Trưng bày hiện vật tái hiện ký ức thời bao cấp

Tây Bắc 03/11/2021 19:00

Góc hoài niệm bao cấp - một thời để nhớ với những kỷ niệm tuyệt đẹp và cả nỗi niềm thoáng buồn về năm tháng khó khăn của cả nước. Bảo tàng Yên Bái vừa mới trưng bày những đồ dùng, bằng chứng vật chất đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Nhiều người vô cùng thích thú, có người đã dường như muốn khóc trước không gian chuyên đề của Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Gian phòng lớn trưng bày những kỷ vật một thời bao cấp của đất nước như một góc hoài niệm về quá khứ gian khó - cũng là nét gạch nối giữa quá khứ và hiện tại với miên man ký ức dội về.

Mọi người đều được hoài niệm về nỗi nhớ về một thời đã qua, như tìm lại được tuổi thơ, tìm lại được mái ấm gia đình năm tháng cũ, tìm lại được những gì mà nhịp sống sôi động, hiện đại đã khiến chúng ta lãng quên.

Căn phòng nhà ngoài (phòng khách) với lối trang trí đậm nét đặc trưng của các gia đình. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trang trọng trên cao, phía dưới là ảnh chân dung Bác Hồ.

Trên chiếc tủ búp phê gỗ là chiếc ti vi đen trắng 14 inch, đài VEF 206, đồng hồ báo thức, đèn măng sông... Những vật dụng vô cùng cần thiết hàng ngày cùng nhu cầu nghe nhìn, nắm bắt thông tin. Cả xóm từng kéo đến xem đến khuya mỗi tối cho tới khi tivi chỉ còn… hình muỗi loá lên.

Trên tường là khung ảnh treo những bức ảnh đen trắng của những người thân, để hàng ngày nhìn thấy. Những người ở xa về hay khách lâu chưa đến đều dừng mắt trước khung ảnh trầm tư tìm về kỷ niệm.

Chiếc xe đạp có biển số đăng ký là phương tiện di chuyển của đại bộ phận người dân được dựng ở góc phòng khách luôn được lau chùi sạch sẽ. Trẻ nhỏ tò mò sẽ kéo chuông kính coong nghe réo rắt vui tai.

Góc bên là chiếc máy khâu, thể hiện trong gia đình có bàn tay khéo léo của người phụ nữ, họ tự may vá quần áo cho các thành viên và đôi khi cũng giúp đỡ hàng xóm.

Không gian bếp với củi lửa rực hồng, nổ tanh tách là nơi cả gia đình quây quần bên các bữa ăn hàng ngày. Chiếc chạn gỗ, con dao, cái thớt, lọ muối, vại cà, nồi, xoong, bát, đĩa...

Những vật dụng thiết yếu của thời đó nhưng giờ đây rất nhiều đồ vật hình như đã vắng bóng trong những căn bếp hiện đại.

Gác bếp là nơi sấy củi, bảo quản thực phẩm khô, treo túm hành, tỏi, chùm bồ kết...

Không gian nghỉ ngơi của gia đình là buồng ngủ được bài trí khép kín. Chiếc giường rẻ quạt, chiếu cói, chăn chiên, gối do tự tay chủ nhà may và thêu.

Chiếc quạt con ve ngoắc trên thành giường chạy rì rì với làn gió mát đưa trẻ vào giấc ngủ với lời ru à ơi dịu ngọt.

Ngoài cửa buồng là chiếc ri đô vải hoa nền nã vừa là điểm nhấn trang trí, vừa để che kín góc riêng tư.

Một góc học tập nho nhỏ, xinh xinh với bàn ghế gỗ mộc mạc, giản dị. Thời khóa biểu, 5 điều Bác Hồ dạy gắn trên tường. Chiếc túi xách vuông vắn, khăn quàng đỏ treo trên giá sách, chồng sách vở, ống bút, truyện thiếu nhi sắp xếp gọn gàng...

Tất cả gợi nhớ về một thời ấu thơ cắp sách đến trường.

Và chiếc đàn ghita ngày ấy khi trai làng bập bung giữa làng mà khiến bao cô gái say mê…

Ngoài không gian gia đình, phòng trưng bày còn tái hiện lại một không gian hồi tưởng về một thời bừng bừng khí thế yêu nước với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, những bức tranh cổ động về tinh thần lao động, sản xuất dưới mưa bom, bão đạn nhưng vẫn vững tay súng, chắc tay búa, tay cày.

Mô phỏng, tái hiện một quầy mậu dịch quốc doanh khiến người xem hoài niệm về một thời xếp hàng mua bán. Sau nụ cười trìu mến của cô mậu dịch viên với phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” là các mặt hàng nhu yếu phẩm như đèn dầu, pin đèn, đầu thắp, diêm, muối, vải, sách bút, phụ tùng xe đạp, nông cụ...

Không gian mở trưng bày những mẫu tiền của Việt Nam ngoài giá trị tự thân còn là một vật chứng tin cậy, minh chứng sinh động, phản ánh trung thực, tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời kỳ lịch sử đấu tranh, thống nhất và công cuộc kiến thiết, dựng xây đất nước.

Một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua”... để tự hào, biết ơn và trân trọng quá khứ.

Miền ký ức nhắc nhở người trẻ hôm nay hãy coi đó là điểm tựa, là sự so sánh giữa quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai.

Tham quan, suy ngẫm và hồi tưởng, cho suy tư và hoài niệm lắng đọng sâu sắc về một thời để nhớ, để tâm hồn thư thái hơn, sống chậm hơn và tin yêu cuộc sống hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưng bày hiện vật tái hiện ký ức thời bao cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO