Tư duy đột phá

Trần Duy Hưng 28/12/2016 08:35

“Những thể chế, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển, Thủ tướng kiến nghị bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì càng phải bãi bỏ sớm” - đó là một trong những nội dung phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành nông nghiệp.

Lĩnh vực chăn nuôi trong nông nghiệp vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Phát biểu trên cùng với quyết định mới đây của Thủ tướng về việc dành gói tín dụng lên tới 50. 000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án nông nghiệp công nghệ cao, thêm một lần nữa cho thấy quyết tâm của Chính phủ, của người đứng đầu Chính phủ trong việc xóa bỏ mọi rào cản, nhất là những rào cản về thể chế, chính sách, mở đường cho việc phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn như kỳ vọng lâu nay của xã hội. Vui hơn, quyết tâm của Chính phủ đã và đang được cụ thể hóa bằng những tư duy, hành động mới trong chỉ đạo, điều hành...

Nhìn lại đời sống nông nghiệp, rộng hơn là đời sống “tam nông” mới thấy những tư duy, hành động mới ở thời điểm hiện nay cần thiết đến mức nào với khu vực này? Đất nước ta, như đã biết, là một đất nước có truyền thống và nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Ở thời điểm cách nay 30 năm, khi công cuộc đổi mới được khởi xướng, nhờ những chính sách có tính “cởi trói”, nhất là chính sách giao ruộng đất ổn định cho từng hộ nông dân đã giúp nền nông nghiệp nước nhà có những bước phát triển vượt bậc. Từ một nước thiếu đói, trở thành một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi công cuộc cạnh tranh, hội nhập ngày càng quyết liệt, với nhiều thách thức, cơ hội đan cài, nền nông nghiệp nước nhà đang bộc lộ ra hàng loạt những điểm yếu. Trong đó, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết là một trong những điểm yếu lớn nhất, nói như như chính lời Thủ tướng là “sản xuất li ti vẫn còn rất nhiều”.

Với phương thức sản xuất này, 11 triệu hộ nông dân trên cả nước luôn trong tâm thế những người “đánh bạc”, đánh bạc với thời tiết, đánh bạc với thị trường. Đặc biệt, nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, gắn liền với thuốc sâu, phân hóa học hiện nay đã và đang khiến cả xã hội phải “sống trong sợ hãi” khi luôn phải đối diện với nguy cơ mua, ăn phải nông sản, thực phẩm bẩn, độc hại.

Thực tế cho thấy, những năm qua Đảng, nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được tập trung nhiều nguồn lực, triển khai trên cả nước là một minh chứng rõ nhất. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách, từ chính sách hỗ trợ vốn vay tín dụng đến các chính sách miễn giảm thuế, phí nông nghiệp...

Tuy nhiên, yêu cầu của cuộc sống đặt ra hiện nay là sản xuất nông nghiệp phải được tổ chức lại theo hướng tập trung, hiện đại, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp, các HTX, sản phẩm làm ra phải đáp ứng các yêu cầu sạch, an toàn...Để hiện thực hóa được những yêu cầu này, ngành nông nghiệp, rộng hơn là khu vực tam nông cần có những cơ chế, chính sách có tính động lực mạnh hơn, nhất là cần những tư duy đột phá trong khâu làm chính sách...

Cơ chế, chính sách động lực gì, tin rằng rồi đây từng bước Chính phủ sẽ có câu trả lời cụ thể. Chỉ biết, thực tế đang đòi hỏi những cơ chế, chính sách của Chính phủ phải trả lời được những câu hỏi rất thiết thực hiện nay. Đó là, khi cần có đất sản xuất, cá nhân hay doanh nghiệp say mê với làm nông nghiệp tập trung, công nghệ cao có đất hay không? Khi cần có vốn đầu tư, họ có được tiếp cận với các nguồn tín dụng một cách thuận tiện, dễ dàng hay không? Khi gặp khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ ai sẽ đến giúp họ? Các doanh nghiệp có đảm nhận và đảm nhận tốt vai trò tiêu thụ nông sản cho nông dân hay không? Những hộ nông dân nhượng đất lại cho các dự án nông nghiệp tập trung có được chuyển đổi công việc phù hợp, cuộc sống của họ sau đó có được đảm bảo an sinh?vv... Chỉ khi nào cơ chế, chính sách trả lời, giải quyết được thấu đáo được những câu hỏi, vấn đề thiết thực này, khi đó nền nông nghiệp nước nhà mới có cơ hội thay đổi, phát triển theo các yêu cầu của đời sống hiện nay.

Cơ chế, chính sách động lực, cần nhưng chưa đủ. Vấn đề không kém phần quan trọng là ý thức, trách nhiệm của cả từ phía chính quyền, các hộ nông dân và doanh nghiệp. Xin kể một câu chuyện: khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Nam Định mới đây, liên quan đến việc hiện không có nhiều trang trại, gia trại tiếp cận, vay được vốn sản xuất từ các ngân hàng, ông Trần Đình Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh này cho biết, đối chiếu với các quy định hiện hành, trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có tới 794 cơ sở sản xuất nông nghiệp có thể được công nhận là trang trại (có quy mô diện tích từ 2,1 ha trở lên, có giá trị sản xuất kinh doanh đạt từ 700 triệu/năm trở lên).

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay tỉnh này mới chỉ có 181 cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận là trang trại. Lý do, theo ông Hùng: “Nhiều chủ cơ sở sản xuất không làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền (cấp huyện) cấp giấy chứng nhận trang trại nên chưa được cấp. Mà chưa có chứng nhận là trang trại thì không được vay theo chính sách ưu đãi”. Đây là một trong những lý do, theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định, hiện mới chỉ có 77/181 trang trại ở Nam Định có dư nợ tại các chi nhánh ngân hàng...

Câu chuyện trên một mặt cho thấy người dân, dù đã có trình độ, điều kiện tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình và quy mô trang trại nhưng nhiều người dân vẫn chưa thông hiểu những chính sách liên quan đến mình, hơn thế còn là những chính sách ưu đãi. Mặt khác, câu chuyện cũng cho thấy, chính quyền ở đây vẫn chưa phải là “chính quyền phục vụ”, thể hiện ngay trong câu chuyện trên là “vì anh không xin nên tôi không cho”. Trong khi, nếu thực sự là chính quyền phục vụ, thực sự sâu sát, nắm rõ nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương sẽ chủ động rà soát, cấp giấy chứng nhận cho các chủ trang trại, thay bằng việc họ phải có “đơn xin”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy đột phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO