Từ chối vaccine ngừa Covid-19: 'Quả bom hẹn giờ'

Hà Anh 25/02/2022 14:11

Các ca tử vong trong đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở Hồng Kông (Trung Quốc) được dự báo sẽ tăng theo chiều xoắn ốc, khi các chuyên gia dự đoán, số ca tử vong đối với những người lớn tuổi chưa tiêm chủng và do dự với chiến dịch vaccine của thành phố tăng.

Đẩy mạnh tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Ảnh: Straitstimes.

Áp lực lên hệ thống y tế

Theo số liệu của chính quyền Hồng Kông, chỉ có 43% người già từ 80 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi vaccine. Theo bà Karen Grepin, Phó Giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Hồng Kông, mặc dù con số này đã tăng thêm 22% vào đầu tháng 1, nhưng vẫn chưa đủ để bảo vệ nhóm dân số có nguy cơ cao nhất. Cho đến nay, bệnh nhân cao tuổi đã chiếm phần lớn trong số 311 trường hợp tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh này.

Theo một báo cáo từ các nhà nghiên cứu của Đại học Hồng Kông, gần 7.000 người có thể chết trong đợt sóng dịch bệnh lần này. Phần lớn những trường hợp tử vong đó có khả năng là những người cao tuổi. Cùng với đó, tình trạng bệnh viện quá tải, không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân, các nhà điều hành viện dưỡng lão địa phương đang cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch mạnh mẽ khi quá nhiều người lớn tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiệp hội Dịch vụ Người cao tuổi Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố hôm 18/2, các cơ sở y tế không có nhân viên, thiết bị hoặc không gian để tiếp nhận thêm bất kỳ bệnh nhân nào. Hiệp hội kêu gọi chính quyền thành phố tìm những nơi khác để cách ly những bệnh nhân lớn tuổi không có triệu chứng.“Những người điều trị tại nhà có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra trong các tòa nhà chung cư" - Lo lắng này là có cơ sở, dựa trên bài học từ các nước khác.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở những người từ 80 tuổi trở lên mà không được tiêm chủng cao hơn gần 7 lần so với những người cao tuổi được tiêm chủng trong cùng một nhóm tuổi.

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông, các quy tắc giãn cách xã hội hiện tại của Hồng Kông không đủ mạnh để kiểm soát làn sóng Covid-19 lập kỷ lục của thành phố và gần 1.000 cư dân có thể sẽ tử vong vào giữa tháng 6 nếu không có thay đổi. Việc phong tỏa các tòa nhà tại khu phức hợp nhà ở công cộng là một trong số các biện pháp quyết liệt nhất mà Hồng Kông đã đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong nội bộ thành phố.

Chính quyền Hồng Kông đã khởi động một chương trình tiêm chủng vào đầu năm 2021 nhưng không thuyết phục được hầu hết những người cao tuổi, những người lo lắng về tác dụng phụ hoặc tự mãn về tỷ lệ mắc Covid-19 thấp của Hồng Kông.

Nhiều tháng trôi qua và chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi bị đình trệ, các quan chức vẫn củng cố sự kiên nhẫn và cho rằng, cuối cùng thì những người cao tuổi sẽ chấp nhận việc tiêm phòng.

Bà Grepin cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đang kéo dài thời gian để triển khai tiêm chủng cho những khu vực dân cư dễ bị tổn thương nhất trong thành phố, nhưng chúng tôi đã không làm được điều đó”. Điều này đang khiến thành phố có nguy cơ xuất hiện nhiều ca tử vong hơn so với những nơi thành công hơn với chương trình tiêm chủng cho người cao tuổi.

Trả giá bằng mạng sống

Có rất nhiều người cho rằng mình miễn nhiễm với Covid-19 và từ chối tiêm chủng. Tuy nhiên, giờ họ đang phải vật lộn với sự chủ quan của mình, thậm chí là phải trả giá bằng cả mạng sống.

Câu chuyện của những người qua đời sau khi bài trừ tiêm chủng đã thu hút sự chú ý của công chúng ở Anh. Hiện nước này có khoảng 88% người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Tuy nhiên, chính phủ Anh đang cân nhắc làm thế nào để thuyết phục thêm người trẻ tuổi đi tiêm chủng, đặc biệt là khi việc tiêm cho trẻ em vấp phải nhiều tranh cãi. Mỹ và Canada, những nước có lần lượt 58% và 70% dân số được tiêm ít nhất một liều cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự.

Bên cạnh đó, Covid-19 đang chia thế giới ra làm hai mảng. Nhiều nước giàu ra sức thuyết phục người dân tiêm vaccine, trong khi châu Phi và phần lớn châu Á phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 53% số người trưởng thành chưa tiêm chủng tại Mỹ tin rằng vaccine có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của họ hơn cả nhiễm bệnh. Trong khi nhiều người không chịu tiêm vaccine, số ca mắc vẫn không ngừng tăng cao. Giới chức Mỹ cảnh báo các trường hợp tử vong vì Covid-19 chủ yếu nằm ở nhóm người chưa được tiêm chủng.

Cố vấn khoa học Patrick Vallance cho biết, Anh ghi nhận 60% số người nhập viện chưa được tiêm chủng.

“Bất chấp nhiều tháng thuyết phục, bất chấp chiến dịch truyền thông dày đặc, bất chấp các cuộc thảo luận trên nhiều báo chí, chúng ta vẫn không thể thuyết phục đủ người đi tiêm vaccine”. Đây là những lời mà cựu Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói khi ông thông báo yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc trên toàn quốc đầu tiên ở châu Âu.

Hồng Kông đã xác nhận kỷ lục hàng ngày cao nhất từ trước đến giờ với 8.674 trường hợp mắc Covid-19 mới vào ngày 23/2. Các quan chức cũng tiết lộ rằng, dữ liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ tử vong giữa những người được tiêm chủng và những người không được tiêm chủng khác biệt gấp 18 lần.

Khi con số tiếp tục tăng lên, chính quyền thành phố đã thắt chặt các quy tắc giãn cách xã hội một lần nữa. Việc tập trung tại công viên hay thực hiện các hoạt động thể chất ngoài trời có đeo khẩu trang sẽ không tiếp tục được miễn trừ kể từ ngày 24/2. Cùng ngày, việc hạn chế nhập cảnh đối với những người chưa được tiêm chủng tại một số địa điểm được đưa ra.

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy nên, việc sớm tiêm chủng đầy đủ cho tất cả mọi người sẽ thúc đẩy miễn dịch cộng đồng trên toàn cầu. Hãy lựa chọn đúng đắn trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ chối vaccine ngừa Covid-19: 'Quả bom hẹn giờ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO