Tự chủ đại học nhìn từ học phí – Bài 1: Học phí đại học không nên là rào cản

Thu Hương 03/08/2021 10:00

Học phí khi các trường ĐH thực hiện tự chủ và dần tiến tới tự chủ là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi ảnh hưởng thiết thực đến từng gia đình, từng thí sinh trong việc quyết định lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THPT.

Tự chủ đại học đi kèm với tự chủ tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Ảnh: Quang Vinh.

Đừng đua nhau tăng học phí

Xu hướng tăng học phí của các trường ĐH là không tránh khỏi khi bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính. Năm học 2021-2022, ghi nhận thêm nhiều trường ĐH thông báo tăng học phí.

4 trường thuộc hệ thống của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm nay sẽ điều chỉnh học phí. Trong đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin, học phí hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm; hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Nhà trường cũng thông báo những năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo nêu trên sẽ tăng thêm 5 triệu đồng/năm…

Học phí tăng cao đang là bài toán khó khăn với nhiều gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn trường của các thí sinh. Có nên vay tín dụng để đi học hay chỉ nên chọn một trường có học phí vừa phải là băn khoăn của đại đa số thí sinh “con nhà nghèo”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặt bằng kinh tế của Việt Nam chênh lệch cao, trong khi đa số sinh viên ở nông thôn, vì vậy, theo cơ chế học bổng, hỗ trợ học tập cần lưu ý để không bị cào bằng.

Tự chủ ĐH cũng đừng đua nhau tăng học phí là mong muốn của người dân đối với các trường ĐH. Bởi với đại đa số các gia đình ở nông thôn, thậm chí nhiều gia đình ở thành thị, mức học phí hiện nay đã là một gánh nặng khó xoay xở.

Với lộ trình tăng học phí của các trường, không ít thí sinh trong mùa thi 2021 này đã phải đắn đo về việc quyết định sẽ theo học trường nào, cơ hội việc làm sau khi ra trường ra sao, có đủ trả nợ học phí hay không?

Đơn cử như 1 trong 3 thí sinh đạt điểm 10 môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 của cả nước đã bày tỏ nỗi lo về học phí và chi phí sinh hoạt khi lên Hà Nội học ĐH tới đây. Thí sinh này cho biết em cũng tính đến chuyện đi làm thêm nhưng để cân bằng giữa việc học và đi làm không phải là điều dễ dàng.

Cản người học không phải bằng học phí

Vừa rồi, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lê Quân (Cà Mau), Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nói rằng: “Cần có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học ĐH. Chúng ta cũng phải đảm bảo rằng học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học ĐH và trở thành “học đại”.

Theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, mức học phí hiện nay thấp, ngân sách đảm bảo mức không cao, trong khi lại có quy định mức trần học phí (mức học phí cao nhất). Mức trần này đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của các cơ sở giáo dục.

Cần phải thay đổi chính sách và các quan điểm về học phí. Cần phải coi học phí với người học là nguồn đầu tư. Theo thông lệ quốc tế, tiền học phí phải tương đương 2 năm tiền lương sau khi tốt nghiệp. Như vậy mới đảm bảo được nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trên thực tế, học phí các trường ĐH tự chủ phải thu theo quy định pháp luật và các quy định của Chính phủ về học phí. Tuy nhiên, với các trường, việc xác định mức thu học phí căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo là một công việc khó khăn.

Mặc dù các trường đều khẳng định sẽ công khai, minh bạch mức thu học phí và cam kết tìm mọi giải pháp để sử dụng nguồn kinh phí học phí nhằm cải thiện các điều kiện học tập cho người học một cách có hiệu quả nhất.

Nhưng thu đã rõ còn việc chi như thế nào, chi vào những phần việc gì thì nói như PGS.TS Vũ Cương- Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đa số các trường chú trọng đến công khai, minh bạch trong nội bộ nhiều hơn là bên ngoài; một số trường còn e ngại.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ ĐH - Bộ GDĐT phân tích hai công cụ để “phân tầng” mà các trường ĐH nước ngoài thường dùng là: Một là tuyển sinh nhằm sàng lọc năng lực học sinh, hai là công cụ tài chính, mà cụ thể ở đây là mức học phí cao. Nếu chỉ đề cập đến học phí để sàng lọc sinh viên thì rõ ràng là chưa đủ và chưa đúng.

“Hiện nay, các trường đa số đều áp dụng các chương trình đào tạo chất lượng cao, sinh viên phải đóng toàn bộ học phí. Nhưng cạnh đó có chính sách miễn 100% học phí, giảm học phí hoặc cấp học bổng. Mọi người giàu, nghèo đều có cơ hội được đi học, chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi để phát triển đất nước. Đó mới là cách làm phù hợp, tạo đồng thuận xã hội chứ không thể dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào ĐH”, TS Khuyến cho hay.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học nhìn từ học phí – Bài 1: Học phí đại học không nên là rào cản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO