Sau Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, nhiều trường ĐH trong cả nước cũng định hướng sẽ xây dựng và chuyển đổi mô hình tổ chức thành ĐH. Câu hỏi đặt ra là ngoài việc thay đổi tên gọi của trường ĐH thành ĐH thì đâu là những khác biệt rõ rệt giữa 2 mô hình này? Người học sẽ được hưởng lợi gì nếu trường nâng cấp lên ĐH?
Mục tiêu phát triển
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội đã nâng số lượng ĐH của cả nước lên thành 6. Nhiều trường khác cũng đang trong lộ trình phát triển thành ĐH.
Từ tháng 6/2021, Hội đồng Trường ĐH Cần Thơ đã ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Tháng 7/2021, Hội đồng trường tiếp tục có nghị quyết phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ. Hội đồng cũng giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình Hội đồng quyết định.
Tháng 5/2021, Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) thông qua đề án tái cấu trúc trường thành ĐH đa ngành. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hình thành ĐH Kinh tế TPHCM đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ, với 3 trường thành viên. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập ĐH Kinh tế TPHCM.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành ĐH tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp, đạt chuẩn kiểm định quốc tế.
Trên thực tế, một số trường ĐH muốn trở thành ĐH hoặc hoạt động theo cơ chế ĐH với lý do có cơ chế tự chủ cao hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu về quy mô đào tạo, trường còn phải đảm bảo nhiều tiêu chí khác.
Hiệu quả đích thực
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục ĐH 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018, trường ĐH là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trường ĐH có thể là một cơ sở giảng dạy ĐH độc lập hoặc là thành viên của một ĐH vùng. Còn ĐH là cơ sở đào tạo nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành. ĐH có thể bao gồm nhiều trường ĐH và một số cơ sở giáo dục ĐH khác. Như vậy, việc Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội trở thành ĐH có sự khác biệt lớn nhất là về phạm vi đào tạo và nghiên cứu, trong đó ĐH mở rộng hơn so với trường ĐH.
Chia sẻ thêm, ông Khuyến cho rằng sự khác biệt của hai mô hình này còn nằm ở quy mô đào tạo khi các trường muốn trở thành ĐH, ngoài việc phải có ít nhất 3 trường cơ sở đào tạo, còn phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người. Dẫu vậy, với quy định về quy mô 15.000 sinh viên chính quy không thể làm khó các trường vì hiện nay có rất nhiều trường ĐH đạt yêu cầu này. “Làm sao để phát huy hiệu quả việc chuyển đổi mô hình đào tạo từ trường ĐH thành ĐH chứ không phải chỉ ở tên gọi là vấn đề đặt ra” - ông Khuyến nhấn mạnh và cho rằng, từ trước đó, việc phân biệt trường ĐH, ĐH, ĐH Quốc gia, ĐH vùng của Việt Nam khá khó hiểu với mô hình giáo dục ĐH của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Từ góc độ nhà trường, phó hiệu trưởng phụ trách công tác tuyển sinh của một trường ĐH ở Hà Nội đặt vấn đề, khi nâng cấp thành ĐH, chắc chắn việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn. Cụ thể, vị này dẫn lại một nghiên cứu thực hiện ở Mỹ, trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2016, có 122 trường cao đẳng - tức gần 25% trong số những trường có tên gọi là college - đã đổi tên là university (ĐH). Đó là chiến lược của cơ sở đào tạo. Nghiên cứu cho thấy những kết quả tốt về nguồn thu và tuyển sinh sau chuyển đổi nhưng cũng cảnh báo những tác động tiêu cực của hiện tượng đó đối với các cơ sở đào tạo cùng loại hình mà không chuyển đổi.
Đây là một thực tế đặt ra với thực tế phát triển giáo dục ĐH của Việt Nam. Tuyển sinh luôn là bài toán đau đầu với tất cả các trường, ngay cả những trường top đầu không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Điều này lý giải vì sao khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển mỗi mùa tuyển sinh phải rất cẩn trọng, tránh xác định vượt quá chỉ tiêu sẽ bị phạt hoặc thiếu hụt lớn phải tuyển bổ sung, chậm tiến độ năm học.
“Khi một trường chuyển đổi, chắc chắn nhiều trường khác cũng có nguyện vọng, kế hoạch chuyển đổi để tuyển sinh dễ dàng hơn còn người học được lợi gì thì… tùy trường” – vị này nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội không phải chỉ thay đổi cái tên, cũng không phải để có một vị thế trong hệ thống. ĐH Bách khoa Hà Nội có quy mô rất lớn. Từng trường trực thuộc đã có quy mô từ 5.000 - 8.000 sinh viên, không kém gì một số trường độc lập khác. Do đó, việc trao cho các trường trách nhiệm, quyền hạn lớn hơn là rất cần thiết. “Quan trọng nhất là bước chuyển này sẽ giúp ĐH Bách khoa Hà Nội có cơ hội đổi mới cấu trúc và hệ thống quản trị bên trong, tăng cường tính phân cấp để thực hiện đúng tinh thần tự chủ và nâng cao hiệu quả trong quản lý, nâng cao vị thế, trách nhiệm của các đơn vị chuyên môn và các trường trực thuộc. Từ đó, tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, phát huy sức mạnh của đội ngũ giảng viên, của các đơn vị chuyên môn” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích.