Tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế: Đừng để... ‘mất Tết’

Hoàng Chiến 11/01/2023 08:00

Hiện nay, pháp luật quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Có thể xử lý hình sự

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại Điều 5, Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng.

Theo đó, hành vi tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế sẽ bị xử lý theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

Phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

Luật sư Hùng cho biết, về trách nhiệm hình sự, nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” (Điều 305) hoặc “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm” (Điều 190) Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Nhan nhản các video hướng dẫn làm pháo tự chế trên Youtube.

Người dân được sử dụng những loại pháo nào?

“Mặc dù pháp luật có mức phạt rất nghiêm khắc, nhưng vì lợi nhuận hoặc coi thường pháp luật nên một số đối tượng vẫn lén lút hoạt động vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo. Hệ quả là những nguy cơ hoặc tai nạn về pháo nổ đã xảy ra ở một số nơi, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán”, Luật sư khuyến cáo.

Do đó, thời gian tới cơ quan chức năng cần bổ sung các chế tài, xử lý mạnh tay hơn nữa để tăng tính răn đe, cũng như phòng ngừa với hành vi vi phạm pháp luật này.

Pháo tự chế bị lực lượng chức năng thu giữ.

Bên cạnh đó, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, buôn bán sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

Trả lời PV Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, vào những ngày lễ tết, đặc biệt là trong tết cổ truyền của Việt Nam thì người dân thường hay đốt pháo để gia tăng không khí nhộn nhịp, vui mừng. Tuy nhiên theo quy đinh của pháp luật hiện hành thì người dân không được phép tự ý sử dụng pháo mà chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn.

Theo đó, Luật sư Đoàn khuyến cáo, người dân cần phân biệt rõ các loại pháo được phép sử dụng trong dịp Tết này để tránh vi phạm pháp luật. Cụ thể, pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Trong dịp Tết Nguyên đán, tùy từng địa phương sẽ được bắn pháo hoa nổ tầm cao hoặc tầm thấp, trong thời lượng không quá 15 phút.

Đối với pháo hoa, căn cứ tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo quy định đối tượng được sử dụng pháp hoa như sau:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

“Như vậy theo quy định trên người dân được phép sử dụng pháo hoa trong dịp tết Âm lịch 2023”, Luật sư khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chế tạo, buôn bán pháo tự chế: Đừng để... ‘mất Tết’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO