Trường tồn điệu Xoan

TÙNG DUY 30/04/2023 09:18

Cội nguồn của Xoan là cội nguồn của lễ hội người Việt cổ. Phú Thọ được coi là trung tâm của bộ Văn Lang, là kinh đô xưa, là trung tâm của lễ hội thời Hùng Vương dựng nước. Hát Xoan trải qua một chặng dài lịch sử, nhưng dấu ấn tín ngưỡng cội nguồn dân tộc vẫn không mai một, mà ngược lại, Xoan vẫn còn sức sống trường tồn.

Du khách nước ngoài hòa mình cùng những làn Xoan ở đình cổ Hùng Lô (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Điệu Xoan mê hoặc

Tháng Ba, cửa đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ) có nhóm du khách quốc tế đang mải mê chụp ảnh, trò chuyện và tỏ ý ngưỡng mộ kiến trúc ngôi đình cổ. Theo một tour du lịch tàu thủy từ Quảng Ninh trước đó, ngược sông Hồng rồi bẻ dọc dòng Lô, họ đến thành phố ngã ba sông Việt Trì để xem hát Xoan.

Chỉ ít phút, một sân khấu cửa đình đã bày, bà chủ phường hát và nhóm nữ nghệ nhân trang phục rất đẹp ra chào khách, mời trà. Trống, phách, nhịp nhị nổi lên, và màn Xoan uốn lượn sinh động. Khỏi phải diễn tả cảm xúc ngạc nhiên của những vị khách Tây, mấy chốc họ đã xin cùng hòa vào diễn xướng với các đào, nhảy múa không dứt. “Nhập tịch mời Vua”, “Hát ru - Mời rượu” muôn phách nhịp nảy lên thăng hoa cùng điệu tay, cứ khéo léo huyền diệu theo trống gõ. Chặng “quả quách” lại càng hấp dẫn. Những Xoan nữ nhẹ nhàng bầu rượu trên tay rót từng chén hạt mít. “Ai được chén rượu này trường sinh bất lão”...

Bà Elizabeth Linder, đến từ Mỹ, hào hứng: “Tôi chưa từng được xem làn điệu nghệ thuật nào như thế này. Hát Xoan quá đặc biệt. Cảnh thiên nhiên làng quê Việt Nam bình an, con người vùng đất cội nguồn của các bạn cũng ấn tượng quá”.

Xoan di sản đã xóa đi rất nhanh khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, mà kết giao thân tình, cả những cái ôm ấm áp dành cho các đào kép, nghệ nhân. Khuyến khích lập thêm phường Xoan, đưa Xoan vào trường học, nay thả Xoan đối ngoại, Đất Tổ từng bước nâng di sản lên tầm cao mới, rồi đưa Xoan đến với khách Anh, Mỹ, Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Di sản quý

Cuối năm 2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của tổ chức quốc tế này sau 6 năm Xoan được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhà văn hóa Nguyễn Mai Thoa (quản lý Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ) đã khẳng định hát Xoan chồng xếp nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng và diện mạo nghệ thuật của nhiều thời đại. Từ tiếng hát dân dã thuở sơ khai cho đến những áng thơ trau truốt mượt mà của các nhà Nho, ẩn chứa cả tín ngưỡng thờ tô tem, thờ vật giống, thờ cây lúa nước cổ xưa cho đến tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ vua của các triều đại. Tất cả tạo nên một đặc trưng riêng của Xoan khiến di sản này có sức sống trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

Từ nơi phát tích của Xoan ở miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ), hơn 2.000 năm sinh tồn, Xoan loang ra hàng chục làng xã Đất Tổ, nhất là ở 14 xã thờ Vua Hùng, vợ con và các tướng nhà Hùng, như tại các đình làng: An Thái, Hùng Lô, Phù Đức, Kim Đái, Tử Đà, Tây Cốc, Hoàng Thượng, Y Kỳ, Nông Trang, Cao Mại, Dữu Lâu, Thanh Đình, Cẩm Đội, Tử Du... Dấu ấn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt đầu ngay từ các nhân vật được thờ ở di tích có Xoan. Khi tín ngưỡng thờ thành hoàng xuất hiện, lập tức Xoan hòa nhập với tín ngưỡng thờ Vua Hùng, giữa các vị vua có công khai sáng non sông với các vị thần bảo hộ cho làng chạ. Đó là ý nghĩa nhân văn sâu xa trong tâm hồn người Việt, đến ngày tiệc lễ mời các vị tổ tiên của dân tộc, của làng về nghe hát, cũng là sự trọng thị dành cho Xoan - hát lễ ca cầu chúc cho làng được dân khang vật thịnh.

Nhà văn hóa Nguyễn Mai Thoa còn nêu lên một đặc điểm nữa trong Xoan, là tín ngưỡng thờ Vua Hùng, thờ thành hoàng gắn kết với tín ngưỡng thờ lúa, nguồn sống chính của cư dân nông nghiệp. “Mời vua về nghe hát” là để ban cho làng được thóc lúa đề đa, mùa màng bội thu. Chúc tụng mùa màng cứ xuyên suốt, cài lẫn trong Xoan. Có những làng xã tôn vinh Vua Hùng như thần nông, trở thành ông tổ nghề lúa nước, tưởng nhớ thuở dựng nước xa xưa. “Rước vua về đình chịu tiệc đêm nay, dóng dẩy tràng mai xuống cách này, trầu nhang đã sẵn dâng lên vua đại vương, về thời vâng chạ vâng làng lúa tốt bình an” (trong “Tràng mai cách”). Hay là “Rước đại vương về, đại vương về giáng phúc, chúc cho làng nước, cho thịnh đời đời” (trong “Thơ nhang”).

Khi Xoan giao duyên trữ tình mà gọi là hát hội, vẫn thấy đậm dấu tín ngưỡng, vừa phồn thực cổ xưa, vừa tinh hoa lãng mạn. Ai từng được xem "Cài huê - Mó cá", tiết mục cuối cùng của cuộc diễn xướng sau màn múa lễ nghiêm trang, tiết tấu Xoan trở nên nhanh, khỏe, rộn ràng.

Trai làng, gái thôn lời ca tình tứ, thậm chí có phần ỡm ờ tinh nghịch. Xưa kia, cuộc hát thâu đêm và bài “Mó cá” được biểu diễn vào lúc mờ sáng, khi giao thoa giữa đêm - ngày, âm - dương, khi vũ trụ chuẩn bị đón vầng dương ngày mới. “Âm dương hợp đức” để sinh sôi. Trai gái múa hát trước bàn thờ và làm động tác dặm lưới. Diễn xướng vào thời khắc thiêng, trong không gian thiêng với niềm tin sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mùa màng cho sinh sôi nảy nở của muôn loài. "Cá diếc hay là cá rô, sờ đi mó lại phải cô ả đào, cá diếc hay là cá dưng, sờ đi mó lại phải lưng cô đào...". Kết thúc bài hát là chàng trai phải bắt lấy các cô đào dâng lên thần linh, mà hát: “Cá bé anh phó giả đào, anh bắt cá lớn lên chầu đại vương”.

Hát Xoan trải qua một chặng dài lịch sử, nhưng dấu ấn tín ngưỡng cội nguồn dân tộc vẫn không mai một, mà ngược lại, Xoan vẫn còn sức sống trường tồn. Ấy mới thấy lý do UNESCO cử chuyên gia về Đất Tổ thẩm Xoan kỹ lưỡng để vinh danh.

Trình diễn hát Xoan trong đêm “Tinh hoa di sản” dịp Quốc giỗ Hùng Vương 2023.

Chỉn chu với từng điệu Xoan

Giỗ Tổ Hùng Vương chưa bao giờ thiếu Xoan, cơ hội tuyệt vời nhất cho du khách hành hương và trẩy hội một lần chiêm ngưỡng làn di sản riêng có ở Đất Tổ. Năm nay Xoan còn được trình diễn tại lễ khai mạc “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa Du lịch Đất Tổ năm 2023” tại Quảng trường Hùng Vương, Phú Thọ.

Nhưng nếu về Đất Tổ, du khách ghé miếu Lãi Lèn có thể chứng kiến điệu Xoan ngọt ngào của gần 100 thành viên thuộc 4 phường Xoan cổ (Kim Đái, Thét, Phù Đức, An Thái). Dưới mái đình cổ, giọng hát trong trẻo uốn theo điệu trống lúc nhẹ nhàng, khi trầm ấm, lúc dồn dập. Nét múa mềm mại kết hợp với nhịp nhún chân của các nghệ nhân được thể hiện thuần thục trong từng điệu hát. Xoan ở đây ngàn năm, dân giữ Xoan cũng đã ngàn năm, nhưng hẳn Xoan không dễ hát như làn quan họ hay câu ví dặm, cũng chính vì cái tinh hoa mà chỉ khổ luyện mới làu.

Nghệ nhân Bùi Thị Kiều Nga, bà chủ phường Xoan Thét, tâm sự rằng phường hát phải tranh thủ tập vào buổi tối để đảm bảo tiến độ trình diễn cho dịp Quốc giỗ. Lần này Xoan giao lưu với các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của 13 tỉnh, thành trên cả nước, những nghệ nhân cao niên của các phường Xoan tối nào cũng có mặt để chỉ dẫn cho thành viên từng động tác, câu hát…

“Mỗi phường Xoan có một cách trình diễn riêng, nay phải cùng kết hợp tiết mục nhuần nhuyễn. Các nghệ nhân và thành viên phường Xoan còn sắp xếp, kiểm tra, chuẩn bị trang phục trình diễn là áo nâu dài, váy đen, khăn mỏ quạ… để đảm bảo hình ảnh khi trình diễn các tiết mục hát Xoan chỉn chu nhất”, nghệ nhân Kiều Nga cho hay.

Dăm năm qua, Đất Tổ chính thức cho ra mắt sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với tour du lịch từ miền xuôi, nhất là Hà Nội, Quảng Ninh và cả TPHCM. Các làng Xoan gốc đã đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan. Nhiều công ty lữ hành đã quan tâm xây dựng tour du lịch gắn với chương trình Xoan. Phú Thọ đã đưa hát Xoan trở thành món ăn tinh thần, sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo, riêng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường tồn điệu Xoan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO