Truyền thông chuẩn

Trần Bảo Hưng 02/08/2021 06:30

Trong những ngày qua truyền thông cả nước liên tục hoan nghênh, biểu dương các cá nhân, các doanh nghiệp... đã hết lòng đóng góp phòng, chống Covid-19 của Nhà nước, để có nguồn lực mua vaccine về tiêm chủng miễn phí cho toàn dân. Biểu dương, hoan nghênh là đúng! Nhưng trong một số trường hợp lại khiến người ta nghĩ ngợi. Trong đó có việc một số cụ đã cao niên gom góp số tiền ít ỏi để đóng góp.

Người cao tuổi ở TP HCM được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Nghĩa cử, tấm lòng của các cụ thật đáng quý. Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh nghĩa cử, tấm lòng của các cụ cao niên, các em nhỏ…; ghi nhận nhưng xin hoàn lại để các cụ dưỡng già, để các em mua phương tiện học tập. Như vậy thật đẹp nhiều đường.

Với việc giãn cách xã hội tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam là một việc làm chưa có tiền lệ và đầy khó khăn. Vì vậy việc nhất thời chúng ta chưa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm… cho nhân dân trong những ngày đầu giãn cách cũng là việc dễ hiểu.

Nếu chúng ta biết rằng chợ truyền thống có thể cung cấp từ 1/3 đến 3/4 nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nay đột ngột đóng cửa nhất định sẽ ảnh hưởng đến việc thiếu hàng hóa tiêu dùng. Việc so le giữa cung và cầu, tất yếu sẽ dẫn đến giá cả tăng cao, đây là những điều A.B.C về thương nghiệp.

Để xảy ra điều này (tuy là khó tránh), chúng ta phải rút kinh nghiệm và cũng đừng đổ hết lỗi lên đầu những kẻ “đầu cơ trục lợi”, nếu khan hiếm hàng hóa. Rất may là lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đã lắng nghe dư luận, điều chỉnh nhiều chỉ thị chính sách để sát cuộc sống hơn, gỡ khó cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội.

Những ngày này Hà Nội có chủ trương tiêm vaccine phòng dịch cho đối tượng từ 18 đến 65 tuổi trong đợt 1. Đây là đối tượng đang trực tiếp lao động nuôi sống toàn xã hội, cho nên trong lúc vaccine còn khan hiếm thì ưu tiên tiêm trước cho họ là đúng.

Nhưng “loại” người già và trẻ em ra khỏi danh sách này mà không được tuyên truyền đầy đủ, dễ khiến cho người ta “tâm tư”. Ai cũng biết người già và trẻ em có hệ miễn dịch yếu, dễ mắc bệnh và lây bệnh. Nhưng vaccine dành cho trẻ em chưa được thế giới sản xuất, một số nước mới thí điểm tiêm cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi (cá biệt có nước đã sản xuất vaccine để tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi).

Ở nhiều nước người già và cán bộ y tế là những đối tượng được ưu tiên tiêm đầu tiên (đặc biệt là những người có bệnh mãn tính mà bây giờ người ta thường gọi là bệnh lý nền). Tất nhiên là tiêm cho những người này (những người già và người có bệnh lý nền) là hết sức cần thiết và khó khăn. Vì phải tiêm cho họ ở bệnh viện và có bác sĩ trực tiếp theo dõi để cấp cứu trong những trường hợp khẩn cấp.

Quan niệm người có bệnh lý nền không hoặc chưa nên tiêm là không đúng (mặc dù chưa cá nhân có trách nhiệm nào phát ngôn chính thức), vì hầu như người già nào cũng có bệnh lý nền. Nếu vin vào điều này một cách cứng nhắc thì có nghĩa là người già không nên tiêm (hoặc không được tiêm).

Trong lúc khó khăn này, theo chúng tôi, tiêm ngay cho tất cả người già là không đủ sức, mà phải tiêm theo một tỷ lệ nào đó cho phù hợp. Còn “loại” tất cả người già trên 65 tuổi là không đúng, mà lẽ ra phải coi đây là một trong nhóm đối tượng cần ưu tiên. Chúng tôi cũng rất mừng khi nghe tin Nhà nước đang rất tích cực nhập loại vaccine phù hợp để trong thời gian tới có thể tiêm cho các em từ 12 đến 18 tuổi.

Trở lại chuyện truyền thông phải chuẩn trong những ngày chống dịch, chúng tôi cho rằng khi truyền đạt lại chủ trương của ngành y tế, các cơ quan truyền thông cần giải thích cho rõ, cho thấu tình đạt lý. Và cũng không nên đưa tin một chiều theo quan niệm (có khi chưa chính xác) của ngành y tế như việc chưa tiêm vaccine dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi, như của Hà Nội vừa qua. Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chống dịch và các cơ quan truyền thông cũng cần có trách nhiệm để độc giả hiểu thấu đáo chủ trương đúng đắn của Nhà nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thông chuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO