Từ cán bộ Mặt trận đến tỷ phú vườn

Phương Nguyên 27/05/2021 06:42

Sở hữu gần 9 ha vườn cây ăn quả với mức thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) được mệnh danh là “Tỷ phú vườn”. Ông còn là một trong những Ủy viên Ủy ban MTTQ xã tiêu biểu, đi tiên phong trong phong trào Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Ông Trần Văn Bình trong vườn cây ăn quả của gia đình.

Thăm trang trại vườn cam đường, cam canh sum suê đang mùa ra hoa tỏa hương thơm ngát, phải khó khăn lắm tôi mới tìm được nơi có ánh mặt trời để chụp vài kiểu ảnh ưng ý, bởi qua gần 10 năm trải nghiệm nghề làm vườn đầy tinh ý và sáng tạo của ông Bình, tán cây đã phủ kín mặt đất. Như cảm nhận điều tôi muốn hỏi, ông Bình nhỏ nhẹ nói “Làm vườn giỏi không khó, nó cũng như nghề dạy học mà tôi đeo đuổi, gắn bó suốt gần 40 năm qua, muốn giỏi nghề thì phải đam mê. Nếu đam mê bạn sẽ tích cực học hỏi, tích cực tìm tòi để khám phá”.

Ông Bình cho biết, sau 3 năm tham gia chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên-Huế, năm 1975, ông xuất ngũ về địa phương trong hoàn cảnh gia đình phải chạy ăn từng bữa, nhà ở là ba gian lợp tranh, vách đất nên ông đã nuôi trí thoát nghèo bằng con đường học vấn.

Ông miệt mài tự học và thi đỗ trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Ra trường, ông nhận công tác tại trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Công tác lâu năm tại địa bàn có truyền thống làm vườn không chỉ giúp ông Bình có nhiều kiến thức thực tế hữu ích để các tiết dạy môn Địa lý luôn sinh động, hấp dẫn, cuốn hút học sinh.

Năm 2008, thấy khu đất công điền trong thôn để hoang hóa, nhiều hộ cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả, ông thấy tiếc nên đã bàn với vợ xin thuê thầu 2 mẫu để trồng 1.200 gốc cam đường, cam canh và 500 gốc cam Vinh.

Khi vườn cây ăn quả bắt đầu cho thu hoạch rộ thì Nhà nước mở đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua toàn bộ đất trang trại và khu nhà ông đang ở. Suy nghĩ và trăn trở nhiều song ông luôn tâm niệm đã là người lính Cụ Hồ hy sinh còn không sợ thì mất mát về vật chất cũng chẳng ngại. Do đó ông đã chủ động làm tốt công tác tư tưởng cho vợ và các con để tạo đồng thuận, nhất trí cao, là hộ đầu tiên của xã thực hiện việc bàn giao giải phóng mặt bằng.

Trong cái rủi lại có cái may. Khi chuyển đến khu đất mới, ông thuê thầu khu đất lên tới gần 9 ha để mở rộng mô hình vườn đồng, tiếp tục thực hiện ý tưởng xây dựng vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Để có những trang trại vườn vừa đẹp mắt, vừa đạt giá trị kinh tế cao như hiện nay là do hàng ngày ông Bình dành không ít thời gian để cập nhật kiến thức làm vườn trên các phương tiện thông tin đại chúng, vừa học trực tiếp từ người làm vườn giỏi từ huyện bạn, đồng thời tự tích lũy kinh nghiệm.

“Với tôi, cây vừa là bạn, vừa là con nên luôn nâng niu, chăm bón theo đúng quy chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn tuyệt đối cả với người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống. Cũng vì thế mà tôi không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm do các tiểu thương đến tận vườn mua. Trừ mọi chi phí, trung bình gia đình tôi cũng tích lũy khoảng 2 tỷ đồng/năm”, ông Bình chia sẻ.

Năm 2016, trang trại cây ăn quả của gia đình ông đã được Viện Thực hành rau quả trung ương chính thức công nhận là “Vườn cây đầu dòng”.

Không chỉ thực hiện tốt vai trò tiên phong của cán bộ Mặt trận trong lĩnh vực phát triển kinh tế, ông Bình còn truyền tình yêu lao động và niềm đam mê làm vườn cho các hộ khác trong thôn. Tới nay, trên địa bàn xã Kiêu Kỵ đã có hàng chục hộ theo gương ông đã đưa vườn ra đồng cho thu nhập cao.

Không dừng ở đó, ông Bình còn phát huy tốt vai trò là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Các hoạt động phối hợp giữa Hội với các thành viên MTTQ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở cũng được ông chủ động xây dựng kế hoạch và tham gia tích cực được các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ cán bộ Mặt trận đến tỷ phú vườn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO