Trung Đông - một tuần căng thẳng

Khánh Duy 21/07/2019 07:00

Chính quyền Iran vào chiều tối hôm thứ Sáu đã tuyên bố bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh, thuộc sở hữu của Thụy Điển mà họ cáo buộc là có hoạt động phi pháp. Vụ bắt giữ xuất hiện chỉ vài giờ sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo tung chứng cứ chứng minh rằng Mỹ không hề bắn hạ máy bay không người lái của họ.

Trung Đông - một tuần căng thẳng

Tàu Stena Impero mang cờ Anh thuộc sở hữu của Thụy Điển bị Iran bắt giữ. Ảnh: Guardian.

Iran bắt giữ tàu Anh

Trong một tuyên bố, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) cho hay “một tàu vận tải Anh có tên “Stena Impero” đã bị bắt giữ bởi một đơn vị tàu cỡ nhỏ trong lúc đang băng qua eo biển Hormuz do vi phạm luật pháp và các quy định của Tổ chức Cảng và Hàng hải của tỉnh Hormozgan”. Con tàu này đã “được hướng dẫn cập bến” để chuẩn bị cho “các quy trình pháp lý” và cuộc “kiểm tra cần thiết”.

Thông tin xuất hiện chỉ chưa đầy một tuần lễ sau khi Iran bắt giữ một tàu nhỏ của UAE treo cờ Panama, tên MT Riah, vì nghi vận chuyển dầu lậu trong khu vực và chỉ vài tuần sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran và cáo buộc tàu này vận chuyển dầu tới Syria. Giới chức Iran từng tuyên bố sẽ trả đũa vụ bắt giữ mà cả lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đều mô tả là “ăn cướp”.

Sau khi có thông tin về Iran bắt giữ tàu Anh, một số báo cáo còn chỉ ra rằng IRGC có thể còn bắt giữ thêm một con tàu thứ hai thuộc sở hữu của Anh, mang cờ Liberia là tàu Mesdar. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trước báo giới rằng ông sẽ làm việc với phía Anh về vấn đề này. “Điều này đã chứng minh cho điều mà tôi thường nói về Iran, rắc rối, không gì ngoài rắc rối, - ông Trump nói. - Hãy xem điều gì sắp xảy ra, đó không phải các tàu của Mỹ, chúng là của Anh, có thể là 1 hoặc 2 chiếc”.

Một trong số hai con tàu bị bắt giữ, Mesdar, sau đó đã được phía Iran trả tự do và hiện nay không còn lưu lại vùng biển của Iran. “Tất cả thủy thủ đoàn đều an toàn và khỏe mạnh, - bên quản lý của Mesdar, công ty Norbulk, Anh, nói trong một tuyên bố xác nhận rằng con tàu đã được trả tự do. - Thông tin liên lạc đã được nối lại, con tàu được tự do tiếp tục hành trình của mình”.

Trong khi đó, theo một tuyên bố mà chủ sở hữu con tàu, công ty Stena Bulk và Northen Marine Management đưa ra, thì tàu Stena Impero hiện không còn được kiểm soát bởi thủy thủ đoàn và vẫn chưa thể liên lạc được. “Hiện chưa có báo cáo về thương vong, sự an toàn và sức khỏe của thủy thủ đoàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - tuyên bố còn thêm rằng - “23 người trên tàu là công dân Ấn Độ, Nga, Latvia và Philippines”.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã đưa ra cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” nếu như Iran không nhanh chóng trả tự do cho tàu chở dầu mang cờ Anh, tuy nhiên giảm nhẹ khả năng nước này sẽ vận tới hành động quân sự và cho rằng Anh đang tìm biện pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. “Tôi đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về tình hình hiện nay. Tôi cũng cố gắng nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Zarif, nhưng tôi hiểu rằng ông ta đang trên máy bay, nên tôi sẽ nói chuyện với ông ta sớm nhất có thể” - ông Hunt nói - “Đây là việc không thể chấp nhận. Tự do hàng hải cần phải được duy trì. Nếu tình hình không được giải quyết nhanh chóng, sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi không nhìn vào các lựa chọn quân sự mà nhìn vào biện pháp ngoại giao”.

Mỹ tuyên bố bắn hạ máy bay Iran

Mỹ từng cáo buộc Iran âm mưu bắt một tàu chở dầu của Anh hồi đầu tháng này, khi các tàu của IRGC cố gắng tiếp cận tàu Heritage, nhưng sau đó bị tàu hộ tống đi cùng là HMS Montrose xua đuổi. Iran đã lên tiếng bác bỏ vụ việc này, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Mỹ và Anh cho rằng họ đứng đằng sau loạt vụ tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở vịnh Oman.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã tăng nhiệt đáng kể, từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, áp đặt trở lại các đòn trừng phạt hà khắc nhằm vào nền kinh tế Iran. Các bên ký kết còn lại gồm Anh, EU, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga vẫn đang ủng hộ thỏa thuận này. Ngoài việc rút khỏi thỏa thuận, Mỹ còn đe dọa các nước khác, kể cả đồng minh của mình, bằng các đòn trừng phạt, khiến cho các nước châu Âu chật vật trong tiến trình bình thường hóa quan hệ thương mại với Iran như họ đã từng cam kết.

Hậu quả là Tehran mới đây đã nối lại hoạt động làm giàu uranium ở mức độ cao hơn, tăng trữ lượng uranium làm giàu ở mức thấp; vi phạm một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân. Iran đã tổ chức một số vòng đàm phán thành công với các bên ký kết còn lại của thỏa thuận hạt nhân, tuy nhiên kêu gọi Mỹ gỡ bỏ các đòn cấm vận để dọn đường cho biện pháp ngoại giao.

Về phần mình, Mỹ kêu gọi Iran ngừng viện trợ cho các nhóm vũ trang trong khu vực và ngừng chương trình phát triển tên lửa đạn đạo - chương trình mà Tehran nói là “đóng vai trò sống còn đối với họ bởi nó giúp họ chống lại các bên thù địch trong khu vực như Israel và Arab Saudi”. Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự trên vịnh Ba Tư, triển khai thêm bộ binh, vũ khí trên biển, mặt đất và trên không.

Tình hình căng thẳng Mỹ - Iran đã lên tới điểm xung đột hồi tháng trước, khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ cho rằng đã vi phạm không phận của Iran. Lầu Năm Góc tuyên bố rằng máy bay không người lái này hoạt động trên không phận quốc tế, sau đó Tổng thống Trump ra lệnh tấn công Iran nhưng may mắn là đã hủy vào phút chót. Chỉ chưa đầy một tháng sau, tức trong tuần này, ông Trump tuyên bố rằng một tàu tấn công lưỡng cư lớp Wasp của họ là USS Boxer “đã có hành động tự vệ trước một máy bay không người lái của Iran đang bay rất sát, chỉ khoảng 900 m, bất chấp nhiều lời cảnh báo liên tiếp”. Ông nói rằng máy bay không người lái này đã bị tiêu diệt lập tức. “Đây là một trong số các hành động thù địch và khiêu khích mới nhất của Iran nhằm vào các tàu đang hoạt động trên vùng biển quốc tế mà Mỹ có quyền bảo vệ nhân sự, các cơ sở và lợi ích của mình. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước lên án âm mưu chống lại sự tự do hàng hải và thương mại toàn cầu của Iran” - ông Trump nói - “Tôi cũng kêu gọi tất cả các nước bảo vệ tàu của họ khi chúng đi qua eo biển (Hormuz) và hợp tác với chúng tôi trong tương lai”.

Thông tin về máy bay Iran bị bắn hạ xuất hiện cùng ngày mà Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif dường như đưa ra một đề xuất giảm thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng với Mỹ, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái và áp lệnh trừng phạt với Tehran. Dù Tehran vẫn khước từ đàm phán với Mỹ cho đến khi các lệnh trừng phạt nhằm vào họ được gỡ bỏ, nhưng ông Zarif cho rằng đất nước ông sẵn sàng phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trước hạn, tiếp tục cho phép thanh sát chương trình hạt nhân của họ. “Nếu ông Trump muốn thêm nữa, chúng tôi có thể phê chuẩn Nghị định thư bổ sung và ông ta có thể gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà ông ấy áp đặt” - ông Zarif nói - “Ông ấy từng nói sẽ trình mọi biện pháp lên Quốc hội - vậy thì tốt thôi. Gỡ bỏ lệnh trừng phạt và các bạn sẽ có Nghị định thư bổ sung trước năm 2023”.

* Hãng thông tấn Fars của Iran cho hay, tàu Stena Impero bị bắt giữ trong lúc đang di chuyển từ cảng Fujairah của UAE tới cảng Al-Jubail của Arab Saudi. Tuyên bố của IRGC nói rằng: Con tàu này đi vào eo biển Hormuz từ điểm phía Nam, “trong khi quy trình đúng là mọi tàu đi vào khu vực này phải từ điểm phía Bắc”. Tàu Stena Impero sau đó được hộ tống tới vùng biển thuộc tỉnh Hormozgan của Iran để điều tra và xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Đông - một tuần căng thẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO