Tự chủ bệnh viện và chặn tăng thu

Nam Việt 25/12/2020 07:00

Việc tự chủ của Bệnh viện K là điều đáng mừng để bệnh viện có điều kiện chăm sóc chữa trị bệnh nhân ung thư tốt hơn, người bệnh nan y có thêm hy vọng. Nhưng cũng rất cần sự giám sát chặt chẽ, ngăn chặn bất cứ hành vi trục lợi nào. Vì nền y tế của chúng ta là của toàn dân, vì nhân dân mà phục vụ. 

Bác sĩ Bệnh viện K trong một ca chữa trị cho bệnh nhân.

Ngày 22/12, lãnh đạo Bộ Y tế đã công bố và trao Quyết định thành lập Hội đồng quản lý Bệnh viện K. Hội đồng gồm 11 thành viên, là cơ quan cao nhất điều hành toàn bộ hoạt động của Bệnh viện K. Mục tiêu là tăng cường giám sát và kiểm tra chéo toàn bộ hoạt động của Hội đồng và Ban Giám đốc. Đây là mô hình đảm bảo công khai, minh bạch mọi hoạt động của bệnh viện.

Được biết, Bệnh viện K là đơn vị y tế công thứ hai được Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ giai đoạn 2020-2021, sau Bệnh viện Bạch Mai. Với cơ chế tự chủ, bệnh viện tự quyết định về tài chính, nguồn nhân lực và định hướng phát triển trong tương lai. Trong đó bao gồm tự chủ về chuyên môn; bộ máy, nhân sự; tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế...

Đây là bước tiến tiếp theo trong chủ trương xã hội hóa, giúp bệnh viện có thêm nguồn lực cũng như chủ động về bộ máy để hoạt động tốt hơn, cũng có nghĩa là phục vụ nhân dân tốt hơn. Đặc biệt, với Bệnh viện K, lại càng quan trọng khi mà số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam vẫn gia tăng, “trẻ hóa” và với nhiều dạng ung thư khác nhau.

Căn bệnh khủng khiếp ấy vẫn được coi là “án tử” đối với người bệnh với nhiều dạng ung thư khác nhau. Để chữa trị “còn nước còn tát” là hết sức lâu dài, hết sức gian nan và vô cùng tốn kém. Đối với người nghèo thì đó là thảm họa.

Chia sẻ đau đớn, tốn kém với bệnh nhân ung thư cũng như gia đình họ chính là thái độ nhân văn, là tình người mà các bác sĩ từ trước tới nay vẫn thể hiện. Điều đó thật là đáng quý.

Nói như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi lễ trao quyết định thành lập Hội đồng quản lý Bệnh viện K thì mục tiêu đầu tiên của cơ chế tự chủ là phát huy tính sáng tạo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, coi lợi ích của người bệnh lên trên hết, đặc biệt với bệnh nhân ung thư - những người rất khó khăn về bệnh lý, kinh tế, tâm lý. Từ đó, cần xây dựng bộ máy quản lý mà mọi hoạt động của bệnh viện phải hướng đến người dân, công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình với cơ quan quản lý và cả người dân. Phục vụ chứ không phải là “tăng thu” đối với người bệnh.

Trong nỗ lực chung của ngành y tế, với nhiều tấm gương “thầy thuốc như mẹ hiền” thì cũng rất đáng tiếc đó đây vẫn có những trường hợp vi phạm y đức, vẫn có nơi mà nhân viên y tế tìm cách để có được những đồng tiền “lót tay” của người nhà bệnh nhân.

Và cũng thật khủng khiếp khi chúng ta buộc phải nhớ lại vụ nâng khống giá thiết bị y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 tại CDC (thuộc Sở Y tế Hà Nội), mà cựu Giám đốc Trung tâm này (Nguyễn Nhật Cảm) đã cấu kết chiếm đoạt ngân sách. Số “vênh” vài tỉ đồng chỉ trong 1 phi vụ y tế (ngay trong thời điểm cả nước gồng mình vì dịch bệnh tấn công) không thể nói khác đó là sự táng tận lương tâm.

Chưa hết, vụ việc tiêu cực xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai cũng rất đau lòng, cũng lại nâng khống giá thiết bị y tế mà đối tượng buộc phải gánh chịu cũng chính là dân.

Trong phi vụ này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) đã dùng thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Thật ghê gớm khi chỉ trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận, giá nhập khẩu khoảng 7,4 tỷ đồng (gồm cả VAT) nhưng các đối tượng đã cấu kết với nhau, nâng khống giá lên 39 tỷ đồng, rồi đưa vào hợp đồng liên danh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Chỉ với một “động tác” đó thôi mà người bệnh đã phải chi thêm 18 triệu đồng/ca, trong khi giá đúng phải trả là 5 triệu đồng/ca khi sử dụng thiết bị này.

Sau khi vụ việc bị phát giác, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị và Bệnh viện Bạch Mai rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết điều chỉnh lại giá dịch vụ thực hiện trên các máy đầu tư từ nguồn vốn nhàn rỗi của bệnh viện.

Trở lại câu chuyện xã hội hóa, tự chủ bệnh viện và liên doanh liên kết - xin được nhắc lại đó là chủ trương đúng, còn sai phạm là từ con người - những kẻ thoái hóa, tham lam, đi ngược với tinh thần y đức cũng như đạo lý dân tộc. Đạo lý dân tộc là phải thương người như thể thương thân chứ không phải là bòn rút của những người đang trông chờ vào sự cứu giúp của thầy thuốc.

Việc tự chủ của Bệnh viện K là điều đáng mừng để bệnh viện có điều kiện chăm sóc chữa trị bệnh nhân ung thư tốt hơn, người bệnh nan y có thêm hy vọng. Nhưng cũng rất cần sự giám sát chặt chẽ, ngăn chặn bất cứ hành vi trục lợi nào. Vì nền y tế của chúng ta là của toàn dân, vì nhân dân mà phục vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ bệnh viện và chặn tăng thu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO