Tự chủ tài chính sự nghiệp công lập có gì mới?

Hồ Hương 03/08/2021 06:49

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (Nghị định 60) về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), đồng thời khuyến khích đơn vị SNCL đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa.

Số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục còn ít. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) Nghị định 60 có nhiều điểm mới. Cụ thể Nghị định đã quy định kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị SNCL tự chủ ở mức cao (đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên) được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do Ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi thường xuyên chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành.

Nghị định 60 đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL và nguyên tắc NSNN hỗ trợ đơn vị SNCL. Trước đây, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị chưa phân biệt theo mức độ tự chủ về nguồn thu và nhiệm vụ chi các hoạt động dịch vụ.

Nghị định đã quy định việc phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị SNCL trên cơ sở tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị SNCL.

NSNN hỗ trợ đơn vị SNCL theo nguyên tắc: Đối với đơn vị SNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; Đối với đơn vị SNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, việc giao dự toán chi NSNN trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao và thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, cụ thể đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị SNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.

Về y tế và giáo dục là hai ngành chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công, theo ông Giang, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 60, các đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiếp tục thực hiện tự chủ tài chính theo các quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị SNCL, theo 3 độ tự chủ: đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do NSNN bảo đảm chi thường xuyên.

Thời gian qua, để tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ trong giáo dục đại học và y tế, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và một số Bệnh viện, tuy vậy số lượng các đơn vị tự đảm bảo chi đầu tư và chi thường xuyên trong 2 lĩnh vực này còn rất ít.

Nghị định số16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục những hạn chế này, Nghị định 60 đã bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp (gồm thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết; thu từ cho thuê tài sản công).

Trong đó, ngoài những quy định áp dụng chung, Nghị định đã quy định 1 Chương riêng về tự chủ về tài chính của đơn vị SNCL trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp để điều chỉnh những nội dung mang tính đặc thù của 2 lĩnh vực này.

Có thể nói, Nghị định 60 được ban hành sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP; đặc biệt, gắn việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN với cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công để thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị SNCL; góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ tài chính sự nghiệp công lập có gì mới?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO