Trường đại học nâng tầm đại học: Có chạy theo 'mốt'?

Nguyễn Hoài 12/12/2022 16:36

Sau khi Đại học Bách khoa Hà Nội đổi tên, nhiều trường đại học lớn cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình lên đại học với đa ngành đào tạo.

Nhiều trường đại học muốn trở thành đại học

Để thực hiện đề án chuyển Trường Đại học Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ hoạt động theo mô hình đại học quốc gia, trong lễ khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Cần Thơ đã công bố thành lập 4 trường, một khoa, một viện thuộc Trường Đại học Cần Thơ.

Theo đó, bốn trường gồm Trường Bách khoa với 9 khoa đào tạo và một xưởng cơ khí; Trường Công nghệ thông tin và truyền thông với 6 khoa đào tạo; Trường Kinh tế với 9 khoa đào tạo; Trường Nông nghiệp với 7 khoa đào tạo và một trại thực nghiệm nông nghiệp.

Một khoa thành lập mới là Khoa giáo dục thể chất. Một viện thành lập mới là Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm.

Sau khi Đại học Bách khoa Hà Nội đổi tên, nhiều trường đại học lớn cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình lên đại học.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) cũng đã công bố chiến lược tái cấu trúc nhà trường, hướng đến Đại học UEH đa ngành và bền vững.

Lộ trình tái cấu trúc, hướng đến Đại học UEH được hoạch định trong 3 bước. Theo đó, năm 2021, thành lập 3 trường thuộc UEH gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH.

Giai đoạn 2022-2025, trường xây dựng đề án thành lập Đại học UEH, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến thành lập Trường Quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế ISB, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2030 sẽ trở thành Đại học UEH, có danh tiếng học thuật trong khu vực châu Á và hội nhập hoàn toàn thế giới.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân hiện đã có 39 ngành đào tạo cấp IV với 72 chương trình đào tạo, thuộc 15 nhóm ngành, 10 lĩnh vực.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên là: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.

Trong đó, định hướng cơ bản của Trường Khoa học công nghệ là nghiên cứu và đào tạo về chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Tương tự, một số trường như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y Hà Nội cũng đang nghiên cứu kế hoạch phát triển thành đại học với nhiều trường thành viên.

Không có nhiều trường đại học có khả năng thành đại học

Trước khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển đổi mô hình đại học, cả nước có 5 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.

Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học hiện hành và nghị định hướng dẫn luật, sự khác biệt giữa đại học và trường đại học không nhiều. Tuy nhiên, nhiều trường đại học mong muốn chuyển thành đại học để có vị thế cao hơn.

Dù ủng hộ việc trường đại học lớn định hướng lên đại học, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại về tình trạng chuyển đổi mô hình ồ ạt, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, khi các trường chuyển đổi thành đại học đa lĩnh vực, xã hội mong chờ điểm ưu việt của mô hình này như bộ máy tổ chức gọn nhẹ, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học, hoặc các chương trình liên ngành ở các trường trực thuộc khác nhau trong cùng một đại học.

Sau Đại học Bách khoa Hà Nội, chắc chắn sẽ có nhiều trường top đầu nhanh chóng thúc đẩy chuyển đổi mô hình thành đại học đa lĩnh vực. Đây là chính sách đúng, rút ngắn khoảng cách giáo dục Việt Nam với thế giới, đồng thời nâng năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm: "Quan trọng chúng ta kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau chuyển đổi như thế nào, tránh trường hợp chạy theo mốt chuyển đổi, háo danh của các trường”.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học vẫn phổ biến các trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, cần khuyến khích các trường liên kết thành đại học. Việc liên kết sẽ giúp giảm đầu mối, tập trung tìm được đội ngũ lãnh đạo quản lý phù hợp; tránh trường hợp một số trường cùng mục tiêu, sứ mệnh nhưng cạnh tranh với nhau không cần thiết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định, việc liên kết này phải dựa trên sự tự nguyện thay vì cơ học. Và việc liên kết như thế nào, liên kết có thực sự mang lại hiệu quả không cũng phải được Bộ GDĐT thẩm định rất kỹ.

Theo ông Sơn, thời gian tới sẽ không nhiều trường đại học có khả năng và mong muốn trở thành đại học. Từ nay đến năm 2025, có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện. Và Bộ GDĐT sẽ thẩm định rất kỹ càng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường đại học nâng tầm đại học: Có chạy theo 'mốt'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO