Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng hướng đến sử dụng các sản phẩm hàng hóa “made in Vietnam”. Đó là những thay đổi rõ nét trong thói quen tiêu dùng của người Việt, cũng là những thành quả có được kể từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào cuộc sống.
Thay đổi từ cách nghĩ đến hành động
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không khó để nhận ra những thay đổi rõ rệt trong tâm lý mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Thay vì việc tìm mua những sản phẩm tiêu dùng nhập ngoại như trước đây, những thương hiệu như giày dép Bitis, nước mắm Phú Quốc, quần áo An Phước, nệm Kymdan, bút bi Thiên Long, thực phẩm Vissan, gốm sứ Minh Long... đã trở thành những vật dụng thiết yếu với rất nhiều gia đình Việt. Những sản phẩm hàng hóa mà trước đây chủ yếu là hàng ngoại chiếm lĩnh thì nay cũng đã xuất hiện những tên tuổi Việt Nam như smartphone, ô tô, resort, ti vi... thương hiệu của nhà sản xuất, chủ đầu tư Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam hàng Việt đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.
Một báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.
Điều này cho thấy, 10 năm thực hiện triển khai, Cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây...
Chưa kể từ cuộc vận động này, các cơ quan nhà nước đã ban hành bổ sung cơ chế, chính sách để bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển các mô hình sản xuất sạch theo chuỗi giá trị, đi kèm là những chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa.
Tất cả những con số này không thể đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục tốt người tiêu dùng và được người tiêu dùng chọn lựa. Có thể nói đây là mốc quan trọng đánh dấu thành công của cuộc vận động sau chặng đường 10 năm triển khai và khẳng định sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cuộc vận động lan tỏa đến từng địa bàn dân cư
Cách đây 10 năm, Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 về kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được ban hành. Thông báo số 264 đã khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong khâu tổ chức thực hiện khi quyết định thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động ở 2 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh, thành phố và tương đương. Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban, các thành viên là đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
*Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai (khóa IX), một Nghị quyết đã được ban hành để vận động toàn dân tham gia phục hồi phát triển kinh tế, tiếp tục tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trọng tâm của Nghị quyết này là phát huy vai trò của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vận động cộng đồng doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm để dành nguồn lực khôi phục kinh tế, cơ cấu lại sản xuất để tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.
Theo đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tham mưu giúp Ban Bí thư ra quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp trung ương; đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức phát động và hướng dẫn triển khai, đôn đốc thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá, Cuộc vận động là một trong những giải pháp quan trọng, huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân trong việc phát huy nội lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Minh chứng rõ nét sau nhất đó là Cuộc vận động đã lan tỏa đến từng tỉnh, thành, từng địa bàn dân cư trên cả nước. Ở tất cả các địa phương, việc thực hiện Cuộc vận động không chỉ còn là hô hào, khẩu hiệu mà đã biến thành hành động thực tế.
Đơn cử như, tại siêu thị Co.op - Mart Phan Thiết (Bình Thuận) hiện kinh doanh trên 25.000 mặt hàng, trong đó có khoảng 95% hàng Việt Nam chất lượng cao. Nhiều siêu thị khác trên cả nước, lượng hàng hóa “Made in Vietnam” cũng tràn khắp các kệ hàng.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, khi đi về từng địa phương, đến từng khu dân cư, thấy rất rõ vai trò của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố qua việc đẩy mạnh phong trào thi đua rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Không đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương, Cuộc vận động vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang trở thành vấn đề gây nhức nhối, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Chính bởi vậy trong nhiều năm qua, với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để nêu cao tinh thần chủ đạo của cuộc vận động.
Trong đó nhấn mạnh các Ban chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam và không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.
Bước sang năm thứ 11 triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được một hành trình vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu đã đến lúc phải làm mới cuộc vận động, bởi vì với người tiêu dùng, việc tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ có thể giúp nhận thức về hàng Việt tốt hơn nhưng giá trị sản phẩm, hàng hóa và thái độ phục vụ, quan hệ cộng đồng của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định và bền vững.
Đặc biệt trong thời điểm cả đất nước bắt đầu tiến hành phục hồi và phát triển nền kinh tế sau hậu Covid-19, cần có cách làm mới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Cuộc vận động, chuyển từ vận động sang hướng nâng chất, đi vào chiều sâu, nâng cao trách nhiệm nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, để hàng Việt Nam không chỉ chinh phục chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau hơn 10 năm phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giờ không còn là lúc dựa vào sự “ưu tiên” của người tiêu dùng. Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một yêu cầu sống còn là làm sao có thể tiếp tục giữ vững thị trường nội địa và vươn xa ra thị trường thế giới. Yêu cầu đó đòi hỏi cuộc vận động cần phải được tiếp sức và tiếp nối song hành với một hành động mới không kém phần quan trọng, đó là “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.