Truyền thông quốc tế đưa tin về ngày bầu cử ở Việt Nam

Linh Chi  (tổng hợp) 22/05/2016 20:34

Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như Reuters, Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hãng thông tấn AFP của Pháp, hãng thông tấn AP… hôm nay (22/5) đã đồng loạt đưa tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, trong đó đều đánh giá đây là sự kiện chính trị lớn của Việt Nam.

Truyền thông quốc tế đưa tin về ngày bầu cử ở Việt Nam

Cử tri háo hức đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử. (Nguồn: AFP).

Nhiều hãng truyền thông và hãng tin uy tín trên thế giới đều đưa nhiều tin tức và hình ảnh về cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ XIV ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh rằng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao trên 90%.

Hãng tin Mỹ AP hôm nay (22/5) đưa tin, các đường phố ở thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ với những cờ đỏ và băng rôn khẩu hiệu khuyến khích các cử tri lựa chọn những ứng cử viên có tài, có đức đồng thời nhắc nhở các cử tri rằng đi bầu cử là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân.

Quốc hội Việt Nam đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng đối với chính sách của Chính phủ. AP dẫn lời một cử tri 60 tuổi sau khi bỏ lá phiếu vào thùng phiếu nói rằng, ông mong muốn Quốc hội mới sẽ mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Giống như cử tri này, nhiều người dân cũng bày tỏ nguyện vọng được chứng kiến những người đại biểu của dân cần có hành động thực tiễn chứ không chỉ nói, đặc biệt trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Hãng thông tấn AFP của Pháp trong khi đó đăng tải nhiều hình ảnh cử tri Việt Nam đi bỏ phiếu để bầu ra đại biểu cơ quan dân cử. Hãng này cho hay, hơn 69 triệu cử tri trong tổng số dân 84 triệu người của Việt Nam sẽ lựa chọn ra 500 đại biểu từ 857 ứng cử viên, trong đó có 150 ứng cử viên không phải là đảng viên. Ngoài ra còn có 30 người tự ứng cử.

AFP cũng đưa tin nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là một trong những cử tri bỏ những lá phiếu đầu tiên tại địa điểm bầu cử ở quận Ba Đình, Hà Nội.

Truyền thông quốc tế đưa tin về ngày bầu cử ở Việt Nam - 1

Đường phố ngập tràn cờ đỏ và khẩu hiệu khuyến khích cử tri. (Nguồn: Reuters).

Hãng này nói, Quốc hội Việt Nam gần đây đã thay đổi nhiều theo hướng trở thành một diễn đàn thảo luận và đôi khi chất vấn cả những quan chức cao cấp tại các phiên họp được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia.

AFP cho biết các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều tới tình trạng tham nhũng. Các đại biểu cũng thông qua nhiều luật nhằm đưa hệ thống luật pháp của Việt Nam phù hợp với các luật pháp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam - một quốc gia còn thu nhập thấp nhưng nền kinh tế phát triển nhanh - đã gia nhập.

AFP dẫn lời nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói rằng, nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV là đẩy mạnh cải cách với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Theo hãng tin BBC của Anh, khoảng 69 triệu người dân Việt Nam đã đăng ký đi bỏ phiếu để lựa chọn ra 500 đại biểu từ 857 ứng cử viên, trong đó gồm 150 ứng cử viên không phải là đảng viên, 30 người tự ứng cử. Điều này cho thấy tất cả các ứng cử viên đều tham gia quá trình ứng cử một cách bình đẳng.

BBC nói rằng nhận định rằng, Quốc hội mới của Việt Nam sẽ đặt ưu tiên là việc chống tham nhũng. Các đại biểu Quốc hội đã từng chất vấn gay gắt các bộ trưởng trong Chính phủ và đã từng thảo luận rất kỹ lưỡng những dự thảo luật do các ban ngành của Chính phủ dự thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Truyền thông quốc tế đưa tin về ngày bầu cử ở Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO