Đoàn kết toàn dân tộc không chỉ tạo nên sức mạnh chung, mà còn là sợi chỉ đỏ thiêng liêng thắt chặt mọi con dân Việt Nam không phân biệt thành phần, tôn giáo. Ở đó ai cũng mang trong mình niềm tự hào và trách nhiệm thiêng liêng trong sứ vụ đoàn kết để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Là công dân, là tín đồ Công giáo, tôi ý thức rằng đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ là đường lối chiến lược, là chủ trương xuyên qua mọi thời đại, mà còn là động lực, là nguồn lực làm nên sự trường tồn của đất nước Việt Nam.
Đã là con dân Việt Nam ai cũng đã và đang đóng góp sức mình tham gia vào tiến trình đó, cũng như sự ra đời và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 90 năm qua luôn cụ thể hóa chủ trương đó bằng các hành động cụ thể và đóng vai trò trung tâm của đoàn kết tôn giáo, dân tộc.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ở mỗi một thời kỳ, mỗi một giai đoạn lịch sử tôi nghĩ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ đoàn kết các tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển đất nước, vì cuộc sống của người dân.
MTTQ Việt Nam đã khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, thương dân, lòng trắc ẩn của mỗi người, nhất là tín đồ các tôn giáo trước những thiên tai, địch họa.
MTTQ cũng luôn là nơi mà các cá nhân, tổ chức tôn giáo thông qua đó để góp phần nhỏ bé của mình san sẻ gánh nặng với đất nước, là nơi để triết lý, giáo lý, giá trị đạo đức tôn giáo đối với nhân sinh quan được thể hiện qua tình đồng bào một cách sâu sắc.
Là một người con của đất nước, một tín đồ Công giáo và hơn thế nữa là một Đại hiệp sĩ của Giáo hội, tôi luôn trăn trở, suy tư làm thế nào để góp phần nhỏ bé của mình vì mục tiêu chung của đất nước.
Trước khi được Giáo hoàng phong Tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá tôi đã tham gia công tác Mặt trận ở địa phương, giờ đây với vai trò mới tôi có nhiều cơ hội được Giáo hội tín nhiệm, được đồng đạo yêu mến, được chính quyền địa phương, MTTQ hỗ trợ nên tôi làm được nhiều việc hơn.
Hơn 20 năm qua tôi đã thành lập các nhóm bác ái xã hội và thực hiện nhiều chuyến từ thiện đến những nơi xa xôi hẻo lánh ở Kon Tum, Đắk Lắk, Nghệ An…góp thêm một chút cùng với Mặt trận và các tổ chức tôn giáo, xã hội khác lo cho người nghèo.
Những chuyến thiện nguyện đó không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn làm chuyển biến nhận thức của những người Công giáo nói chung và đồng bào nghèo nói riêng về trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà còn với cộng đồng xã hội.
Chúng tôi không chỉ cho đi mà còn nhận được nhiều sự yêu mến, tin tưởng của đồng bào, đồng đạo và hơn hết chúng tôi thấy được sự tin tưởng của đồng bào đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam.
Chính vì vậy, thông qua các chuyến đi thiện nguyện, các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi chúng tôi luôn động viên bà con thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”,… vận động đồng đạo đoàn kết, nâng cao trách nhiệm vì mục tiêu chung phục vụ giáo hội và xã hội, là nhịp cầu gắn kết tạo nên mối tương quan đạo - đời ngày một hòa hợp.
Để thực hiện mục tiêu đó chúng tôi đã vận động các nguồn lực xã hội tập trung ưu tiên hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ học sinh khó khăn được đi học, vận động mọi người nêu cao trách nhiệm bằng ý thức và hành động cùng cả nước chống đại dịch Covid 19.
Qua những việc làm, những chương trình phối hợp với MTTQ và đặc biệt sự gặp gỡ với các vị lãnh đạo Mặt trận, tôi nhận thấy MTTQ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là người đại diện cho nhân dân, là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã phát huy được tinh thần yêu nước, trách nhiệm của mỗi người dân, phát huy quyền dân chủ của nhân dân một cách thực sự.
Tôi thiết nghĩ là người Việt Nam, là tín đồ tôn giáo ai cũng muốn làm những điều thiện, điều tốt lành vì đồng bào, đồng đạo của mình, vì chung mục đích là đoàn kết dân tộc. Bởi đây là đạo lý, là văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là căn cốt là đường hướng hành đạo tốt đẹp của các tôn giáo, chỉ khác là mỗi người, mỗi tổ chức có điều kiện và cách làm khác nhau.
Năm 2019, sau buổi gặp mặt biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc diễn ra tại Đà Nẵng, tôi luôn trăn trở về câu nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam chúng ta có nhiều tôn giáo nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một, chúng ta quyết đoàn kết để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.
Tôi nghĩ rằng câu nói của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức sâu sắc, vừa thể hiện chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân nhưng cũng là sự kỳ vọng về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Câu nói của Thủ tướng còn một ý nghĩ sâu xa hơn đó là dù chúng ta theo một hay nhiều tôn giáo, niềm tin của chúng ta đặt để ở một đấng linh thiêng nào đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là dân tộc Việt Nam, nơi cho chúng ta làm người và làm tín đồ tôn giáo.
MTTQ Việt Nam là nơi để chúng ta bày tỏ lòng yêu mến sự sẻ chia với những đồng bào, đồng đạo còn kém may mắn.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đất nước ngày càng bước sâu vào con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, tham gia mạnh mẽ vào các diễn đàn đa phương và song phương, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách, những tác động tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập mang lại; thiên tai, dịch bệnh triền miên, đồng bào miền Trung căng mình chống lũ.
Nhiều nơi, đời sống người dân vẫn còn nghèo, khoảng cách giàu nghèo chưa được thu hẹp, bất ổn xã hội vẫn còn, thì vai trò của MTTQ trong giai đoạn hiện nay càng quan trọng và thiết thực.
Đất nước chỉ có thể vượt qua khó khăn, thử thách và phát triển, hội nhập bằng chính sức mạnh nội tại của mình.
Lịch sử đã chứng minh, không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của nhân dân, không có nguồn lực nào to lớn, bền vững bằng nguồn lực từ nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc rất cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm để đoàn kết toàn dân tộc, để thu hút người dân làm nên sức mạnh nội tại của Việt Nam. Có như vậy, Việt Nam mới tự tin, đủ sức để đưa đất nước phát triển, hội nhập một cách mạnh mẽ và bền vững.
Giáo dân J.B Lê Đức Thịnh và vợ là bà Anna Nguyễn Thị Kim Yến được Đức Giáo hoàng Benedict 16 ban Tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá và Hiệp sĩ Đại thánh giá Phu nhân vào ngày 12 tháng 6 năm 2007. Hiện nay trên thế giới có 13 Hiệp sĩ Đại thánh giá thì ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Đức Giáo hoàng phong tước phẩm này.
Danh hiệu Hiệp sĩ có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Trong đó Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao. Cụ thể, phẩm hàm Thánh Gregorio Cả và phẩm hàm Thánh Sylvester bao gồm các cấp từ thấp đến cao là Hiệp sĩ, Tư lệnh, Tư lệnh gắn sao và Hiệp sĩ Đại Thánh giá.
Các Hiệp sĩ đóng góp tài lực vào những chương trình ích lợi của cộng đoàn địa phương và trung ương, thuộc lĩnh vực Giáo hội cũng như xã hội. Tùy theo khả năng và hoàn cảnh cho phép, họ dấn thân vào các hoạt động xã hội như những người tín hữu Công giáo sống đẹp đời đẹp đạo, đem sứ điệp Tin Mừng vào nhiều hoàn cảnh cụ thể bằng hành động hơn là lời nói, hơn những điều trừu tượng.