Tự ái

Trần Hữu Thăng 08/01/2021 20:00

Theo Từ điển tiếng Việt: “Tự ái là do quá nghĩ đến mình mà sinh ra giận dỗi, khó chịu khi cảm thấy bị đánh giá thấp hoặc bị coi thường.

Thí dụ: Mới nói đùa một tí mà đã tự ái. Anh ấy tính hay tự ái ngầm. Chạm vào lòng tự ái”. “Tự cao là tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác. Thí dụ: Tính tự cao tự đại. Tưởng mình giỏi nên sinh ra tự cao”. Cùng nghĩa với tự cao có: kiêu căng, kiêu ngạo, tự kiêu, tự phụ. Trái nghĩa với tự cao là khiêm tốn.

Qua định nghĩa của Từ điển, rõ ràng chỉ vì hay tự ái vì những điều vặt vãnh hàng ngày mà sinh ra thói quen không chịu lắng nghe những ý kiến đóng góp của cha mẹ, thầy cô, bạn bè nên cậu học sinh khi lớn lên dễ mắc phải bệnh tự cao, tự phụ, thiếu khiêm tốn. Đây là một bệnh rất nặng, nếu để trở thành mạn tính sẽ hủy diệt cả một tương lai của một con người.

Cũng cần phân biệt Tự ái với một đức tính rất quan trọng mà mỗi con người cần phải có là Lòng tự trọng, Sự tự tôn.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt: “Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm giá, danh dự của mình. Thí dụ: Một người biết tự trọng. Chạm vào lòng tự trọng. Tự tôn là tự tôn trọng mình, không để cho ai coi thường, coi khinh mình. Thí dụ: Lòng tự tôn dân tộc”.

Như vậy, bài viết này chỉ đề cập đến lòng tự ái và những danh ngôn bàn về lòng tự ái. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hay tự ái, rồi dần trở thành bệnh nặng, trong đó nguyên nhân hàng đầu, số một là con người đó quá đề cao cái tôi.

Triết gia Stirner đã mổ xẻ cái suy nghĩ thiển cận và dốt nát của việc đề cao “cái tôi” ấy qua danh ngôn: “Trên đời này không có gì đáng kể đối với tôi bằng chính tôi cả”. Đây là căn bệnh thảm hại trên bước đường trưởng thành của một con người. Nhiều nhà Cách mạng Việt Nam từ xưa đã nhắc nhở con người phải biết luôn “tự phê phán”, “tự sửa mình” thì mới trưởng thành được.

Người Pháp cổ luôn nhắc chúng ta: “Cái tôi là cái đáng ghét” là cốt để dạy bảo chúng ta phải khiêm tốn, phải nhu thuận trong cách xử thế ở đời. Nếu học được thói quen khiêm tốn, thói quen biết lắng nghe, bình tĩnh suy xét thì không bao giờ mắc phải bệnh tự ái cả.

Còn nếu cứ tích mãi trong người cái lòng tự ái, tự phụ, tự cao thì sẽ ra sao?

Hãy lắng nghe phân tích của triết gia John Vanburgh (1664 – 1726): “Tự ái dẫn đến tham lam / Tham lam khiến con người xấu xa / Xấu xa dẫn đến giá treo cổ”.

Hoàng đế Napoléon đệ nhất đã khẳng định về cái người thầy xấu, người cố vấn tệ hại mang tên Tự ái, Tự phụ sẽ dẫn con người đi đến đâu, qua danh ngôn: “Vị cố vấn nguy hiểm nhất, ấy chính là lòng tự ái, tự phụ”.

Chao ôi, đã bao danh ngôn, bao lời dạy bảo của người xưa như thế, nhưng vì bản năng tham lam, ích kỷ nên cái tôi vẫn tồn tại, vẫn phát triển. Phải nhờ có giáo dục của gia đình, giáo dục của cộng đồng liên tục, cộng thêm vào lòng ham muốn tiến bộ của bản thân mỗi con người, may ra mới điều trị nổi bệnh tự ái.

Cũng phân tích, mổ xẻ về tác hại của sự tự ái, người Ấn Độ cổ đã chế giễu cái rây bột có nhiều lỗ luôn tự hào khoe với cái kim khâu chỉ có 1 lỗ qua câu: “Cái rây bột luôn khoe với cái kim khâu là mình có nhiều lỗ hơn”. Thảm hại thay cho cái nhận xét, cái khoe khoang của cái rây bột, vì nó có biết đâu rằng tuy chỉ có 1 lỗ nhưng cái kim khâu chính là một phát minh rất lớn để giúp con người may, vá trong suốt hàng ngàn, hàng vạn năm đã qua và cho đến tận thế kỷ thứ 21 này vẫn phải dùng đến cái kim có 1 lỗ ấy.

Như vậy, người hay tự ái, hay tự phụ đã đánh mất sự thấu hiểu, sự sáng suốt, óc phán xét để so sánh, để đánh giá các việc ở đời. Họ phải chịu lấy cái thất bại, cái cay đắng là đúng rồi. Nhưng tại sao ai cũng mắc phải cái thói xấu tự ái, tự phụ đó? Triết gia François de la Rochefoucauld (1613 – 1680) đã cắt nghĩa hộ chúng ta về cái hấp dẫn, cái lừa lọc của thói xấu ấy qua câu danh ngôn bất hủ: “Tự ái là tên nịnh hót tài ba nhất”. Thôi thế đúng rồi, con chó, con mèo còn thích vuốt ve, thì con người ai chả thích người khác ve vuốt, tâng bốc mình mà quên mất những cái hại, cái nguy hiểm do chúng mang lại.

Cũng chính bậc thầy Rochefoucauld cũng dạy chúng ta cái tác hại, cái hiểm nguy do lòng tự ái quá cao mang lại khi ông viết: “Lòng tự ái khiến chúng ta lầm lạc hầu hết mọi sự việc”. Mãi mãi cám ơn ông đã chỉ đích danh con vi khuẩn tự ái, tự phụ để giúp ta xa lánh chúng, quyết tâm đề phòng và tiêu diệt chúng từ khi ta bắt đầu cắp sách đến trường cho đến khi trưởng thành làm người công dân có ích cho xã hội.

Sau khi phân tích qua lời dạy của một số danh nhân, ta thấy ngược lại với tật xấu tự ái, tự phụ, chính là sự khiêm tốn, đức khiêm nhường mà mỗi con người phải chú trọng tu dưỡng từ thuở thiếu thời.

Vậy khiêm tốn là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt: “Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người. Thí dụ: Thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn học hỏi. Khiêm nhường là khiêm tốn nhường nhịn trong quan hệ đối xử. Thí dụ: Khiêm nhường với mọi người”.
Thi sĩ Jean de La Bruyère (1645 – 1696) đã xác định: “Người khiêm tốn là người không bao giờ nói về mình”. Chính nhờ có cái thói quen không bao giờ nói về mình nên họ nhanh chóng nhìn ra, nhận thấy được cái ưu điểm, cái đáng học hỏi ở người khác và từ đó khiêm tốn học hỏi, nên mỗi ngày tiến mỗi xa hơn.

Nữ văn sĩ Pháp, bà Marquise de Maintenon (1635 – 1719) lại có một cái nhìn cao quý về sự khiêm tốn, sự khiêm nhường ở người phụ nữ khi bà viết: “Vật trang sức lớn lao nhất của phái đẹp chúng ta chính là sự khiêm nhường vậy”. Bao tấm gương về sự khiêm tốn, khiêm nhường của các bà mẹ, các bà sơ trong các trại trẻ mồ côi, trại từ thiện nuôi dưỡng người già, người tàn tật đã chứng minh ý kiến sắc sảo này của bà Maintenon.

Tạm sơ kết như sau: Đã là người trưởng thành, ai cũng cần có ý thức giữ gìn danh dự, phẩm giá của mình, không để bị hạ thấp, không để bị bôi nhọ. Đó là lòng tự trọng. Cần phân biệt rõ với sự tự ái, từ nhỏ đến lớn, đều hết sức cần tránh trong cuộc sống hàng ngày.

Thế kỷ trước, bậc thầy Nguyễn Khắc Viện đã dạy chúng ta phương pháp Tĩnh tâm cao nhất để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng những kích thích hàng ngày. Đó là phương pháp tập luyện sao cho: “Nóng không quạt, ngứa không gãi và bị chọc tức cũng không nóng giận”. Thực tế đã cho kết quả rất tốt cho những ai biết cách tập luyện theo phương pháp tu tập này của thầy Nguyễn Khắc Viện.

Để khép lại bài viết, để nhanh chóng dẹp đi những tự ái nhỏ nhen, vặt vãnh đã gây ra những hậu quả khôn lường, cần nhớ đến lời dạy rất thấm thía, rất dễ hiểu của thiên tài triết học cổ đại Ménandre (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên): “Nếu bạn tự hiểu mình, đánh giá đúng mình là tốt, thì khi bạn hiểu rõ được người khác, đánh giá đúng người khác, mới thật đáng quý”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự ái

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO