Trung tâm ngoại ngữ đóng cửa: Người học cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Nguyễn Hoài 01/10/2022 08:45

Dịch Covid-19 khiến nhiều trung tâm ngoại ngữ bị ảnh hưởng, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Việc các trung tâm này bất ngờ đóng cửa dấy lên lo ngại về quyền lợi người học.

Trung tâm ngoại ngữ có trách nhiệm gì với người học?

Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, theo phản ánh từ phía phụ huynh, Trung tâm tiếng Anh Englishnow (Hà Nội) thuộc Công ty CP English Now Global (thành viên Tập đoàn Egroup), dù đã thu tiền học phí nhưng trung tâm ngừng hoạt động ngang giữa khóa học. Nhiều tháng nay, việc học của con cái họ bị đình trệ. Trong khi trước đó, trung tâm này không có thông báo rõ ràng về vấn đề này với phụ huynh và người học.

Không riêng Trung tâm tiếng Anh Englishnow, Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders Buôn Ma Thuột (tầng 3 toà nhà Vincom Plaza, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng bị phụ huynh phản án về việc trung tâm này mở lớp chiêu sinh dạy học, nhận tiền học phí của hàng trăm học sinh rồi âm thầm đóng cửa.

Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận đơn tố cáo của phụ huynh về việc Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders ôm tiền rồi đóng cửa bất ngờ…

Trước đó, hàng loạt cơ sở của Trung tâm Tiếng Anh iSpeaking tại Hà Nội cũng bất ngờ biến mất khiến nhiều phụ huynh, học sinh hoang mang vì đóng hàng chục triệu đồng cho các khóa học.

Lý do đột ngột ngừng hoạt đông mà hầu hết các trung tâm ngoại ngữ đưa ra là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi đóng cửa, các trung tâm ngoại ngữ phải có trách nhiệm gì với người học?

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Tùng Thư, Giám đốc Công ty Luật THPT CTM cho biết, trung tâm ngoại ngữ đã được cấp phép thành lập muốn chấm dứt hoạt động phải thông báo công khai cho học viên và những người liên quan biết, đồng thời tiến hành các thủ tục giải thể tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền kèm theo phương án xử lý khi giải thể: về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; về quyền lợi của học viên; về cơ sở vật chất, tài sản,… của trung tâm.

Về nguyên tắc, trung tâm ngoại ngữ chỉ được chấm dứt hoạt động sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, với người lao động, quyền lợi của học viên đã đăng ký theo học mới được giải thể, chấm dứt hoạt động.

Theo Luật sư Thư, nếu trung tâm chưa được cho phép hoạt động, chưa đáp ứng đủ các điều kiện dạy học nhưng vẫn tổ chức chiêu sinh thu phí thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 127/2021/NĐ-CP, mức xử phạt tùy theo hành vi và mức độ sai phạm, tối đa đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Học viên có yêu cầu bồi hoàn học phí đã nộp

Theo tìm hiểu, mong muốn của phụ huynh có con học tại những trung tâm đột ngột đóng cửa là được bồi hoàn học phí đã nộp.

Anh Hoàng Văn Long có con là Hoàng Văn Gia Bảo – học sinh của Trung tâm tiếng Anh Englishnow cho biết, sau nhiều lần làm việc, đôi co với nhân viên, đại diện trung tâm, hiện anh đã nhận được giấy hẹn hoàn trả tiền học phí là hơn 7 triệu đồng. Tuy nhiên anh Long cho biết, anh hi vọng sớm nhận được khoản phí này chứ không phải là lời hứa hẹn.

Luật sư Nguyễn Tùng Thư, Giám đốc Công ty Luật THPT CTM.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tùng Thư khuyến cáo phụ huynh, người học, trong trường hợp trung tâm ngoại ngữ đột ngột đóng cửa mà học viên hoặc phụ huynh học sinh không thể liên lạc được thì phụ huynh học sinh có thể liên hệ với sở giáo dục và đào tạo địa phương - nơi đặt địa điểm trung tâm để kiểm tra, lấy thông tin về tổ chức thành lập trung tâm, giấy phép thành lập, về người điều hành trung tâm để liên lạc yêu cầu giải quyết vụ việc.

Nếu trung tâm đã được cấp giấy phép thành lập, có đủ năng lực giảng dạy ngoại ngữ theo qui định của pháp luật, việc đóng cửa trung tâm là do lỗi của chủ sở hữu trung tâm này thì hai bên có thể thương lượng giải quyết.

Luật sư Thư cho biết, học viên có thể yêu cầu bồi hoàn học phí đã nộp hoặc khởi kiện dân sự tại tòa án để buộc trung tâm hoàn trả học phí do vi phạm nghĩa vụ. Đồng thời báo cáo vụ việc lên sở giáo dục và đào tạo nơi cấp phép thành lập trung tâm để xử lý bằng biện pháp hành chính.

“Trường hợp phát hiện trung tâm ngoại ngữ hoạt động không có giấy phép, không có chức năng hoặc năng lực để giảng dạy ngoại ngữ theo qui định, việc thành lập trung tâm chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của học viên, phụ huynh học sinh có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an nơi đặt địa điểm trung tâm để yêu cầu điều tra, xác minh về hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của các cá nhân là chủ sở hữu hoặc giám đốc trung tâm này”, Luật sư Nguyễn Tùng Thư cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm ngoại ngữ đóng cửa: Người học cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO