Trường đại học in pano tuyên truyền không phù hợp: Có thể gây hệ lụy lớn

Nguyễn Hoài 23/12/2022 07:33

Liên tiếp trong những ngày vừa qua, hai trường đại học: Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tôn Đức Thắng đã sử dụng hình ảnh không phù hợp để tuyên truyền, tìm hiểu Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam khiến dư luận bất bình.

Ngày 19/12, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tấm pano với nội dung "Chào mừng 78 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 33 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đặt trong khuôn viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhưng hình nền là quốc kỳ nước ngoài.

Hình ảnh này ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Khi xem hình ảnh này không ít cư dân mạng cho rằng đơn vị làm pano và phông nền đã quá cẩu thả. Đáng chú ý là tấm pano này lại do Khoa Giáo dục Quốc phòng An ninh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội làm.

Pano có hình ảnh phông nền cờ nước ngoài đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Mạng xã hội.

Thông tin về vụ việc này, Bộ GDĐT cho biết, Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông N.V.C. (nhân viên Phòng quản trị B) và ông T.M.H. (Phó Chủ nhiệm Khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh) do: “Tự ý làm pano khi không được sự đồng ý của Ban Giám hiệu và Chủ nhiệm khoa, hình thức của Pano có hình ảnh không phù hợp”.

Bộ GDĐT cũng cho biết, hiện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang khẩn trương báo cáo với UBND TP Hà Nội và Bộ GDĐT về vụ việc này.

Khi vụ việc 2 cán bộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội in pano có hình cờ nước ngoài chưa lắng xuống thì hôm qua 21/12, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cơ sở Bảo Lộc tiếp tục đăng pano tuyên truyền cho cuộc thi trực tuyến cho sinh viên với nội dung tìm hiểu truyền thống Ngày 22-12 – Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng lại in hình lính Mỹ.

Theo Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc, nội dung liên quan nêu trên là do 1 nhóm sinh viên tự phát tổ chức thiết kế ảnh để chào mừng ngày 22-12. Ban giám hiệu nhà trường đã họp và yêu cầu tất cả các thành viên của nhóm sinh viên tham gia và lãnh đạo cơ sở Bảo Lộc báo cáo giải trình về sự việc. Dựa trên các báo cáo này, nhà trường sẽ có hình thức xử lý các cá nhân liên quan. Đồng thời, nhà trường cũng đã cung cấp thông tin và phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng để báo cáo và xử lý.

Pano của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ sở Bảo Lộc. Ảnh: Mạng xã hội.

Theo dõi thông tin liên quan tới 2 sự việc nêu trên, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Đại tá Bùi thuận Hóa, nguyên Trưởng Phòng Dân vận - Cục Dân vận, Tổng Cục chính trị cho hay, nhiều cựu chiến binh như ông rất bất bình, phẫn nộ. Sai phạm này không chỉ do người làm công tác tuyên truyền cẩu thả mà còn do ý thức chính trị kém. Đáng nói là cả hai sai phạm đều xảy ra trong trường đại học.

Với trường hợp của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại tá Bùi Thuận Hóa cho rằng, giải thích của lãnh đạo nhà trường khó chấp nhận được. “Đây là một sự kiện chính trị, nhà trường giao cho một cá nhân làm pano tuyên truyền thì phải kiểm duyệt chặt chẽ chứ không thể nói là: Tự ý làm pano khi không được sự đồng ý của Ban Giám hiệu. Trường đại học để xảy ra sai phạm này rất đáng lo ngại”, Đại tá Bùi Thuận Hóa bức xúc.

Qua 2 sự việc nêu trên, Đại tá Bùi Thuận Hóa nhấn mạnh: “Vào những dịp kỷ niệm, người làm công tác tuyên truyền cần hết sức cẩn trọng từ ngôn ngữ đến hình ảnh tuyên truyền để tránh xảy ra những sai phạm đáng tiếc. Đặc biệt với hình ảnh Quốc kỳ Việt Nam cần hết sức thận trọng”.

Dưới góc nhìn của giáo viên dạy Lịch sử, thầy Trần Trung Hiếu – giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nêu quan điểm, những sai phạm tương tự đã từng xảy ra nhiều năm gần đây và ngày càng nhiều. Điều này là hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, những sai phạm này xảy ra ở các trường đại học, dù có giải thích như thế nào cũng là một điều khó chấp nhận.

Thầy Hiếu thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trên. Đó là hệ lụy của việc xem nhẹ các môn học xã hội nói chung, môn Lịch sử nói riêng trong các trường phổ thông trong nhiều năm gần đây. Thi trắc nghiệm môn Lịch sử đã làm cho học sinh lười học, học và thi theo kiểu đối phó. Học nhưng không hiểu bản chất của nhiều kiến thức lịch sử.

Bên cạnh đó, sự kém cỏi nhiều kiến thức lịch sử rất cơ bản và quan trọng của nhiều sinh viên, cán bộ, nhân viên khi được giao những nhiệm vụ làm các băng rôn, pano, áp phích... Cộng thêm tính ỉ lại theo kiểu "ăn sẵn" ở các cơ sở chuyên in ấn các ấn phẩm văn hóa. Họ không đủ kiến thức và nhận thức lịch sử để yêu cầu làm theo ý của mình và phó mặc hoàn toàn cho các cơ sở in ấn. Hơn nữa là trách nhiệm quản lý của rất nhiều cơ sở giáo dục liên quan đến công đoạn kiểm duyệt.

Để hạn chế tối đa những sai phạm tương tự, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, lãnh đạo các cơ sở giáo dục khi giao việc cho cấp dưới thì phải chọn đúng người, đúng năng lực, sở trường của từng người để nhận biết đúng - sai, trái - phải những kiến thức lịch sử. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên quan như các ngành công an, thông tin truyền thông, văn hóa, giáo dục cần phải có những chế tài mạnh, cần kiên quyết xử lý những vụ việc sai trái bằng nhiều hình thức để cảnh tỉnh, cảnh báo, cảnh cáo, răn đe. Nếu có dấu hiệu hình sự, vi phạm Hiến pháp, Pháp luật, ảnh hưởng đến hệ thống chính trị, an ninh quốc gia thì phải khởi tố, truy tố kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường đại học in pano tuyên truyền không phù hợp: Có thể gây hệ lụy lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO