Trục lợi đất di tích: Cần xử lý nghiêm

Phạm Sỹ (thực hiện) 12/06/2022 13:30

Báo Đại Đoàn Kết có bài “Trục lợi đất di tích” (ngày 7/6), phản ánh về việc Trung tâm đào tạo Lạc Hồng chiếm dụng hàng nghìn m2 đất thuộc di tích đền Sóc trên địa bàn phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Liên quan đến vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải xử lý nghiêm, tránh để tạo ra tiền lệ xấu.

Hàng nghìn m2 đất di tích đền Sóc bị hô biến để trục lợi.

PV: Từ góc độ pháp lý, luật sư nhận định gì về vụ việc đang diễn ra tại di tích cấp quốc gia Đền Sóc, thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)?

Luật sư Hoàng Tùng: Cùng với một lịch sử lâu đời và nhiều thăng trầm, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Theo quy định tại khoản 3, Điều 29, Luật Di sản văn hóa, di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia. Cá nhân và tổ chức nói chung, không phải chủ sở hữu di sản văn hóa hoặc không trực tiếp quản lý di sản văn hóa, thì có quyền và nghĩa vụ trong việc tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc Trung tâm đào tạo Lạc Hồng lấn chiếm hàng nghìn m2 đất thuộc khuôn viên di tích quốc gia là trái quy định pháp luật. Về nguyên tắc sử dụng đất, Điều 6 Luật Đất đai 2013 đã có quy định về việc sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích. Cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai có thể bị thu hồi đất. Tuy nhiên Trung tâm này lại ngang nhiên lấn chiếm đất thuộc khuôn viên di tích quốc gia từ những năm 2000 tới nay, phớt lờ những cuộc hòa giải, vận động của cơ quan nhà nước.

Song, nguyên do của việc lấn chiếm đất này có thể bắt nguồn từ biên bản cho mượn sân bãi của đại diện Ban Quản lý di tích đền Sóc. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng đã chứng minh được với phía Trung tâm về tính pháp lý và hiệu lực của biên bản cho mượn sân bãi trên và yêu cầu di dời toàn bộ tài sản, trả lại nguyên vẹn diện tích đất thuộc khu di tích nhưng không nhận được sự phối hợp. Có thể thấy, đây là một sự việc vi phạm quy định pháp luật hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật của đơn vị này.

Luật sư Hoàng Tùng.

Như vậy, việc Trung tâm đào tạo Lạc Hồng lấn chiếm hàng nghìn m2 đất di tích làm bãi xe và văn phòng làm việc đã vi phạm quy định nào của pháp luật, thưa luật sư?

- Theo quy định tại khoản 7, Điều 20, Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, hành vi lấn chiếm đất thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, hành vi vi phạm này xảy ra trên địa bàn Hà Nội, áp dụng theo quy định tại khoản 4, Điều 15 Nghị quyết 08/2014/NQ-HĐND, mức phạt tiền cho hành vi lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị phạt tiền từ 60 triệu đồng tới 80 triệu đồng. Ngoài ra còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép, buộc trả lại đất đã bị lấn chiếm tại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Vậy, hành vi cố tình không trả lại đất di tích của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng cần xử lý ra sao?

- Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền thuộc các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai 2013. Theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 16, Luật Đất đai 2013, do “vi phạm pháp luật về đất đai” là một trong những căn cứ để Nhà nước quyết định thu hồi đất, nên nếu Trung tâm đào tạo Lạc Hồng cố tình không di dời trả lại đất của khu di tích khi được Nhà nước vận động, hòa giải và yêu cầu thì có thể Nhà nước sẽ ban hành quyết định thu hồi đất.

Nếu người có đất bị thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi đã được vận động, thuyết phục thì sẽ tiến hành cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế. Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích để bảo đảm việc trông nom di tích, bảo đảm di tích đạt được những mục tiêu cần thiết. Tuy nhiên, qua sự việc của đền Sóc có thể thấy chúng ta vẫn còn những thiếu sót trong cơ chế phối hợp giữa các ngành nên khi kết hợp giữa các quy định pháp luật để thực hiện thì còn thiếu sự chặt chẽ. Qua sự việc này, các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, mạnh tay sử dụng những biện pháp cứng rắn hơn nữa để các di tích được trả lại nguyên trạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trục lợi đất di tích: Cần xử lý nghiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO