Trước khi bấm nút ‘chia sẻ’, hãy kiểm chứng kỹ thông tin!

Lê Việt (thực hiện) 24/08/2021 07:10

Đó là khuyến cáo của bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó trưởng Phòng Thanh tra, pháp chế (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) liên quan đến vấn đề về tin giả, tin xấu đang trở thành vấn nạn xã hội hiện nay.

PV:Trong khi cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19, thì trên mạng xã hội không ít trường hợp đưa thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận, nhiều trường hợp còn là người nổi tiếng. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Anh Thư: Vấn đề tin giả đang trở thành một vấn nạn toàn cầu không riêng gì của một một quốc gia nào, chúng ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo này. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt với thực trạng tin giả liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid -19 như tiêm vaccine có tác dụng phụ, khẩu trang giả, số người qua đời về Covid -19…

Các tin giả về Covid-19 được tạo dựng bằng các hình thức công nghệ thông tin để cắt ghép dưới dạng tin giả (fake news) hoặc tin giả dựng dưới dạng các video, ghép tiếng, ghép hình (deep fake) gây bất ổn tình hình xã hội nhiều nước, gây mất lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ các nước đang ngày đêm nỗ lực dập dịch.

Trong khi các cấp các ngành và nhân dân cùng chung tay quyết tâm đẩy lùi sự lây lan của Covid-19 thì tình trạng tin giả liên quan đến Covid-19 bị phát tán, tràn lan trên mạng cũng đang bị phát triển theo cấp số nhân, một phần do ý thức kém của người tiếp nhận thông tin, trong đó có cả sự vô trách nhiệm của một số người được coi là nổi tiếng, có ảnh hưởng trong xã hội.

Một số người trong số họ đã bị vấp, sa vào bẫy thông tin, tiếp tay cho lan truyền, chia sẻ tin giả gây ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chống dịch bệnh Covid -19, xáo trộn đến đời sống xã hội của nhân dân. Bên cạnh đó, rất nhiều người còn sử dụng các tài khoản chính danh nhưng thông tin cá nhân không đầy đủ, hoặc sử dụng các tài khoản ẩn danh để dễ bề qua mặt các cơ quan chức năng trong vấn đề truy tìm và xử lý.

Công tác kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm hiện nay như thế nào? Cần phải có giải pháp gì đề ngăn chặn tình trạng này, thưa bà?

- Trong gần 8 tháng đầu năm, chỉ tính riêng Trung tâm xử lý tin giả của Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 2835 các trường hợp phản ánh báo tin giả, tin sai sự thật, tổng đài 18008108 đã tiếp nhận gần 4.000 cuộc gọi của người dân hỏi đáp về tin giả; chặn hơn 500 tin, tài khoản lan truyền tin giả, công bố gần 150 tin giả trên trang tingia.gov.vn.

Từ tháng 4/2021 đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát lại, số đối tượng bị các cơ quan chức năng xử phạt gần 150 trường hợp, với số tiền xấp xỉ gần 600 triệu đồng. Có thể khẳng định, những đối tượng này là có thái độ, hành vi coi thường pháp luật vì phát tán, lan truyền có chủ đích. Họ nghĩ khi họ tung tin, lan truyền trên mạng với thông tin cá nhân không đầy đủ, các lực lượng chức năng không thể truy tìm được, nhưng bằng những kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, nắm bắt thông tin cụ thể, các đối tượng này đã bị lôi ra ánh sáng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi của mình.

Về giải pháp, cần có sự phối hợp chặt chẽ, quan tâm coi trọng và đầu tư kỹ thuật công nghệ tiên tiến của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đối với công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội; Cần khuyến khích, quan tâm phát triển mạng xã hội trong nước hoạt động lành mạnh với ý thức cộng đồng cao, tạo nền tảng cho thế hệ tương lai được hưởng thụ hệ quả mạng xã hội không tin xấu độc, có tính giáo dục và lành mạnh...

Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có điều chỉnh mới theo kịp với sự phát triển và tiến bộ của công nghệ thông tin hiện đại hỗ trợ quản lý mạng xã hội trong nước phát triển và nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội…

Theo bà, các quy định xử phạt hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa ? Với việc tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội của người dân, bà có khuyến cáo gì để giảm thiểu nguy cơ tiếp nhận tin độc, tin xấu?

- Nghị định 15/2020/NĐ-CP thay thế nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực internet về cơ bản đã bổ sung thêm nhiều hành vi mới về vi phạm trên môi trường mạng internet, các mức xử phạt. vi phạm hành chính đã tăng gấp 2-3 lần so với mức cũ, đồng thời các biện pháp bị áp dụng bổ sung đã tăng lên từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với cá nhân và các tổ chức mức phạt cao nhất là 70 triệu đồng. Đối với các trường hợp lan truyền thông tin sai sự thật nghiêm trọng có thể bị xem xét xử lý hình sự từ 03 tháng đến 1 năm theo quy định tại Bộ Luật hình sự.

Người dân khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội cần có kiểm chứng từ các trang thông tin điện tử .vn hoặc .gov.vn của cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và các cơ quan báo chí, trước khi bấm nút “like” hay chia sẻ, lan truyền, phát tán các thông tin này để không vi phạm pháp luật.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trước khi bấm nút ‘chia sẻ’, hãy kiểm chứng kỹ thông tin!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO