lúa, thường được mùa, ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa trong năm do đất được cải tạo và các mầm sâu bệnh hại lúa bị tiêu diệt.

Thời gian trồng vừng khá ngắn, chỉ khoảng 75 ngày là cho thu hoạch, đảm bảo thời vụ để nông dân chủ động sản xuất lúa vụ Thu Đông, tránh nguy cơ bị nước lũ gây thiệt hại khi xuống giống trễ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện nông dân tại thành phố xuống giống gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 9.282 ha, cao hơn cùng kỳ là 2.491 ha; trong đó, diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như vừng, đậu tương… ở mức 2.294 ha, cao hơn cùng kỳ 1.716 ha, còn lại là các loại rau màu khác...

Việc chuyển từ đất lúa sang trồng các loại cây khác sử dụng ít nước tưới trong mùa khô hạn hiện nay được nhiều địa phương tích cực áp dụng để ứng phó với tình hình khô hạn và xâm nhập mặn. Đây cũng là một trong các giải pháp được các nhà khoa học khuyến khích nông dân áp dụng để vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa hạn chế được sâu bệnh trên lúa, tiết kiệm được lượng nước sử dụng và có thể sản xuất bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng vừng thay lúa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO