Trụ vững để đứng dậy bước tiếp

Nam Việt 26/10/2020 08:05

Tại cuộc làm việc ngày 24/10 với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đợt lũ lần này ở miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích), mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn (hiện số người chết là hơn 120 người).

Nhà “phao” của người dân Tân Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Nguyễn Do.

Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung, cả nước cũng như tương lai con cháu chúng ta.

Song, xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa.

Suốt từ đầu tháng 10 tới nay, mưa lớn liên tục trút xuống miền Trung, đặc biệt là trong bão số 6 và bão số 7. Trong quãng thời gian hơn 3 tuần đó, có lúc mưa ngớt, nhưng nước vẫn rất lớn.

Trên thực tế, đó là lũ chồng lũ. Nước lụt đợt trước chưa kịp rút thì lần sau lại ập tới. Các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Nam đều cũng bị lũ lụt tấn công, trong đó Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu nhất, trên diện tích rất rộng, cả miền núi lẫn đồng bằng, đô thị.

Do điều kiện địa hình đặc thù của các lưu vực sông ở miền Trung các sông thường ngắn, độ dốc lớn do đó thời gian tập trung lũ thường rất nhanh, mạnh.

Khu vực này có vùng đồng bằng nhỏ và hẹp, lại bị chắn bởi các doi cát dọc theo bờ biển nên đã làm giảm sự tiêu thoát lũ, dẫn đến ngập sâu và kéo dài.

Tới chiều ngày 25/10, thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 8 yếu hơn trước khi đổ bộ vào miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là mưa sẽ nhỏ hơn, vì thực tế cho thấy hoàn lưu bão hay là khi bão suy yếu thành áp thấp lúc vào đất liền thì bao giờ cũng gây mưa to.

Trong khi đó, tại khu vực này nước vẫn đang rút chậm, các hồ thủy điện, thủy lợi đều đã “no” nước. Đất đai ngậm nước lâu ngày sẽ thiếu tính liên kết, nhão và rất dễ sụt lở.

Như vậy là ngay trong những ngày cuối cùng của tháng 10, mưa lũ, ngập lụt ở miền Trung vẫn không thể nói là đã kết thúc; trong khi cơ quan khí tượng thủy văn ngay từ tháng 5 đã đưa ra dự báo các tháng cuối năm miền Trung sẽ phải hứng chịu từ 4 đến 5 cơn bão.

Tác động của biến đổi khí hậu những năm qua đã khiến bão vào nước ta nhiều hơn, có xu hướng dịch chuyển từ Bắc xuống Nam, mà như vậy thì miền Trung sẽ là “rốn bão”. Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, các hình thái cực đoan của thời tiết xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Gần 20 năm trước, các tổ chức môi trường quốc tế đã cảnh báo Việt Nam đứng trong tốp 10 nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong tình thế đó, quan trọng nhất chính là ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn và hành động với niềm tin sẽ vượt qua khó khăn. Nếu thiếu bản lĩnh, mất niềm tin thì rất dễ buông tay, mà như thế thì tai họa sẽ chồng lên tai họa: Tại họa từ thiên nhiên và tai họa đến từ con người khi chân tay đã bủn rủn, được chăng hay chớ.

Càng lúc khó khăn thì lại càng phải mạnh mẽ, nản chí thì sẽ bị vùi dập. Lúc này hơn lúc nào hết cần sự đồng tâm nhất trí, cần sự gắn kết cộng đồng “lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cán bộ các cấp, mà trực tiếp là cán bộ cơ sở.

Những ngày mưa lũ tàn phá miền Trung, người dân tin tưởng khi thấy cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận gác lại khó khăn của gia đình mình, người thân của mình mà lo việc của Dân.

Lúc ấy, giả sử vị cán bộ nào đó chỉ lo khiêng cái tivi, cái tủ lạnh của nhà mình kê lên cao còn thì dân ngập nước kệ dân, thì thử hỏi chuyện gì sẽ xảy ra?

Không dao động ý chí, bản lĩnh, không đánh mất niềm tin - đó là những điều vô cùng cần thiết trong lúc khó khăn, khó khăn lâu dài. Đó chính là sức mạnh tinh thần giúp con người trụ vững để đứng dậy, bước tiếp.

Nhưng tinh thần ấy, ý chí ấy cũng rất cần được nâng đỡ bằng những việc làm cụ thể, nếu không sẽ kiệt sức. Đó phải là cách để vượt qua khó khăn một cách tốt nhất. Cụ thể với mưa lũ ở miền Trung, kinh nghiệm của người dân Hương Khê (Hà Tĩnh), người dân Bố Trạch (Quảng Bình) là bài học rất quý.

Với người dân Hương Khê, bà con đã tự trang bị thuyền cho gia đình. Không có lũ thì treo lên cao, có lũ thì hạ xuống sử dụng.

Vì thế nên mặc dù Hương Khê là rốn lũ nhưng hầu như không có người tử nạn khi mưa to gió lớn, nước sông dâng cao cuồn cuộn. Còn ở Bố Trạch, người dân đã làm những ngôi nhà “phao” đặt trên những chiếc thùng phuy, nước nổi thì nhà cũng nổi.

Sống chung với lũ, vượt lũ bằng ý chí và niềm tin, bằng sự chủ động thích ứng. Miền Trung gan góc đã và đang cho cả nước thấy điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trụ vững để đứng dậy bước tiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO