Trưng bày chuyên đề Bài ca Kết đoàn

Hoàng Minh 08/01/2021 07:00

Từ ngày 8 đến 28/2/2021, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày chuyên đề “Bài ca Kết đoàn”.

Khách tham quan Trưng bày chuyên đề Bài ca Kết đoàn.

Trưng bày với 2 nội dung “Dấu ấn nơi miền quê” và “Dưới cờ Đảng vẻ vang”. Trong đó, “Dấu ấn nơi miền quê” là câu chuyện kể về những người con ưu tú trong cùng gia đình, dòng họ ở một số miền quê, đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ vùng quê nghèo “bạc vai áo mẹ”, bao chiến sĩ quyết đi theo con đường cách mạng, nguyện hy sinh hạnh phúc riêng tư, kiên cường đấu tranh để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Mặc dù bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác, những người con ưu tú vẫn luôn siết chặt tay nhau, chống lại chế độ giam cầm hà khắc với tinh thần “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”.

Đó là hình ảnh “Đông Mỹ - Vang mãi bài ca Tháng Tám” nơi thành lập Chi bộ Đông Phù (Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội). Sự ra đời của Chi bộ ngày 15/5/1930 đã thúc đẩy và nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng nơi đây thêm sáng chói. Năm 1939 - 1942, nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ đã về Đông Mỹ chỉ đạo phong trào đấu tranh, đặt các cơ quan giao thông, in ấn.

Tham gia hoạt động cách mạng, nhiều người con của Đông Mỹ từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà tù khác như: Đồng chí Đỗ Mười, Nguyễn Thị Tam, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Gia, Phạm Thạch Tâm… Sau khi thoát khỏi những “địa ngục trần gian”, các đồng chí đã tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Hay “Ô Chợ Dừa - Tự hào những đảng viên xuất sắc thời dựng Đảng” là câu chuyện về ngôi nhà số 8, phố Ô Chợ Dừa (nay thuộc khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) từng là nơi sinh sống, là địa điểm liên lạc bí mật của hai anh em đồng chí Mai Lập Đôn và Mai Ngọc Thuyết - những đảng viên xuất sắc thời dựng Đảng. Mặc dù bị địch bắt, tù đày nhưng với nhiệt huyết cách mạng, hai người chiến sĩ kiên trung đã có nhiều đóng góp trong quá trình dựng Đảng từ những năm tháng đầu tiên…

“Nam Vân - Quê hương của những nhà chiến lược tài ba” - là hình ảnh về xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định - quê hương của nhiều người con ưu tú trong đó có ba anh em đồng chí Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải), Thượng tướng Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh), Đại tướng Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống). Trong quá trình hoạt động cách mạng, các đồng chí từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và nhiều nhà tù khác. Những năm tháng bị sa vào tay giặc cũng là thời gian để các đồng chí càng mài sắc ý chí đấu tranh, rèn giũa khí phách của những nhà chiến lược tài ba.

Còn ở phần 2 với chủ đề “Dưới cờ Đảng vẻ vang” là những hình ảnh, tư liệu khái quát lại chặng đường dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua những chặng đường khó khăn sau chiến tranh, để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Bên cạnh đó, tại trong không gian trưng bày “Bài ca Kết đoàn”, khách tham quan cũng sẽ được sống lại không khí buổi dạ hội của nhân dân Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại công viên Bách Thảo 60 năm về trước. Khoảnh khắc Bác đứng trên bục chỉ huy, bắt nhịp “Bài ca kết đoàn” được nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long chụp lại, sau này đã trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.

Cũng tại đây, người xem sẽ được gặp gỡ thân nhân của các nhân chứng lịch sử được giới thiệu trong trưng bày.

Đặc biệt, đại biểu sẽ được lắng nghe câu chuyện tình cao đẹp giữa hai chiến sĩ cách mạng Mai Ngọc Thuyết và Nguyễn Văn Mẫn qua lời kể của người con gái duy nhất là bà Nguyễn Hồng Tuyến - cán bộ tiền khởi nghĩa, năm nay đã bước sang tuổi 90…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưng bày chuyên đề Bài ca Kết đoàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO