Trung Quốc và tương lai cùng những 'thành phố bọt biển'

Mai Nguyễn (Theo DW) 15/04/2022 10:38

Trong thập kỷ tới, Trung Quốc đang mở rộng kế hoạch cho các 'thành phố bọt biển', có thể giúp ngăn chặn lũ lụt, thúc đẩy đa dạng sinh học và cắt giảm lượng khí thải.

Đối mặt với tình trạng lũ lụt đô thị ngày càng nghiêm trọng, các thành phố ở Trung Quốc đang hiện thực hóa một sáng kiến được gọi là ‘thành phố bọt biển’. Ý tưởng về một ‘thành phố bọt biển’ rất đơn giản - thay vì sử dụng bê tông để dẫn nước mưa, con người sẽ sử dụng thiên nhiên để hấp thụ, làm sạch và tái sử dụng nước.

Các thành phố ở Trung Quốc đang hiện thực hóa một sáng kiến được gọi là ‘thành phố bọt biển’. Ảnh: DW.
Các thành phố ở Trung Quốc đang hiện thực hóa một sáng kiến được gọi là ‘thành phố bọt biển’. Ảnh: DW.

Thay vì dựa vào ‘cơ sở hạ tầng xám’ của đê điều, đường ống, đập và kênh, các ‘thành phố bọt biển’ sẽ cho phép những khu vực đô thị hấp thụ nước trong thời điểm lượng mưa dâng cao do mưa lớn kéo dài, đồng thời giải phóng lượng nước khi các thành phố bước vào khoảng thời gian hạn hán.

Sáng kiến này có thể được sử dụng ở tất cả các thành phố trên thế giới để chống lại lũ lụt , hấp thụ carbon dioxide, tăng cường đời sống động thực vật và mở rộng không gian xanh.

Ông Kongjian Yu, Trưởng khoa Kiến trúc của Đại học Bắc Kinh, là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu các ‘thành phố bọt biển’ và đã dành hơn 20 năm cuộc đời để vận động cho việc áp dụng chúng ở Trung Quốc.

Theo ông, cách tiếp cận hiện tại là xây dựng các hàng rào bê tông khổng lồ để che phủ tất cả các bề mặt thấm nước chắc chắn sẽ thất bại. Thay vào đó, các thành phố nên áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để chống ngập.

Một nhân viên kiểm tra khả năng thấm nước của bề mặt đường tại một trường tiểu học ở thành phố Càn An, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh: DW.
Một nhân viên kiểm tra khả năng thấm nước của bề mặt đường tại một trường tiểu học ở thành phố Càn An, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh: DW.

Một giải pháp thích ứng

Sáng kiến về ‘thành phố bọt biển’ đã trở thành tâm điểm chú ý khi trận lũ lụt tràn qua Bắc Kinh vào năm 2012, làm tê liệt thành phố và giết chết vô số người dân. Lũ lụt ở Trung Quốc cũng như ở các nước đang phát triển khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Bangladesh, được cho là nguyên nhân dẫn đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng và phá hủy các vùng đất ngập nước, vốn là những bọt biển tự nhiên sẽ hút và giải phóng nước một cách chậm rãi.

Tầm nhìn của Yu là một thành phố không có các cơ sở hạ tầng xám, với các vùng đất ngập nước, khu vực cây xanh, bề mặt thấm nước, thảm thực vật rộng rãi cùng những con lạch quanh co.

Năm 2013, ý tưởng của Yu đã được Chính phủ Trung Quốc thông qua và kế hoạch đã được triển khai tới 30 thành phố. Sau khi thử nghiệm thành công, các thành phố hiện có nghĩa vụ xây dựng ‘thành phố bọt biển’, hy vọng sẽ biến 80% khu vực đô thị thành bọt biển vào năm 2030.

Đường phố bị ngập do mưa lớn ở trung tâm thành phố Vũ Hán. Ảnh: DW.
Đường phố bị ngập do mưa lớn ở trung tâm thành phố Vũ Hán. Ảnh: DW.

Các nguyên lý cơ bản

Nguyên lý cơ bản của các ‘thành phố bọt biển là cung cấp cho nước đủ chỗ và thời gian thấm vào vùng đất nơi nó rơi xuống, thay vì dẫn nước đi càng nhanh càng tốt và cô lập trong các đập lớn. Đối với nhà nghiên cứu Yu, việc thay thế các cơ sở hạ tầng bê tông có thể cứu sống được nhiều người.

“Không chỉ ở Trung Quốc, mà cả ở Mỹ , nhiều những con đập bị hỏng đã giết chết người dân vô tội”, ông nói. “Ngay cả khi bạn có một hệ thống đập lớn hơn, một hệ thống ống dày hơn, chắc chắn hơn nhiều, thì nó vẫn sẽ hỏng sau 10 năm hoặc thậm chí một năm. Đó không phải là một giải pháp thích ứng mà là đang chống lại thiên nhiên”.

Các phương tiện bị mắc kẹt sau trận mưa như trút nước ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: DW.
Các phương tiện bị mắc kẹt sau trận mưa như trút nước ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: DW.

Ngăn lũ lụt và chống biến đổi khí hậu

Trưởng khoa Kiến trúc của Đại học Bắc Kinh tuyên bố rằng, nếu 1% diện tích đất được áp dụng cho hệ thống thoát nước, thì hầu hết lũ lụt sẽ chấm dứt. Trong trường hợp xảy ra trận lũ lụt ‘nghìn năm có một’ trong Kinh thánh, 6% diện tích đất được xây dựng hệ thống thoát nước sẽ đủ để ngăn chặn thiệt hại.

Những ‘thành phố bọt biển’ cũng có thể giúp chống lại biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Khi hiện thực biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xảy ra thường xuyên hơn. Điều này thậm chí còn mang đến lượng mưa khó lường hơn cho các thành phố và có nguy cơ áp đảo các hệ thống hiện tại.

Nhưng những người ủng hộ ‘thành phố bọt biển’ tin rằng, đây cũng là một cách tốt để phản ứng với biến đổi khí hậu, một cách tốt để chống lại nó.

Sông Dương Tử vỡ bờ gây ngập lụt ở Trung Quốc. Ảnh: DW.
Sông Dương Tử vỡ bờ gây ngập lụt ở Trung Quốc. Ảnh: DW.

Cơ sở hạ tầng của ‘thành phố bọt biển’ đòi hỏi ít năng lượng hơn nhiều để duy trì khi so sánh với ‘cơ sở hạ tầng xám’, có thể giảm tải áp lực cho các cơ sở xử lý nước, trong khi hiệu ứng giảm nhiệt sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào điều hòa không khí. Việc xây dựng đòi hỏi ít tài nguyên hơn, đặc biệt là ít bê tông hơn, đồng thời các ‘thành phố bọt biển’ sẽ có những không gian xanh rộng lớn hấp thụ carbon dioxide.

Nếu sáng kiến này được áp dụng trên toàn thế giới, những người đề xuất cho rằng điều này có thể tạo ra sự khác biệt thực sự đối với biến đổi khí hậu, làm giảm nguy cơ lũ lụt toàn cầu.

Đa dạng sinh học và giải trí

Những không gian xanh này cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học. Như đã biết, mất đi tính đa dạng sinh học là một trong những mối đe dọa chính mà nhân loại phải đối mặt cùng với biến đổi khí hậu.

Khi các vùng đất ngập nước và rừng phát triển thịnh vượng, các sinh vật và thực vật sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong những cảnh quan như vậy. Và những mảng xanh mở rộng này cũng sẽ mang lại nhiều không gian giải trí hơn cho người dân, theo Faith Chan, phó giáo sư tại Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc.

Những không gian xanh này cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học. Ảnh: BBC.
Những không gian xanh này cũng có lợi ích trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học. Ảnh: BBC.

Giáo sư Chan, người đã nghiên cứu sâu rộng về các ‘thành phố bọt biển’ và giúp hiện thực khái niệm này ở thành phố biển Ninh Ba, cách Thượng Hải 150 km về phía nam, cho biết: “Hầu hết các cộng đồng đều thích có nhiều công viên đô thị hơn để giải trí”.

Một ví dụ về cơ sở hạ tầng bọt biển ở Ninh Ba là việc tạo ra một hành lang sinh thái trên một địa điểm hậu công nghiệp ‘không thể ở được’. Thành phố đã biến con sông được dẫn hóa ở đó thành một con đường nước uốn khúc được bao quanh bởi các loài thực vật bản địa có tác dụng lọc nước.

Một lựa chọn cho các thành phố đang phát triển

Phần lớn phong trào xây dựng ‘thành phố bọt biển’ diễn ra ở các trung tâm đô thị vốn đã rất phát triển. Nhưng những người đề xuất cho rằng có tiềm năng rất lớn để đưa các ý tưởng vào quá trình quy hoạch của các thành phố chưa được thiết lập tốt.

Yu nói: “Ở các nước đang phát triển, họ luôn hướng về London, Paris và Berlin để xây dựng thành phố của họ. Bây giờ thảm kịch xảy ra vì họ đổ công sức vào loại cơ sở hạ tầng xám và hứng chịu thất bại vì biến đổi khí hậu và gió mùa”.

Lũ lụt nghiêm trọng ở Bangladesh. Ảnh: IDSB.
Lũ lụt nghiêm trọng ở Bangladesh. Ảnh: IDSB.

Đối với châu Âu

Khi biến đổi khí hậu làm gián đoạn các mô hình thời tiết, châu Âu đã phải hứng chịu những trận lũ lụt tồi tệ hơn bao giờ hết. Hàng trăm người đã chết ở Đức và Bỉ trong những trận mưa kinh hoàng trong năm 2021.

Giống như Berlin đã phá bỏ bức tường ngăn cách đông và tây ba thập kỷ trước, đã đến lúc các thành phố bắt đầu tháo dỡ cơ sở hạ tầng xám và thay thế bằng khái niệm ‘thành phố bọt biển’.

Một số nước châu Âu đã bắt đầu thích ứng. Kể từ những năm 1990, các vùng trũng thấp của Hà Lan đã phân bổ các khu vực rộng lớn để hấp thụ nước lũ như một phần của dự án ‘Phòng của sông’.

250 khu vực trên khắp Trung Quốc đang nỗ lực tự bảo vệ mình trước nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng. Ảnh: Weforum.
250 khu vực trên khắp Trung Quốc đang nỗ lực tự bảo vệ mình trước nguy cơ lũ lụt ngày càng gia tăng. Ảnh: Weforum.

Chan cho biết các nhà khoa học và hoạch định chính sách của Trung Quốc và châu Âu vẫn đang không ngừng trao đổi thông tin về việc phát triển các giải pháp chống chọi với biến đổi khí hậu dựa vào thiên nhiên, bao gồm cả các ‘thành phố bọt biển’.

“Tôi nghĩ ở châu Âu, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều mưa hơn, họ cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc”, Chan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc và tương lai cùng những 'thành phố bọt biển'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO