Tự do là tự do nào?

Nguyễn Tri Thức 27/11/2019 08:00

Không lấy gì làm ngạc nhiên, khi một lần nữa một tổ chức nước ngoài lại có những nhận xét, đánh giá hết sức thiếu thực tiễn, chụp mũ, đặt điều về các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Lần này là tự do Internet.

Tự do là tự do nào?

Tự do Internet cũng không là ngoại lệ.

Sự tăng trưởng thần kỳ

Ngày 5/11/2019, Freedom House - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Washington D.C, Mỹ - đưa ra báo cáo về tự do Internet, trong đó ngang ngược, vô lối xếp Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do Internet.

Trước sự đặt điều vô lý, trắng trợn ấy, ngày 7/11, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng “hoàn toàn bác bỏ những đánh giá này của Freedom House”. Ông Thắng khẳng định: “Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế”. Thực tế, Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.

“Hơn 20 năm qua, với tốc độ phát triển nhanh chóng của Internet, Việt Nam đã vươn mình ra thế giới và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Internet đã trở thành một công cụ kết nối vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, chi phí sử dụng Internet tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo người dân tiếp cận và sử dụng. Thực tế, Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng, sử dụng Internet nhanh nhất thế giới”- ông Thắng khẳng định.

Đó là điều rõ ràng, không thể chối cãi. Xin đưa ra những con số cụ thể cho thấy những bước tiến vượt bậc trong việc sử dụng Internet ở Việt Nam, tự bản thân nó sẽ nói rõ nhiều điều mà không cần bất kỳ sự bình luận nào. Kể từ khi chính thức kết nối mạng thông tin toàn cầu vào ngày 19/11/1997, đến năm 2003, Internet băng rộng ADSL chính thức có mặt trên thị trường, tạo ra những cú hích đột biến cho phép người dùng truy nhập Internet tốc độ cao, đồng thời giá cước Internet giảm mạnh chưa từng có (từ 10%-40%), kích thích nhu cầu người dùng tăng trưởng mạnh mẽ - gấp nhiều lần so với con số khoảng 200.000 người dùng thuở ban đầu.

Năm 2009, Internet cáp quang FTTH được triển khai với tốc độ truy cập mạng tăng đáng kể so với ADSL. Cùng thời điểm này, mạng 3G của VinaPhone được khai trương, mở ra kỷ nguyên Internet cho di động tại Việt Nam. Từ năm 2010, Internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với xu hướng chuyển dịch từ dịch vụ cáp đồng sang cáp quang. Việt Nam nằm trong top đầu những quốc gia có lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới… Tính đến năm 2017, Việt Nam có gần 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Tại thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới, đứng thứ 6/35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

Trong “Báo cáo Digital Marketing 2019” công bố hồi tháng 7/2019 cho biết, Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người dùng Internet. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Người dùng Việt Nam dành trung bình 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và 1 giờ 11 phút để nghe nhạc. 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày…

Rõ ràng, chỉ cần nhìn vào số liệu khô khan thống kê kể trên cũng đủ thấy những sự tự do không thể chối cãi trong bức tranh hơn 20 năm hình thành, phát triển Internet ở Việt Nam. Điều đáng nói hơn, Internet đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từng bước tăng trưởng nhanh chóng, bền vững.

Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng, báo cáo của Freedom House vào ngày 5/11/2019 là hết sức vô lối, vẫn không ngoài ý thức xuyên tạc, chống phá thường xuyên, liên tục, trên nhiều mặt trận, trong đó có vấn đề tự do thông tin, tự do Internet. Đấy là chưa kể đến việc người dùng Internet ở Việt Nam có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp ở Trung ương và địa phương quan tâm, chú trọng việc sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết thủ tục hành chính, liên hệ, trao đổi trực tiếp với người dân…

Không có thứ tự do vô lối

Xin được đưa thêm những ví dụ hết sức sinh động khác để chứng minh rằng, các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do Internet luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng, bảo đảm thực thi một cách xuyên suốt, nhất quán. Việc bảo đảm các quyền tự do cơ bản của con người ở Việt Nam dựa trên cơ sở pháp luật quốc tế, phù hợp với tình hình thực tiễn chính là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước. Sự tự do trong sử dụng Internet ở Việt Nam đã có tác động tích cực, đóng góp lớn vào quá trình phát triển của đất nước.

Trong khi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường về nhiều mặt thì sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn luôn đạt mức tăng trưởng khả quan so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP tăng 6,98% - mức tăng cao nhất trong vòng 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 9 tháng tăng 2,5% - mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%. Thu ngân sách nhà nước tăng cao (10,1%), bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP... Đó là những số liệu minh chứng một cách thuyết phục về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là sự xuất hiện của ngày càng nhiều các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới…

Thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, để phù hợp với tình hình thực tiễn, trong bối cảnh “thế giới phẳng” toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã điều chỉnh, bổ sung, xây dựng nhiều đạo luật mới, đề cao, tôn trọng các quyền cơ bản, chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do Intenet. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hay như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)… vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một quốc gia nào trên thế giới lại cho phép các thế lực thù địch, phản động, chống phá tụ tung tự tác, tác oai tác quái, xấc xược, đặt điều vu khống nói xấu đất nước, chế độ, lãnh tụ. Không một quốc gia nào tự do để các phần tử xấu vi phạm pháp luật, ngăn cản, chống phá sự phát triển đất nước cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của người dân, đi ngược lại sự phát triển của thế giới. Thực tế, quyền tự do Internet luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Đơn cử như Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Trong khi đó, Trung Quốc chặn tất cả các mạng xã hội, trong đó có Facebook, Google nhằm ngăn chặn người dùng truy cập các trang web đồi trụy hoặc có nội dung nhằm mục đích chính trị. Hàn Quốc, Thái Lan yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội. Chính Quốc hội Mỹ cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay là vi phạm sở hữu trí tuệ...

Rõ ràng, không chỉ Việt Nam, quốc gia nào trên thế giới cũng có những biện pháp quyết liệt để đấu tranh chống lại các mặt trái trên không gian mạng, cụ thể là trên Internet. Không có một quốc gia nào cho phép các hành vi tội phạm công nghệ cao được tồn tại trên Internet để phá hoại kinh tế, cản trở các hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, của những người dân vô tội. Thế nên, việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân là việc làm hiển nhiên. Điều đó rõ ràng phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của các quốc gia khác... Việc không có tự do trên không gian mạng đã được khu biệt, giới hạn rõ là nghiêm cấm các mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Chính Các Mác và Ph.Ăng-ghen cũng khẳng định rằng: “Quyền không bao giờ có thể ở mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ kinh tế đó quyết định”; tương ứng với những thời đại khác nhau và những cơ sở kinh tế - xã hội khác nhau thì quyền cũng khác nhau. Theo đó, quan niệm về tự do ngôn luận không bất biến, mà biến đổi trong lịch sử. Và trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, những quyền tự do cơ bản của con người, như tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet vẫn luôn phải bảo đảm dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và đặc thù mỗi quốc gia, chứ không thể có thứ nhân danh để tự do vô lối, chống đối, phá hoại.

Tự do là quyền của con người, nhưng đó không phải là sự tự do vô lối, tùy tiện, vô chính phủ, mà nó chỉ được bảo đảm khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và hành động phù hợp luật pháp. Rõ ràng, không thể có một thứ tự do là muốn làm gì thì làm. Tự do buộc phải hình thành, tồn tại trong mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, cá nhân và Nhà nước. Tự do Internet cũng không là ngoại lệ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự do là tự do nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO