Từ đề thi học sinh giỏi môn Văn…

XUÂN QUANG 06/03/2022 15:02

Mấy hôm nay, nhiều người bàn luận rôm rả về đề thi môn Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022. Môn Ngữ văn được tổ chức thi vào sáng 4/3. Năm nay, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc g ia có hơn 4.600 học sinh tham gia, diễn ra trong 2 ngày với 12 môn thi, gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.

Môn Ngữ văn có 2 câu về Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học trong thời gian 180 phút làm bài. Tuy nhiên, ngay sau khi đề thi được chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến từ học sinh và giáo viên trên các diễn đàn.

Đa số mọi người cho rằng đề thi này không mới, thậm chí quá lạc hậu. PGS.TS Ngô Văn Giá, viết trên trang cá nhân của mình: “Tôi chỉ nói rằng đề thi này không có lỗi gì, trừ một lỗi duy nhất thôi, là... nhạt!”. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống tán thành với nhận xét trên, đồng thời buông lời cảm thán “thấy buồn”. Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Đức, giáo viên môn Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh nhận xét: "Nhìn chung, đề Văn năm nay cũ từ nội dung đến hình thức, quá lạc hậu, đi ngược lại với xu hướng đổi mới".

Câu chuyện đề thi môn Ngữ văn lâu nay luôn được dư luận quan tâm, mổ xẻ. Và nó cũng phần nào phản ánh chất lượng dạy và học môn Văn ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, về câu chuyện các cuộc thi học sinh giỏi, nhiều ý kiến đã thẳng thắn bày tỏ, không nên tiếp tục. Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Do vậy, họ nỗ lực đào tạo, huấn luyện những cô cậu “gà nòi” để đi thi đấu. Rồi sao? Rồi thôi! “Thi xong xuôi tất cả lại về!”.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện, trong khi đó mục tiêu giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học.

Vị chuyên gia này cho rằng, học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, nhưng phải gắn giỏi với thực tiễn, gắn vào lao động sản xuất chứ không dừng lại học để thi. Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang "gặm nhấm" giáo dục.

Từ lâu, câu nói “học phải đi đôi với hành” đã được nêu ra. Tuy nhiên, những kỳ thi học sinh giỏi đã cho thấy việc nỗ lực đi thi lấy giải có phần là “hư danh, không giải quyết được vấn đề gì". Sự thật ấy đã khiến bản thân những người trực tiếp làm công tác giáo dục cũng cảm thấy băn khoăn.

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: “Nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp càng sớm càng tốt”. Sự bỏ ấy, theo ông Khang, để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay. Đặc biệt, ở thời điểm này, học sinh học trực tuyến đến 2/3 năm học, việc thi học sinh giỏi chắc chắn không đạt chất lượng cao, gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Vì thế, từ câu chuyện “nhạt” của đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn năm nay, ngành giáo dục cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Mà đổi mới tư duy, theo kịp chương trình giáo dục phổ thông mới, là yếu tố quan trọng. Những gì cũ kỹ, lạc hậu, đi ngược lại với chương trình giáo dục mới, cần mạnh mẽ thay đổi, để tìm ra những hướng mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ đề thi học sinh giỏi môn Văn…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO