Trung tâm khảo thí độc lập: Chuyên nghiệp hóa tuyển sinh

Xuân Hương 09/01/2021 08:06

Tại Hội nghị trực tuyến về giáo dục ĐH 2020 vừa qua, đại diện các trường đã kiến nghị: Để phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, cần tiến tới thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập tổ chức kỳ thi, các trường có thể sử dụng kết quả này xét tuyển.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nhu cầu cần thiết

PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương ủng hộ việc giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH như năm 2020. Theo đó, mùa tuyển sinh 2021 các trường tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào công tác xét tuyển kết hợp với các phương thức xét tuyển khác. Bà Thủy cũng mong muốn Bộ GDĐT phát huy vai trò chỉ đạo chung, đặc biệt là đăng ký xét tuyển qua hệ thống quốc gia, tiếp tục tổ chức lọc ảo chung.

Cùng với đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương kiến nghị trong tương lai, cần có phương án thành lập các Trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá, các trường có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Tuy nhiên, trước mắt cần chuẩn bị hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động để các trung tâm này vận hành tốt sau khi thành lập. Bên cạnh đó, trường đại học và thí sinh cũng cần chuẩn bị tâm thế để thích ứng.

Đồng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, để thành lập Trung tâm Khảo thí độc lập, việc đầu tiên là cần hoàn thiện các văn bản pháp quy, trong đó có cách thức để tổ chức thi trên máy.

Các trung tâm khảo thí độc lập có thể tổ chức thi thành nhiều đợt trong năm nhưng cần cân bằng giữa các lần thi và bảo đảm độ tương thích. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống phần mềm, tính khách quan trung thực, an toàn và có tính bảo mật cao. ĐH Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ và có ý kiến tư vấn với Bộ GDĐT để đưa giải pháp phù hợp nhất.

Đã có tiền đề tốt

Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh, vài năm trở lại đây việc một số trường tổ chức thi đánh giá năng lực đã góp phần làm tiền đề cho việc hình thành trung tâm khảo thí độc lập.Với chủ trương của Bộ GDĐT là chuyển dịch tự chủ trong tuyển sinh thì bản thân các trường ĐH phải tìm các phương án thay thế. Thành lập một trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi và tách bạch trong tuyển sinh có lẽ là một xu hướng cần thiết.

TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM chia sẻ: Kỳ thi “3 chung” trong giai đoạn 2002-2014 và kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến hiện tại, mặc dù có ưu điểm giúp giảm nhẹ gánh nặng thi cử cho học sinh nhờ việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành kỳ thi duy nhất, nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn lộ những hạn chế khi tập trung chủ yếu vào đánh giá khả năng hiểu và vận dụng kiến thức phổ thông của học sinh. Như vậy khả năng phân loại thí sinh và khả năng đánh giá những năng lực cần thiết để học ĐH, CĐ của thí sinh chưa thể hiện được hết.

Nhận ra những điều này nên đầu năm 2016, ĐHQG TPHCM quyết định thực hiện đề án “Xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG TP HCM”. Hiện trường đang từng bước xây dựng một trung tâm khảo thí độc lập, chuyên trách thực hiện công tác đánh giá năng lực.

Ông Chính cũng cho rằng, nếu Trung tâm này hoạt động tốt sẽ xây dựng phương thức đánh giá chuyên nghiệp, bao gồm công cụ đánh giá (bài thi) và quy trình đánh giá (cách tổ chức thi). Khi đó, trung tâm sẽ phối hợp với đơn vị ở các địa phương để thường xuyên và định kỳ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Các trường ĐH, CĐ sẽ dùng kết quả thi của thí sinh như điều kiện tuyển sinh. Đây chính là phương thức tuyển sinh được sử dụng ở khá nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

TS Phạm Thị Ly, Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá GDĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng: Các trung tâm khảo thí độc lập sẽ giảm nhẹ gánh nặng của các bên, trong đó có các trường. Nhưng các trung tâm này sẽ “độc lập” và chính trực tới mức nào, thì các trường cũng có vai trò nhất định, bởi các trường chính là nơi sử dụng kết quả của họ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập, Bộ đã giao Cục Quản lý chất lượng xây dựng quy chế, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin, các yêu cầu chuẩn mực về đề thi…, nhằm tổ chức thi, bài thi được chuẩn hóa, trên tinh thần công bằng, khách quan và chất lượng để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả.

Dẫu thế, việc thành lập phải có lộ trình, phù hợp với thực tiễn khách quan. Sau khi thành lập, các trung tâm này sẽ tổ chức các kỳ thi nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học. Khuyến khích các trung tâm tổ chức thi trên máy tính, tạo thuận lợi cho thí sinh để các em đi thi không phải di chuyển và có thể thi thành nhiều đợt trong năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm khảo thí độc lập: Chuyên nghiệp hóa tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO